Những ẩn ngữ từ tranh
Mới đây, triển lãm Chạm của Gầm và Trầm diễn ra tại phòng tranh Quỳnh, TP.HCM (từ 3 - 31/8) gây ngỡ ngàng cho giới mê tranh bởi cách phát hiện và thể hiện hơi thở cuộc sống hết sức tinh tế, sáng tạo. Xuất phát điểm từ dòng tranh figurative (các tác phẩm nghệ thuật được phái sinh từ các nguồn thực), các họa sĩ trong triển lãm Chạm của Gầm và Trầm đã miêu tả những suy tư về cuộc sống hiện đại, những ký ức sâu đậm của tuổi thơ, ấn tượng về quê hương nhiệt đới, tuyên dương những giá trị văn hóa đương thời bằng những nét vẽ thanh mảnh chân phương, ít chi tiết và khơi gợi những liên tưởng độc đáo.
Các họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Thảo, Liên Trương, nhóm Propeller (gồm các nghệ sĩ Phùnam, Matt Lucero và Tuấn Andrew Nguyễn) đã mang đến những bức tranh chứa đựng cái nhìn sâu sắc của một thế hệ đã trải qua nhiều va chạm, đổi dời của thời đại. Qua đó, người xem tranh có thể thấy được giá trị của sự kiên cường (Tranh vẽ về sự đơn độc của Đỗ Hoàng Tường), tình yêu đất nước (Tranh vẽ bầu trời nhiệt đới miền Nam Việt Nam của Trần Văn Thảo), những lo lắng của công dân một đất nước hậu chiến (Tranh Liên Trương), tuyên dương văn hóa xe máy giàu thẩm mỹ và phức tạp (Nhóm Propeller).
![]() Bức Manơcanh II (Lê Thị Minh Tâm). |
Một triển lãm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8 ở Đà Nẵng, dù được vẽ trên một chất liệu khá kén đề tài - tranh lụa cũng gây ấn tượng mạnh cho khách thưởng lãm bởi cách chọn đề tài táo bạo, linh hoạt trên một chất liệu đậm nét truyền thống. Mang tên Phù phiếm, triển lãm thể hiện một ngôn ngữ hội họa mới thông qua hình ảnh người phụ nữ: vừa thời thượng vừa e ấp, vừa cá tính vừa thanh lịch, vừa khêu gợi vừa bí ẩn.
Đầu mùa hè năm nay, 6 gương mặt họa sĩ trẻ của Hà Nội: Phạm Tuấn Tú, Lê Thị Minh Tâm, Lê Chí Hiếu, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Khắc Chinh, Trịnh Minh Tiến cũng đã có một triển lãm tranh thời sự để lại dư âm khó quên trong tâm trí người yêu hội họa. Tự thân những bức tranh đã nói lên tất cả. Đó là Không có gì là không có gì, Một loài hoa (Phạm Tuấn Tú), Hotgirl (Lê Thị Minh Tâm), Tìm kiếm gương mặt thật, Cuộc sống của manơcanh (Nguyễn Khắc Chinh)…
Hội họa định hướng xã hội
Ngoài thể hiện ước mơ, phản biện đời sống, hội họa mang hơi hướng thời sự được thể hiện một cách văn minh, cá tính còn là công cụ định hướng xã hội hiệu quả. Tư duy, kỹ thuật sáng tác của tranh vẽ phái sinh từ nguồn thực dù còn khá mới mẻ với số đông người yêu tranh Việt nhưng đến với những triển lãm này, họ có được sự thích thú từ những nét vẽ phóng khoáng, sắc sảo với một ý tưởng phát triển mạnh mẽ không che giấu.
Điều làm nên thành công của những họa sĩ, nhóm hội họa lấy ý tưởng từ hơi thở gấp gáp của thời đại có lẽ là ở sự mẫn cảm của các thành viên đối với những chuyển dịch của cuộc sống. Cao hơn nữa là việc họ có những định hướng hết sức rõ ràng về mục đích cũng như thông điệp của tác phẩm nghệ thuật.
Sa Nam