Về đâu, đồ họa tranh in Việt?

27-11-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều năm trước, so với các chuyên ngành mỹ thuật khác như sơn dầu, sơn mài, điêu khắc thì tranh đồ họa từng là lĩnh vực còn lạ lẫm với công chúng trong nước.

Nhiều năm trước, so với các chuyên ngành mỹ thuật khác như sơn dầu, sơn mài, điêu khắc thì tranh đồ họa từng là lĩnh vực còn lạ lẫm với công chúng trong nước. Nhưng thời gian gần đây, đồ họa tranh in đã trở thành một cuộc chơi nghệ thuật thị giác đầy màu sắc tươi tắn, hình khối đơn giản nhưng sống động và gần gũi với cuộc sống nghệ thuật ở nước ta.

Thực tại yếu ớt

Thực tế, đồ họa tranh in là một hình thức nghệ thuật thị giác thuộc về lĩnh vực đồ họa tạo hình, phân biệt với đồ họa ứng dụng. Hiểu theo một cách đơn giản, tranh in là quá trình sáng tác hình ảnh (tạo hình) gián tiếp bằng các kĩ thuật in ấn, tức là đưa màu từ một khuôn in (chế tác trên gỗ, đá, cao su hay kim loại) lên bề mặt tranh có thể là giấy hoặc vải. Những bậc thầy về đồ họa tranh in thế giới phải nhắc đến: Utagawa Hiroshige, Katsushika Hokusai (Nhật Bản), Albrecht Dürer (Đức), Nathaniel Currier và James Merritt Ives (Mỹ)...

Về đâu, đồ họa tranh in Việt?

Giá trị nghệ thuật của một bức tranh đồ họa phụ thuộc rất nhiều vào việc hình thành ý tưởng và kỹ thuật thực hiện nó.

Những năm trước, đồ họa tranh in ở nước ta vẫn chưa được tường giải cặn kẽ để đi đến một thuật ngữ chính xác và thống nhất. Hình thức nghệ thuật này chỉ được hình dung với những thuật ngữ gần nghĩa hay bao hàm nó như: đồ họa giá vẽ, đồ họa độc lập, đồ họa ấn loát, tranh đồ họa, đồ họa tranh in, tranh khắc in, tranh in... Đây đều là những tên gọi để chỉ các tác phẩm đồ họa nghệ thuật được thể hiện qua quá trình chế khuôn in và in ấn.

Trong khi đó, tranh in xuất hiện tại nước ta từ rất sớm với dòng tranh dân gian như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ Huế, Nam Bộ thịnh hành trong các thế kỷ từ 16 đến đầu thế kỷ 20. Bên cạnh chất liệu khắc gỗ, các kỹ thuật in đá, in lưới, in kính, in kẽm/đồng... được du nhập từ châu Âu đã mang lại sự hoàn chỉnh cho đồ họa tranh in Việt Nam hiện nay.

Với dòng tranh đồ họa, bằng kỹ thuật đơn giản, mỗi người đều có thể tự sáng tác một bức tranh trong vòng vài phút, thậm chí vài giây. Tuy nhiên, với những bức tranh đồ họa có kỹ thuật phức tạp, đạt đến “dấu ấn cá nhân” đòi hỏi tính tỉ mẩn, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức cũng như mua sắm trang thiết bị hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều họa sĩ ngại tiếp cận dòng tranh này, đặc biệt là các họa sĩ trẻ và sinh viên. Họ chọn một lối đi khác đơn giản và ít phức tạp hơn. Đây là một thực tế khiến dòng tranh đồ họa thời gian qua ít được quan tâm sáng tác và trong các cuộc triển lãm mỹ thuật, chúng không mấy khi xuất hiện ở vị trí trang trọng, bảo đảm yếu tố dễ “nhìn” và khó gặt hái giải thưởng.

Chờ  “cú hích” ở tương lai

Sự ít phổ biến của đồ họa tranh in tại Việt Nam không hẳn là dấu hiệu thông báo cho cuộc thoái trào của loại hình nghệ thuật này. Khi có sự tương tác và giao lưu với đồ họa tranh in bên ngoài thì các họa sĩ trẻ trong nước cũng sẵn sàng vào cuộc. Cụ thể, tại Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 2/2016 sắp tới, Việt Nam cũng là một trong những đại diện tiêu biểu. Chương trình nhằm góp phần mở rộng quan hệ, giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực mỹ thuật, là cơ hội để công chúng Việt Nam tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước trong khu vực.

Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm đồ họa của 10 nước ASEAN bao gồm các thể loại tranh in: tranh in nổi như khắc gỗ, khắc cao su, khắc bìa; tranh in lõm như khắc kim loại, khắc mica; tranh in phẳng như in đá, litho trên gỗ; tranh in xuyên là in lưới; tranh in độc bản là collagraph; tranh in các kỹ thuật khác; tranh in đa chiều là sắp đặt tranh in, tranh in nhiều lớp. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bức đồ họa có đề tài sáng tác về cuộc sống, con người, phong cảnh thiên nhiên, đất nước, biến đổi khí hậu, ca ngợi hòa bình, đoàn kết, hợp tác hữu nghị và những vấn đề của cuộc sống đương đại mà các nước ASEAN cùng quan tâm chia sẻ.

Sức lan tỏa của những cuộc thi và triển lãm quy mô khu vực và quốc tế với sự tham gia nhiệt tình của các họa sĩ trong nước sẽ khiến đồ họa tranh in Việt Nam có những khởi sắc đáng kể trong tương lai. 

 Việt Sơn

 


Ý kiến của bạn