Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia với nhiều quy định nhằm hạn chế việc sử dụng rượu, bia bừa bãi gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng cũng như nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo vừa được công bố này hiện đang có nhiều ý kiến dư luận khác nhau. Để cung cấp thông tin về dự luật đến bạn đọc đầy đủ hơn, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, lý do để Bộ Y tế xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia là gì?
Ông Nguyễn Huy Quang: Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia là vấn đề quan trọng trong dự phòng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm ở nước ta.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng những đồ uống có cồn gây ra 2,2 triệu ca tử vong trên thế giới, tương đương 6.000 người chết mỗi ngày. Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia khá phổ biến, đặc biệt là nam giới, ước tính 70% đàn ông Việt uống rượu bia, trong đó, cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức có hại, tương đương 6 cốc bia mỗi ngày. Thống kê năm 2013 cho thấy, trung bình 1 người Việt Nam uống 32 lít bia/năm là minh chứng cho mức độ lạm dụng loại thức uống có cồn này ở nước ta. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trong số 10 nước khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, người lạm dụng rượu, bia còn gây ra các rối loạn về hành vi, khó kiểm soát như: các hành vi gây thương tích, bạo lực gia đình. Người lạm dụng rượu, bia rất dễ mắc các bệnh như: xơ gan, ung thư, các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tâm thần và sức khỏe tình dục, thậm chí dẫn đến tử vong... Ngoài ra, các điều tra trong nước cũng cho thấy, 60% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến say rượu, bia.
Để hạn chế những vấn đề trên, Quốc hội đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng luật này. Đến nay, Bộ Y tế đang dự thảo lần 1 luật này.
PV: Vậy một số quy định như cấm bán rượu, bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau hay không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi... có xuất phát từ thực tiễn không, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Trước khi xây dựng dự thảo luật, chúng tôi luôn phải thu thập các văn bản luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ xây dựng. Theo đó, việc bán rượu bia từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau có thể bị cấm tại một số địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường...
Trên thực tế, có một số nước đã cấm bán rượu, bia trong thời gian nhất định trong ngày và có hiệu quả như: Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị và các góc của cửa hàng từ 22h đến 6h hôm sau, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền. Tại Na Uy, rượu, bia cũng được bán vào những khoảng thời gian nhất định. Thời gian này có thể thay đổi từ địa điểm này đến địa điểm khác nhưng không muộn hơn 20h vào các ngày thường và 18h ngày thứ bảy và các ngày lễ. Các cửa hàng, siêu thị ở nước này cũng không được bán rượu vào chủ nhật, ngày lễ và ngày bầu cử hoặc ngày trưng cầu dân ý. Ở Thái Lan và Singapore cũng chỉ cho phép bán rượu từ 17h đến 22h.
Tại Việt Nam cũng đã có quy định không được bán rượu trong các quán karaoke, vũ trường sau 24h nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Như vậy, sau khi tham khảo từ nhiều nguồn, chúng tôi nhận thấy đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, vì thời điểm này uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, các hoạt động uống rượu bia sau 22h còn gây ồn ào, mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới người xung quanh và dễ dẫn tới những tai nạn giao thông khó lường do đường vắng, người lạm dụng rượu bia có thể phóng nhanh, vượt ẩu... không làm chủ được tốc độ...
PV: Mặc dù vậy, nhưng thưa ông, ngay khi dự thảo luật mới được công bố, đã có nhiều ý kiến cho rằng một số quy định như trên rất khó khả thi?
Ông Nguyễn Huy Quang: Trong trường hợp này, để những quy định về cấm sử dụng rượu, bia không “nằm trên giấy” mà thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện phải xử nghiêm, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh của cơ sở vi phạm. Tôi cho rằng, bất kỳ một quy định nào đều phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành và tính tự giác của mỗi người, cũng như trách nhiệm công dân, trách nhiệm pháp lý của họ. Đặc biệt, mọi người nên nhìn các quy phạm pháp luật dưới góc độ nhân văn.
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, đây mới là dự thảo lần 1 của luật để xin ý kiến ban soạn thảo nên sẽ còn thay đổi rất nhiều. Dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dân.
Để đảm bảo tính khách quan, khả thi của dự thảo thì Tổ biên tập phải tổng hợp tất cả những ý kiến, quan điểm, đề xuất. Chúng tôi sẽ chỉ nghiên cứu, lựa chọn và trình Chính phủ, Quốc hội những quy định thật sự phù hợp sau khi lấy ý kiến rộng rãi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)