Về cuốn “Việt Nam truyền thống và đổi thay” xuất bản ở Mỹ

30-04-2018 07:14 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Năm 2016, nhà văn hóa (NVH) Hữu Ngọc 98 tuổi, xuất bản đồng thời ở Mỹ và Việt Nam cuốn “Việt Nam truyền thống và đổi thay” (Vietnam - Tradition and change) 358 trang. Xuất bản ở Mỹ để bán cho cả thế giới. Bản Anh ngữ xuất bản ở Việt Nam và chỉ bán ở Việt Nam.

Xuân Ngọc: Xin ông cho biết tại sao ông lại đặt tên sách là “Việt Nam Truyền thống và đổi thay”?

NVH Hữu Ngọc: Trước khi trả lời câu hỏi này tôi xin nhắc lại một nhận định sâu sắc về văn hóa Việt Nam của 2 nhà Việt Nam học cự phách người Pháp là Piere Huard và Maurice Durand: “Một đặc điểm của văn hóa Việt Nam là khi tiếp xúc với nước ngoài không những vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống mà còn tiếp thu được yếu tố ngoại lai để tạo ra được những giá trị mới (đổi thay), Hữu Ngọc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình tiếp biến văn hóa (acculturation) ở Việt Nam.  Ông thường ví văn hóa Việt Nam như một cây đa 3.000 năm với cái gốc là bản sắc dân tộc Việt (với văn minh lúa nước Đông Nam Á) và 4 cành tượng trưng cho 4 lần tiếp biến văn hóa với ngoại lai. Ảnh bìa cuốn sách (các cô gái mặc áo dài) là một thí dụ  điển hình cho “truyền thống và đổi thay”. Áo dài truyền thống là áo dài tứ thân  (do ảnh hưởng của cụ Khổng che hết các đường cong yêu kiều của cơ thể phụ nữ), áo dài tân thời đã đổi thay hẳn, do tiếp biến văn hóa với phương Tây: các sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã thay đổi áo cũ, tạo ra áo dài tân thời làm nổi bật một cách kín đáo thân hình phụ nữ”. Có lẽ nhận định ấy có thể nói rõ ý đồ của tôi.

NVH Hữu Ngọc và phu nhân.

NVH Hữu Ngọc và phu nhân.

Xuân Ngọc: Ông có thể nói rõ thêm không?

NVH Hữu Ngọc: Qua 3.000 năm lịch sử, người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với văn hóa nước ngoài như văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp; văn hóa các nước xã hội chủ nghĩa... Từ quốc tế hóa sang toàn cầu hóa với tất cả các nền văn hóa thế giới. Qua những cuộc tiếp xúc ấy, văn hóa Việt Nam vẫn giữ được bản sắc, cái gốc của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á.  Việt Nam vốn là một nước thuộc  địa nhưng trong diễn biến vũ bão của thế giới sau Chiến tranh Thế giới II, các nước thuộc địa cũ lần lượt được độc lập do vũ trang đấu tranh dân tộc  như Việt Nam, Algeri, Indonesia... Các nước đế quốc bắt buộc phải trả lại độc lập. Nhiều nước châu Phi  còn ở tình trạng có nhiều bộ tộc và không có một ngôn ngữ đa số như dân ta nên bắt buộc phải dùng ngôn ngữ của nước cai trị trước như Pháp, Hà Lan, Anh,... Do đó họ rất khó giữ bản sắc. Còn ta có một dân tộc Việt đa số trong 54 dân tộc, nên có ngôn ngữ Việt đa số,  lại có thêm chữ viết (chữ Nôm và chữ Quốc ngữ), lại có ý thức và thực tế xây dựng một nền văn hóa dân tộc nên lịch sử văn hóa của ta là lịch sử bảo tồn văn hóa truyền thống chứ không như một số nước Bắc Phi: Tây hóa một cách ồ ạt và dần dần mất bản sắc. Không những ta giữ được truyền thống mà ta lại còn nhập được những giá trị văn hóa tốt của nước ngoài để tự thay đổi mà vẫn giữ được cốt cách.

Xuân Ngọc: Ông có thể cho thí dụ đơn giản về vấn đề này?

NVH Hữu Ngọc: Tôi có thể đưa ra một thí dụ về ứng xử văn hóa.  Người Việt dường như không có văn tự riêng, tuy có một số nhà sử học cho là ta có chữ riêng, nhưng đến nay chưa tìm ra được. Nhưng khi bị đô hộ ta đã sử dụng được chữ viết riêng: chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Qua 1.000 năm bị Trung Quốc đô hộ ta học chữ Hán nhưng rồi sau khi độc lập, ta dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm. Do đó đã có thể ghi lại những văn bản bằng tiếng Việt. Đến thời kỳ Pháp đô hộ 80 năm, các cố đạo Pháp và Tây Ban Nha dựa vào chữ La tinh tạo ra chữ Quốc ngữ (mục đích chính là để viết kinh truyền đạo Thiên Chúa cho người Việt). Những người yêu nước Việt Nam nắm lấy cơ hội ấy để truyền bá chữ Quốc ngữ, đấu tranh cho độc lập và xây dựng một nền văn hóa dân tộc hiện đại. Còn về tiếp thu văn hóa phương Tây và cải biên trong văn hóa tinh thần và phong tục tập quán thì có rất nhiều thí dụ: Một thí dụ đơn giản là vào những năm 30 ta đã tạo ra được chiếc áo dài gọi là áo tân thời.

