Hà Nội

Về đích trước 5 năm, Bộ Y tế hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

30-06-2020 13:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông có 4 mức độ DVCTT, trong đó DVCTT mức độ 4 cho phép người dân và doanh nghiệp (DN) giải quyết thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước hoàn toàn qua mạng internet, kể cả thanh toán lệ phí (nếu có). Nhân dịp Bộ Y tế công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, báo SKĐS có cuộc trao đổi với ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin về nội dung này.

PGS.TS. Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế.

PGS.TS. Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế.

PV: Được biết, quá trình triển khai DVCTT của Bộ Y tế cũng thăng trầm theo thời gian, xin ông cho biết quá trình này như thế nào?

Ông Trần Quý Tường: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai DVCTT để tạo thuận lợi cho người dân và DN trong giải quyết TTHC các cơ quan nhà nước, Bộ Y tế đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng DVCTT từ rất sớm. Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, cung cấp các DVCTT đến người dân và DN. Quá trình triển khai DVCTT của Bộ Y tế chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ năm 2014 đến năm 2019

Ngày 01/8/2014, Bộ Y tế khai trương DVCTT mức độ 4 đầu tiên “Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm” do Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và Công ty cổ phần Công nghệ DTT thực hiện. DVCTT này cung cấp đầy đủ các giao dịch trực tuyến từ nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, bổ sung hồ sơ, nhận kết quả đều được thực hiện trực tuyến. Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm được ký số, đóng dấu số và trả trực tuyến cho DN, không cấp bản giấy. Như vậy, Bộ Y tế là một trong số các bộ, ngành đầu tiên triển khai thành công DVCTT mức độ 4 với đầy đủ chức năng cần thiết, số hóa toàn bộ quá trình thực hiện. Đến nay, DVCTT này vẫn đang hoạt động tại địa chỉ http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn và đã xử lý gần 15.000 hồ sơ.

Thời gian tiếp theo, Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các Cục, Vụ tiếp tục đẩy mạnh triển khai DVCTT. Đến ngày 31/12/2019, sau hơn 5 năm triển khai, Bộ Y tế đã thực hiện được 90 DVCTT thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, khám, chữa bệnh, dược phẩm, khoa học và đào tạo, quản lý môi trường y tế. Đây là nhóm dịch vụ công có số lượng hồ sơ giải quyết lớn, với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày, nên Bộ Y tế đã chỉ đạo ưu tiên làm trước.

Giai đoạn 2: Từ tháng 12 năm 2019 đến nay

Bộ Y tế đã xây dựng lộ trình triển khai DVCTT là đến năm 2025 sẽ hoàn thành Chương trình DVCTT của Bộ. Tuy nhiên, ngay sau khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, điều hành toàn diện Bộ Y tế, ngày 05/12/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế phải tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ và có giải pháp phù hợp để bảo đảm đến ngày 30/6/2020 hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ đã khẩn trương, quyết liệt, đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ triển khai DVCTT mà Phó Thủ tướng giao.

Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu và trình Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các văn bản triển khai DVCTT như: Quyết định số 1539/QĐ-BYT ngày 03/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai DVCTT của Bộ Y tế giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 6139/QĐ-BYT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 của Bộ Y tế; Quyết định số 1332/QĐ-BYT ngày 25/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn kỹ thuật kết nối Cổng dịch vụ công Bộ Y tế.

Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ đã đặt nhiệm vụ triển khai DVCTT là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong 6 tháng đầu năm 2020; đã huy động mọi nguồn lực, phối hợp với các DN công nghệ thông tin để triển khai DVCTT với tinh thần rất khẩn trương, quyết liệt, thần tốc! Các đơn vị thuộc bộ đã bám sát công việc triển khai DVCTT hằng ngày để kịp thời giải quyết các công việc phát sinh nếu có. Có thể nói, chưa bao giờ tinh thần làm việc triển khai DVCTT lại hối hả, quyết liệt và thần tốc như 6 tháng vừa qua.

Sau 6 tháng triển khai, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và các đồng chí Lãnh đạo Bộ, với sự nỗ lực vượt lên trên mọi khó khăn của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ, sự hợp tác có hiệu quả của các DN công nghệ thông tin, đến nay, các đơn vị có cung cấp DVCTT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối vào Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế. Với 321 DVCTT, từ tháng 1 năm 2020 đến nay, Bộ Y tế đã xử lý trực tuyến 33.429 hồ sơ trong đó: Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế: 4919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm: 8708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược: 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: 1724 hồ sơ; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo: 50 hồ sơ; Cục Quản lý môi trường y tế: 1 hồ sơ.

