Về ký sinh trùng amip “ăn” não người: Các chuyên gia nói gì?

05-09-2012 22:25 | Y học 360
google news

Sau ca tử vong của một bệnh nhân 25 tuổi được xác định do amip “ăn” não người, nhiều thông tin về loại amip này đã được đưa ra. Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đầu ngành y về bệnh nhiễm, ký sinh trùng đều cho rằng đây là bệnh rất hiếm gặp.

Sau ca tử vong của một bệnh nhân 25 tuổi được xác định do amip “ăn” não người, nhiều thông tin về loại amip này đã được đưa ra. Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đầu ngành y về bệnh nhiễm, ký sinh trùng đều cho rằng đây là bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, vẫn có một vài thông tin trái chiều, cảnh báo quá đà gây hoang mang cho dư luận. Thậm chí, một số thông tin còn nhầm lẫn về cả tác nhân gây bệnh (vi sinh vật Naegleria fowleri) với dòng amip thông thường.

Rất hiếm gặp và không phải amip thông thường

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xác định đã tử vong sau 1 ngày nhập viện do mắc phải loại amip “ăn” não – thực chất là loài vi sinh vật đơn bào ký sinh có tên khoa học là Naegleria fowleri. Theo BS. Châu, đây là trường hợp đầu tiên được BV Bệnh nhiệt đới phát hiện bị nhiễm amip “ăn” não và là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam tử vong do loại ký sinh nguy hiểm này.

 Tại Việt Nam, theo BS. Châu, do từ trước đến nay không có ai được ghi nhận bệnh do Naegleria fowleri nên cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào về đặc điểm gây bệnh cũng như dịch tễ về chủng này. Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị phá hủy nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong. Bệnh thường tiến triển nhanh trong vòng dưới 2 tuần.

Hình ảnh amip tấn công và “ăn” não người.        (Ảnh do PGS.TS. Triệu Nguyên Trung cung cấp)

Đồng quan điểm, ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, để chẩn đoán sớm các ca bệnh, các bệnh viện tại tuyến cơ sở thấy những trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ như trên và có tiền sử đi bơi, lặn ngụp ở hồ nước, sông suối… mà xét nghiệm dịch não tủy cho thấy:  áp lực tăng nhiều, protein tăng cao, tăng bạch cầu trung tính trong giai đoạn sớm, soi dịch não tủy thấy amip di động… thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến có điều kiện xét nghiệm phân tử để chẩn đoán xác định chủng amip, từ đó có hướng điều trị tích cực.

 Cảnh giác với tác nhân gây bệnh

PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn cho biết, N.fowleri được biết như một loại amip “ăn” não (the brain-eating amoeba) là một loại tác nhân sống tự do trong các vật thể ẩm và nước ngọt như ao, hồ, sông và các suối nước nóng. Ngoài ra, còn tìm thấy trong các vùng đất, gần nơi thải nước của các nhà máy công nghiệp và các hồ bơi chưa khử khuẩn chlorid có chứa giai đoạn trùng roi tạm thời và dạng amip. Không có bằng chứng về ký sinh trùng này sống trong nước đại dương. Nó lệ thuộc vào nhóm gọi là Percolozoa hoặc Heterolobosea, tuy không phải là một amoeba thật sự, nhưng vẫn được coi như một loài để tiện theo dõi, do đó còn gọi là bệnh do đơn bào N.fowleri. N.fowleri có thể xâm nhập và tấn công vào hệ thần kinh trung ương, mặc dù  hiếm khi xảy ra, song nếu bị nhiễm khuẩn thường dẫn đến tử vong với tỷ lệ khoảng 98 - 99%.

N.fowleri thường được tìm thấy trong các vật thể trong nguồn nước ngọt ấm như sông, hồ; các vùng có địa nhiệt hoặc suối nước nóng tự nhiên; nước ấm thải ra từ các khu hoặc nhà máy công nghiệp; nguồn nước uống xuất phát từ địa nhiệt; trong đất ẩm; hồ bơi mà ít khi được bảo trì, bảo dưỡng và quan tâm đến vấn đề vệ sinh, nhất là vấn đề sát khuẩn; nước ấm với nhiệt độ < 47°C.

N.fowleri tồn tại trong 3 thể: thể nang, tư dưỡng (ameboid) và roi (flagellate).

Phát hiện tác nhân gây bệnh này trong nước có thể thực hiện bởi ly tâm mẫu nước có bổ sung thêm Escherichia coli, dùng thêm viên thức ăn (pellet) bổ sung vào môi trường thạch không có chất dinh dưỡng. Sau vài ngày, đĩa được quan sát vi thể và các nang Naegleria được xác định thông qua kiểm tra hình thái học. Việc xác định cuối cùng của các loài có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp hóa sinh hoặc sinh học phân tử khác nhau.

Ký sinh trùng N.fowleri “ăn” não người thế nào?

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, N.fowleri là loài amip tự do thuộc giống Naegleria gây viêm màng não - não bất thường.

 Sau khi N.fowleri xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ của chất nhầy ở niêm mạc mũi, sau đó đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác rồi di chuyển đi lên não, chúng cư trú tại một vùng nhất định của não, sinh sản một cách nhanh chóng ở đây. Tại não chúng thực bào hồng cầu và tế bào não (thực bào = ăn tế bào) và gây nên tình trạng viêm não – màng não cấp tính.

Một đặc tính sinh học vô cùng quan trọng của loài N.fowleri tuy là một loại ký sinh trùng đơn bào nhưng lại nhạy cảm với một loại kháng sinh chống nấm AmphotericinB.

Sau khi N.folwleri xâm nhập cơ thể người có thời kỳ nung bệnh khoảng từ 1 – 14 ngày thì các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện (thời kỳ tiên phát) như nhức đầu, sốt, thở nhanh khoảng 30 lần/ phút. Sốt có thể lúc đầu là sốt nhẹ, sau đó sốt cao lên tới 39 - 41oC. Kèm theo các triệu chứng về thần kinh như cứng cổ, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Tiếp đến là biểu hiện các triệu chứng như lú lẫn, u ám, thiếu tập trung và có thể xuất hiện cơn co giật. Bệnh diễn biến rất nhanh đi đến suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong. Từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi tử vong có thể xảy ra vào khoảng 7 – 14 ngày, đặc biệt có trường hợp nặng chỉ trong vài ngày. Với các triệu chứng gây bệnh của N.fowleri rất giống với các triệu chứng bệnh viêm màng não - não  do vi khuẩn hoặc virut gây ra nên dễ chẩn đoán nhầm.

Nên quan tâm chứ không nên hoang mang!

Đánh giá về ca tử vong do amip “ăn” não người, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, thông tin truyền thông về ca bệnh tử vong có lẽ nên dừng lại bởi có nhiều bài báo đã hơi quá đà. Bên cạnh đó, người dân không nên hoang mang bởi N.fowleri có trong ao hồ, sông ngòi, đầm nước ngọt nhưng hiếm khả năng gây bệnh. Theo BS. Châu, nếu có thể, các nhà khoa học nên quan tâm nghiên cứu về sự lưu hành của N.fowleri tại nước ta để có những khuyến cáo phù hợp nhất.

Đồng quan điểm này, TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, chuyên gia về ký sinh trùng cũng cho rằng, Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hay vùng lưu hành của amip “ăn” não người. Tuy nhiên, về mặt y tế dự phòng thì có lẽ chưa cần thiết phải đưa ra những cảnh báo quá đà dễ làm người dân lo lắng và đổ xô đi khám bệnh một cách không cần thiết.

Cần phân biệt và chẩn đoán đúng bệnh do amip “ăn” não người

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội cho biết, amip thường gặp là loài Entamoeba histolytica, phân bố rải rác trên khắp các tỉnh/thành. Loại ký sinh trùng đường ruột này lây lan và phát tán chính qua phân, nếu phân có chứa mầm bệnh được mang đi tưới rau hoặc được đổ thải xuống sông, hồ thì theo đó mà lây lan. Chính vì thế, người dân ở nông thôn, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn tương ứng với người dân thành thị, nam giới. Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng, tức là số người có bào nang amip trong ruột người khoảng 5 - 10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém. Amip này thường gây bệnh kiết lỵ, một số trường hợp, amip thể hoạt động ăn hồng cầu từ ruột sẽ theo đường máu đi lên gan gây áp-xe gan, lên não gây áp-xe não...

Ca tử vong ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là do loài amip khác gây nên, đó là loài Naegleria fowleri, loài này có sức hủy hoại tế bào não mạnh hơn và có thể là tổ chức não bị áp-xe là vùng nguy hiểm - nơi có chức năng quan trọng, vì thế sự tổn thương ở não là nặng nề gây tử vong. Kết quả chọc dò dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng amip Naegleria fowleri với kỹ thuật PCR là chính xác, tuy nhiên đây không phải là một amip thật sự mà thường được gọi như một loại amip cho thuận tiện.

Chính vì thế, một lần nữa cần khẳng định việc phân loại và chẩn đoán tác nhân gây bệnh vẫn luôn là việc làm cần thiết, quan trọng nhất để quyết định phương án điều trị trong bất cứ trường hợp nào, nhất là đối với những ca bệnh nguy hiểm vừa qua.

Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về phòng, chống bệnh viêm não - màng não:

Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não - màng não do đơn bào Naegleria fowleri  là một bệnh rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm, từ năm 1962 - 2011, Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 - 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não - màng não do Naegleria fowleri.

Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46oC. Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não - màng não. Do đó, để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm một số nội dung như: Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao; Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi; Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi... “Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”. 



Tuân Nguyễn, Thái Bình và nhóm PV Ban Y thực hiện



Ý kiến của bạn