Rặng duối cổ ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi nằm cách khu di tích đền - lăng vua Ngô Quyền khoảng 300m.
Theo sử sách còn lưu lại tại di tích, rặng cây duối hơn 1.000 năm tuổi là nơi vua Ngô Quyền từng làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán.
Xưa rặng duối cổ thụ kéo dài cả km, nay chỉ còn 18 cây.
Từ năm 2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Rặng duối trải dài cạnh con đường đá ong quanh năm xanh mát. Nơi đây là địa chỉ ghé thăm của rất nhiều du khách khi đến du lịch, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại làng cổ Đường Lâm.
Có những cây duối cổ thụ cao lớn, chu vi ở phần gốc hơn 2 vòng tay người lớn ôm. Được biết, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định: rặng duối 18 cây ấy đã có hàng ngàn năm tuổi.
Khu vực Đường Lâm Sơn Tây hay còn gọi là vùng lõi của xứ Đoài (đất hai vua), một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt. Cùng với đền thờ và lăng vua Ngô Quyền, rặng duối cổ Đường Lâm nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia, hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh của đất nước và con người Việt Nam.
Rặng duối tồn tại trên 1000 năm hấp thụ bao nhiêu tinh hoa của đất trời, chứng kiến biết bao sự đổi thay của cả dân tộc.
Cây duối còn được coi là vua của các loài cây, có sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Là loại cây mộc, cỡ trung bình, duối thường cao 4-8 m, rậm tán, cành đâm chéo nhau. Loài này thường sinh sống ở vùng đất khô miền Đông Nam Á, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ.
Lá duối hình trứng nhọn, dài khoảng 3-7 cm, rộng 1,5-2,5 cm, mép có răng khía. Mặt lá duối rất ráp nên người Việt Nam dùng như giấy nhám để làm nhẵn mặt gỗ.
Do là loài đơn tính, mỗi cây duối chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái.
Đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân làng cổ Đường Lâm Sơn Tây, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã in sâu trong tâm thức mỗi người. Chính rặng duối nơi đây là nơi nghỉ ngơi cho người dân sau những giờ lao động vất vả và cũng là điểm hấp dẫn của du khách mỗi ktới có dịp tới thăm làng cổ Đường Lâm.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với socail
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.