PV: Thưa ông việc triển khai thành công DVCTT có ý nghĩa như thế nào?

Ông Trần Quý Tường: Được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Lãnh đạo Bộ, đến nay 100% các TTHC của Bộ Y tế được cung cấp DVCTT mức độ 4, là một trong những bộ/ngành tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và hiện đại hóa hành chính. Việc triển khai DVCTT có nhiều ý nghĩa: Một là: Cung cấp các DVCTT là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính triển khai Chính phủ điện tử Bộ Y tế. Tạo điều kiện cho nhân dân và DN đồng thời giảm áp lực giấy tờ công việc lên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ. Hai là: Cá nhân, tổ chức khi đăng ký DVCTT sẽ giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm thời gian và tiết kiệm được đi lại cho người sử dụng. Ba là: Tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ. Bốn là: Hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ  và cơ quan cung cấp dịch vụ, do đó có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm,...

PV: Xin chúc mừng Bộ Y tế là Bộ đầu tiên công bố hoàn thành triển khai DVCTT mức độ 4! Vậy xin ông chia sẻ về các bài học thành công của quá trình triển khai DVCTT rất thần tốc của Bộ Y tế?

Ông Trần Quý Tường: Xin cảm ơn nhà báo, đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, như vậy Bộ Y tế đã về đích trước 5 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. Qua quá trình triển khai, chúng tôi tổng kết các bài học thành công như sau:

(1) Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là yếu tố tiên quyết, quyết định sự triển khai DVCTT của Bộ Y tế có tính đột phá, thần tốc, về đích trước thời gian 5 năm so với lộ trình đề ra ban đầu.

Ngay sau khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, điều hành toàn diện Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế phải tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ và có giải pháp phù hợp để bảo đảm đến ngày 30/6/2020 hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Hàng tuần, Phó Thủ tướng đều yêu cầu các Vụ, Cục báo cáo tiến độ triển khai và có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ triển khai.

(2) Văn phòng Bộ với vai trò là đơn vị đầu mối phụ trách Bộ phận Một cửa Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ Y tế và Một cửa điện tử, Văn phòng Bộ đã đề xuất một cách làm mới, đột phá tiết kiệm thời gian và kinh phí xây dựng. Đó là thay vì xây dựng chi tiết từng phần mềm đơn lẻ, Văn phòng Bộ đã đề xuất xây dựng các modul trong Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để các đơn vị tự cấu hình các DVCTT mức độ 4 cơ bản.

Kết quả, chỉ trong khoảng 3 tháng đã cùng các đơn vị hoàn thành xây dựng 147 DVCTT mức độ 4 cơ bản. Trong tương lai, khi có phát sinh TTHC mới mà không cần xây dựng chi tiết các đơn vị có thể tự cấu hình trên các modul đã được xây dựng trên Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế.

(3) Sự vào cuộc tích cực, chủ động, có trách nhiệm của các đồng chí Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, trong việc triển khai DVCTT mức độ 4 của Bộ Y tế. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế đã đưa nhiệm vụ triển khai DVCTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian vừa qua của đơn vị, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân chịu trách nhiệm; Lãnh đạo đơn vị thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai DVCTT; gắn việc hoàn thành triển khai DVCTT là điều kiện để bình xét thi đua khen thưởng trong đơn vị. Đồng thời, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã quan tâm, bố trí kinh phí triển khai ngay từ đầu năm.

(4) Có giải pháp chuyên môn kỹ thuật phù hợp. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao, Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã phối hợp với các DN công nghệ thông tin tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo lựa chọn được các giải pháp, công nghệ phù hợp để triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng các DVCTT mức độ 4 đáp ứng yêu cầu của người dân và DN.

Nhân dịp Bộ Y tế tổ chức công bố hoàn thành DVCTT mức độ 4, thay mặt Cục Công nghệ thông tin chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao và có định hướng đúng đắn, có tính sáng tạo đột phá để các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện và hoàn thành triển khai DVCTT đúng thời gian mà Phó Thủ tướng giao. Cục CNTT xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã thường xuyên chỉ đạo trực tiếp, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ; xin cảm ơn các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế và một số DN công nghệ thông tin đã cùng chung sức vượt qua khó khăn để triển khai thành công DVCTT của Bộ Y tế!


Minh Phong
Ý kiến của bạn