Về làng đan đó xem các cụ 'múa' nan tre

12-03-2022 16:01 | Xã hội

SKĐS - Từ những nan tre, để tạo ra một chiếc đó tinh tế, bền chặt không chỉ cần sự khéo léo của đôi bàn tay tỉ mỉ mà còn cần sự kiên nhẫn, cần cù và hơn hết là lòng yêu nghề.

Nhắc đến những làng nghề truyền thống ở Việt Nam, không thể không nhắc đến làng làm đó Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên) danh tiếng một thời, cái thời mà người nông dân sống hoàn toàn nhờ đồng ruộng và ngư dân thì có thể trông chờ vào sự trù phú của con nước. 

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 1.

Thời đó, hầu như nhà nào của vùng quê chiêm trũng nhiều thì có hàng chục, ít thì cũng có dăm ba chiếc đó…

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 2.

Đôi tay “múa’ trên những thanh tre vô tri, vô giác để tạo ra những chiếc đó mà ngỡ nghệ sĩ đang múa trên những phím đàn.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 3.

Thế nhưng ở xã Tiên Lữ, cả người già lẫn trẻ nhỏ đều có thể tạo nên sản phẩm. Các cụ bà ở đây chia sẻ, họ bắt đầu đan đó từ khi 5 tuổi, thậm chí còn đùa rằng biết đan đó từ trong bụng mẹ.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 4.

Đầu tiên, người thợ phải chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng. Dùng tay và cằm vót nan được coi là cách làm phổ biến của người dân nơi đây.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 5.

Đa phần công đoạn này do đàn ông thực hiện. Nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 6.

Để làm ra một chiếc đó, người làm đó phải sử dụng rất nhiều loại nan khác nhau như: nan suốt (đây là loại nan dùng định hình khuôn) nan này có chiều dài theo suốt từ đầu đến cuối chiếc đó; Tiếp đó là nan so le, loại nan này cũng dài từ từ miệng chiếc đó đến đuôi đó; Cùng với đó là nan hom, nan khoáy…

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 7.

Công đoạn làm nan đã là vậy, tuy nhiên việc dựng hình, đan đòi hỏi người làm đó khéo tay hơn nhiều. “Chỉ cần định hình sai một nhịp, không đều tay một nhịp chiếc đó sẽ bị dúm dó và méo đi ngay” - cụ Truất cho hay.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 8.

Loại đó hai cửa phải trải qua nhiều khâu: Chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, ra nan phải đều đẹp, bó từng bó dùng chân đạp làm cho nan tròn, sạch, mịn, dóc “chân rít” thành mê để đan, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng), cuối cùng vào đáy lên vành và xoáy đầu lên lưng.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 9.

Một chiếc đó đẹp là một chiếc đó phải được đan bằng loại nan chẻ ra phơi khô, nhúng nan vào nước vôi; đường đan cân đối, các lớp đan phải đều nhau; đó được hun bằng rơm, hun qua 3 lửa mới đẹp được. Nghệ thuật hun rất khó, các cụ bà hun là đẹp nhất.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 10.

Nguyên liệu để làm ra những chiếc rọ, đó là nứa được chuyển từ trên rừng về. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn. Một người lành nghề mất khoảng 30-50 phút để tạo nên một chiếc đó hoàn chỉnh.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 11.

Ngôi nhà ngói nhỏ đậm chất Bắc Bộ với những người dân miệt mài làm việc, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 12.

Tay vẫn thoăn thắt với những nan tre, cụ Phạm Xuân Hồng vừa giảng giải với chúng tôi, nghề đan đó của làng chẳng biết có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ xưa kể lại, nghề đan đó, đan rọ được Thành hoàng làng là bà Nguyễn Thị Huệ truyền lại. “Thành hoàng là người dân tộc Mường ở Thanh Hoá, sau khi bà lấy chồng ở vùng chiêm trũng bên dòng sông Luộc này thì bà mang luôn cái nghề đan đó, đan rọ về và truyền lại cho người dân nơi đây”.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 13.

Ở cái tuổi ngoài 80 nhưng đôi mắt và đôi tay cụ Truật vẫn còn tinh anh lắm. Nhìn đôi tay cụ “múa’ trên những thanh tre vô tri, vô giác để tạo ra những chiếc đó mà ngỡ nghệ sĩ đang múa trên những phím đàn. “Nghề đan đó tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ lắm đấy nhà báo ạ” - cụ Truất nheo nheo đôi mắt cho hay.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 14.

Một chiếc đó đạt yêu cầu về độ bền, độ chắc được bà Miên tiết lộ: "Để kiểm tra, chỉ cần dùng tay nắn đoạn khoáy nếu chắc là tốt. Ngoài ra, chiếc đó sau khi hoàn thiện phải được gác lên gác bếp. "Khói bếp không chỉ phủ lên một màu nâu cho đó, mà nó còn có tác dụng chống lại mối, một” - bà Miên giải thích.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 15.

Cũng theo các cụ cao niên trong làng chia sẻ, trước đây, khi quá trình đô thị hoá chưa bị tác động, nghề làm đó, làm rọ trở thành nghề truyền thống, kiếm tiền của toàn xã. “Vài năm trở lại đây quá trình đô thị hoá dần, ruộng đồng, sông ngòi ngày bị thu hẹp nên chỉ còn hai thôn là Nội Lăng và Tất Viên còn giữ lại nghề thôi” - cụ Lương Sơn Bạc cho biết.

Về làng đan đó xem các cụ “múa” nan tre - Ảnh 16.

Chia tay với những người nghệ sĩ trên những thanh tre, thanh nứa để trở về với công việc thường nhật. “Làng đó” xa dần, nhưng lẩn khuất đâu đó phía bên kia ruộng lúa, trên mỗi bờ mương hay chính ở một góc nhỏ của quán cà phê nơi phố thị vẫn tồn tại sản vật của một thời xa xưa!


 

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn