Hà Nội

Về huyện nghèo thưởng nóng 60 tháng lương, bác sĩ vẫn lắc đầu

07-06-2014 19:17 | Thời sự
google news

Nếu lên 2 huyện nghèo ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu được hỗ trợ thêm 60 tháng lương cơ bản nhưng vẫn chưa có bác sĩ trẻ nào tình nguyện về

Thậm chí tại tỉnh Yên Bái, tỉnh đã có chính sách đãi ngộ rộng rãi như bác sĩ mới ra trường về bệnh viện tỉnh Yên Bái sẽ được hỗ trợ 62 triệu đồng, còn nếu tình nguyện lên 2 huyện nghèo ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu, hoặc vào các khoa lao, tâm thần được hỗ trợ thêm 60 tháng lương cơ bản nhưng vẫn chưa có bác sĩ trẻ mới ra trường nào tình nguyện về”, một đại biểu Quốc hội kể.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh nói, vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định sức khỏe cho người dân. Hiện nay, số lượng bác sỹ của tuyến huyện chỉ chiếm khoảng 30% tổng số bác sỹ. Số bác sỹ giỏi, chuyên môn sâu rất hạn chế. Theo khảo sát của Bộ Y tế tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là 20 tỉnh có huyện nghèo, số lượng và chất lượng đội ngũ bác sỹ tại các huyện nghèo còn rất nhiều bất cập. Một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ có khoảng 6-7 bác sỹ, trung tâm y tế huyện số lượng bác sỹ còn ít hơn, chỉ có 4-5 bác sỹ. Tại trung tâm y tế huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cả xã và huyện chỉ có 93 y bác sỹ, trong khi đó nhu cầu y bác sĩ ở tại đây khoảng 200 người. Tại Bắc Kạn, theo khảo sát nhu cầu cần bác sĩ thiếu khoảng 60 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa, 16 trạm y tế huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai không có bác sĩ. Huyện Mù Cang Chải ở Yên Bái chỉ có 2/14 trạm y tế có bác sĩ.

  • Đại biểu Võ Kim Cự: “Đối tượng hỗ trợ cho vay nghèo từ bụng mẹ”.

Nguyên nhân thiếu bác sĩ ở các huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo đại biểu là do điều kiện về môi trường, địa lý, điều kiện làm việc tại những vùng này còn nhiều bất cập về chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thu hút và duy trì được đội ngũ cán bộ y tế. Để bước chân vào trường y, học sinh phải thi đầu vào, quá trình thi đầu vào khó, thời gian học vừa dài hơn và tốn kém hơn các ngành khác. Khi ra trường đa số sinh viên chỉ muốn ở lại các bệnh viện tỉnh và thành phố lớn vì điều kiện kinh tế. Chính vì vậy các tuyến y tế cơ sở tại các vùng này ngày càng thiếu bác sĩ trầm trọng.

“Thậm chí tại tỉnh Yên Bái, tỉnh đã có chính sách đãi ngộ rộng rãi như bác sĩ mới ra trường về bệnh viện tỉnh Yên Bái sẽ được hỗ trợ 62 triệu đồng, còn nếu tình nguyện lên 2 huyện nghèo ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu, hoặc vào các khoa lao, tâm thần được hỗ trợ thêm 60 tháng lương cơ bản nhưng vẫn chưa có bác sĩ trẻ mới ra trường nào tình nguyện về” - đại biểu Anh ngao ngán.

Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất ở các vùng này xuống cấp, các trang, thiết bị y tế thiếu nên cũng làm hạn chế thu hút và giữ chân các bác sĩ làm tại các vùng này. Chính vì những nguyên nhân trên mà người nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu muốn tiếp cận được với các nhiệm vụ y tế lại gặp rất nhiều khó khăn. Người bệnh chỉ có chuyển tuyến hoặc vượt tuyến điều trị mới đáp ứng được nhu cầu nhưng phải trả một chi phí y tế tương đối cao, người dân đã nghèo càng nghèo hơn.

Bàn về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nói, trong các chính sách chúng ta đã ban hành khá tốt và khá đồng bộ. Theo ông, đối tượng của ngân hàng chính sách xã hội cho vay đều khó khăn, rất nghèo và cận nghèo. “Họ đã nghèo từ lúc đang còn ở trong bụng mẹ. Tuy vậy, có một đội ngũ cán bộ ngân hàng chính sách rất tích cực, tâm huyết do Thống đốc ngân hàng nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị rất quyết liệt. Cho nên đã làm rất tích cực và có hiệu quả, anh em đã kịp thời cho vay những nơi như tái định cư, nơi vừa bão lũ xong, nơi khó khăn là cán bộ, công nhân của ngân hàng chính sách kịp thời có mặt và quản lý vốn rất tốt. Tỷ lệ vốn quá hạn chỉ có 0,82% tức là chưa đầy 1%, rất an toàn, hàng triệu người dân rất tâm đắc, biểu dương, đánh giá cao ngân hàng chính sách xã hội. Còn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tôi đề nghị Quốc hội chẳng những giảm nghèo mà tôi đề nghị mục tiêu của ta là phải giảm nghèo bền vững, phải vươn lên khá hơn cho đội ngũ này”. Ông đề nghị tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, bởi vì từ năm 2010 đến giờ chưa được tăng vốn điều lệ. Đây là một yêu cầu lớn nhất, cung cầu mất cân đối. Ví dụ chúng ta có thể tăng khoảng 4, 5 nghìn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì tăng như thế này là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn

Theo CAND


Ý kiến của bạn