Hà Nội

Về lá thư phúc đáp chân tình của bà Bộ Trưởng Bộ Y tế

02-01-2015 11:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bác sĩ Võ Xuân Sơn đã có những dòng chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình về bức thư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hồi đáp một tâm thư của cô gái trẻ đang mắc căn bệnh ung thư vú gai đoạn cuối. Suckhoedoison.vn xin gửi tới bạn đọc những chia sẻ của bác sĩ dưới đây.

Đang phân vân nên đưa cái gì lên như một status đầu năm, một status nói về những điều tốt đẹp. May quá, đọc được một liên kết của bạn Mượt, nói về cô gái có mối tình như trong chuyện cổ tích, đã gởi một lá thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề chi trả BHYT cho bệnh nhân ung thư, kèm theo lá thư trả lời của bà Bộ Trưởng gởi cho cô.

Khánh Thương là một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV - giai đoạn cuối cùng - đã di căn vào xương và gan. Trong lá thư, Khánh Thương chia sẻ rằng khi biết tin tỷ lệ quỹ bảo hiểm cho phí điều trị của bệnh nhân ung thư từ 2015 sẽ giảm xuống, dù quỹ này vẫn đang thừa 20.000 tỷ. Cô biết rằng thời gian của mình chỉ còn rất ít, nhưng vẫn cố tìm mọi cách để nói lên nỗi lòng của những người cùng cảnh ngộ.

Đọc: Thư gửi Bộ trưởng của một bệnh nhân ung thư tại đây.

Khánh Thương đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Khánh Thương đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Cách đây không lâu, một bạn đưa vấn đề lên facebook, rằng một người đang lái xe thì xe bị mất thắng, lao thẳng vào đám đông có 7 người. Nếu để xe lao vào đám đông 7 người thì cả 7 người sẽ chết. Khi đó, có một cơ hội duy nhất là đánh tay lái sang phải. Nếu làm như vậy, xe sẽ tông vào 2 người và 2 người sẽ chết. Câu hỏi là: xử lí như thế nào?

Giả sử bạn chỉ có 2 lựa chọn như vậy, bạn sẽ làm sao? Bạn không phải là Chúa, bạn không có quyền cho phép ai sống, bắt ai phải chết. Trên thực tế, nếu thực sự có chuyện như vậy xảy ra, thường thì bạn sẽ không có đủ thời gian để suy nghĩ, để xem mình có được phép hành xử như Chúa hay không, và bạn sẽ xử lí theo phản xạ, theo bất cứ cái gì mách bảo bạn ngay vào thời điểm đó.

Nhưng đối với những người phải quyết định chi tiền BHYT như thế nào, họ phải đưa ra một quyết định. Và trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, họ phải quyết định làm sao để có nhiều người được hưởng lợi nhất. Trong ví dụ trên, dù xử lí như thế nào thì người lái xe cũng sẽ phải day dứt về hành động của mình, bởi không thể không có thiệt hại. Những người quyết định chi tiền BHYT cũng vậy, và họ đã chọn giải pháp gây ra ít thiệt hại nhất,

Đọc: Lá thư Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi một bệnh nhân ung thư tại đây.

Bộ Trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thị Kim Tiến

Đọc lá thư của cô gái gởi cho bà Bộ trưởng Bộ Y tế, cô đã chất vấn vừa trên vai trò là công dân chất vấn Bộ trưởng, vừa trên vai trò là người phụ nữ chấn vấn một phụ nữ. Khi đọc được những dòng chất vấn của cô, tôi hiểu rằng cô không đòi hỏi cho cô, cô đang lo lắng cho những người sắp tới không được dùng thuốc ung thư loại mới, đồng nghĩa với cái chết.

Rõ ràng việc lựa chọn một giải pháp mang lại ít thiệt hại nhất là giải pháp đúng đắn nhất trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. 1,2 tỉ đồng có thể chữa được cho hàng trăm, có khi là hàng ngàn người, khỏi những căn bệnh khác. Giá như chúng ta có đủ tiền cho tất cả. Nhưng đó vẫn chỉ là “giá như”.

Sẽ hay biết bao nếu chúng ta không phải đứng ở vị trí khó xử, không bị bắt buộc đóng vai trò của Chúa. Sẽ hay biết bao nếu còn có một giải pháp khác, không gây thiệt hại cho bất cứ ai. Gần đây, trong một vài vụ TNGT, tài xế đã chọn lựa cách ít thiệt hại nhất, cho dù cách đó cướp đi mạng sống của chính họ. Đó là những anh hùng, những người sẵn sàng hi sinh mạng sống quí giá của mình cho mạng sống của những người khác. Tuy nhiên, sẽ đẹp hơn nhiều nếu cái xe không bị mất thắng, nếu các bác tài kiểm tra xe kĩ hơn, kiên quyết không lái những chiếc xe không bảo đảm an toàn, hoặc xử lí kĩ thuật tốt hơn để không rơi vào cảnh phải hi sinh.

Việc quyết định sử dụng BHYT như thế nào, chi cho ai, tỉ lệ bao nhiêu không phải chỉ do y tế quyết định. Việc làm sao để có đủ tiền để chi cho mọi bệnh nhân hoàn toàn không nằm trong tầm tay của y tế. Tuy nhiên, mặc dù không được toàn quyền lái, ngành y bắt buộc phải ngồi sau vô lăng, bắt buộc phải tham gia vào việc quyết định chi cho ai và không chi cho ai, mà chẳng thể làm gì khác được.

Đây là một bức thư vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính chính thức. Nội dung thư chừng mực, phân tích lí do và những khó khăn. Hẳn là Bộ trưởng và các thư kí của bà đã phải cân nhắc nhiều khi viết lá thư này. Và đây là một bức thư phúc đáp rất chân tình, trả lời thằng vào vấn đề mà người dân chất vấn, không né tránh trách nhiệm. Nó không giống như cái mà chúng ta thường thấy trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên TV.

Có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt đối với lá thư của bà Bộ trưởng. Theo tôi, nội dung và cách phản ứng của đa số các ý kiến đó cho thấy chúng xuất phát từ ác cảm đối với ngành y, hoặc thể hiện sự thiếu khách quan, có phần phiến diện. Với tôi, lá thư của bà Bộ trưởng Y tế thể hiện trách nhiệm một cách chân tình và đúng đắn.

BS. Võ Xuân Sơn

 


Ý kiến của bạn