Xuân Ngọc: Tôi được biết trong nhiều năm ông có những cuộc trình bày văn hóa Việt Nam, cho người nước ngoài, cho những khách cao giá như vua và hoàng hậu Thụy Điển, Đan Mạch, Thống đốc bang Hawaii Mỹ, cựu Thủ tướng Brazil, một số giáo sư Đại học Pháp, Úc, Nhật... và có hàng trăm buổi nói với đông đảo khách du lịch. Vậy ông trình bày điểm chủ yếu về văn hóa Việt Nam như thế nào?

NVH Hữu Ngọc: Để cho khách dễ hiểu một vấn đề phức tạp, tôi thường dùng hình ảnh cây đa 3.000 năm làm ẩn dụ cho Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Xuân Ngọc: Ông có thể cho biết rõ về sự so sánh lý thú ấy.

NVH Hữu Ngọc: Trong cuốn Lãng du trong Văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, Anh, Pháp) ở bìa tôi có sử dụng bức tranh Cây đa của họa sĩ Nam Sơn. Văn hóa người Việt hình thành cách đây 3.000 năm  nếu theo đúng tiêu chuẩn lịch sử, chứ không phải 4.000 năm như cách người ta thường nói. Cây đa 3.000 năm có cái gốc là văn hóa lúa nước Đông Nam Á với nhiều đặc điểm: Trong 1.000 năm trước Công nguyên là hình thành tộc Việt với những đặc điểm riêng biệt. Cây đa có 4 cành do chất nhựa của gốc cộng với những giá trị tiếp thu ở bên ngoài tạo ra những văn hóa mới.  Cành thứ nhất là 2.000 năm ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc và phần nào Ấn Độ (trong đó có 1.000 năm Hán thuộc và hơn 900 năm độc lập). Cành thứ hai là thời kỳ Pháp đô hộ với ảnh hưởng văn hóa phương Tây (1858-1945). Cành thứ ba là thời kỳ quốc tế hóa: - Cách mạng Tháng 8 - Kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1946-1975) ảnh hưởng quốc tế trong 2 cuộc chiến tranh. Cành thứ tư là thời kỳ hậu chiến đến nay (ảnh hưởng toàn cầu hóa). Cuốn sách của tôi đều dựa vào hình ảnh cây đa để phân tích.

NVH Hữu Ngọc ký tặng sách độc giả.

NVH Hữu Ngọc ký tặng sách độc giả.

Xuân Ngọc: Ông có thể cho biết một số điểm của văn hóa Việt Nam?

NVH Hữu Ngọc: Nhà nhân học văn hóa Mỹ Edward Hall chia các nền văn hóa ra làm 2 loại: - Văn hóa có ý thức cộng đồng  cao (tính tập thể cao, cảm xúc đậm, thơ mộng, trực giác) - Văn hóa có ý thức cá thể cao (tính cá thể cao, đậm lý trí, phân tích lôgic). Xét theo tiêu chuẩn này thì văn hóa của ta thuộc loại: ý thức cộng đồng cao. Việt Nam và các nước Đông Á (Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản)  đều có tính cộng đồng cao với tính chất khác nhau do hoàn cảnh lịch sử mỗi nước, địa lý khác nhau. Đặc điểm của Văn hóa Việt Nam là tính cộng đồng (tinh thần dân tộc, lòng yêu nước). Trong 3.000 năm lịch sử, tính cộng đồng dân tộc này được hình thành và phát triển qua sự đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai như hạn hán, bão lụt... Với tính cộng đồng dân tộc cao, Văn hóa Việt cũng mang tính tập thể cao. Do đó khác với ở phương Tây, xấu hổ là một nét văn hóa rất đậm chi phối ứng xử xã hội. Vấn đề giữ diện mạo (khỏi mất mặt) hết sức quan trọng suốt cuộc đời. Lấy một thí dụ “Nhận quà”:  Nhân giáp Tết một bà bạn người Đức của tôi cho cô gái Việt Nam là người giúp việc mấy thước lụa may áo, bà gói vào giấy rồi đưa cho cô. Cô lẳng lặng để gói quà vào góc buồng rồi tiếp tục làm việc.  Bà phàn nàn với tôi là cô thiếu lễ độ, không cảm ơn đáp ứng tình cảm của người cho. Tôi phải giải thích cho bà hiểu đó là cách ứng xử bị chi phối bởi sự “giữ thể diện”. Ở phương Tây khi nhận quà phải cảm ơn rối rít rồi khen quà đẹp, dù có khi quà không đẹp. Còn ở Việt Nam làm như vậy e mất thể diện, vì người nhận dễ bị hiểu nhầm là “hám của”  chỉ nói  cảm ơn  rồi tìm cách đền đáp sau. Edward Hall còn đưa ra tiêu chuẩn của sự đối lập đa thời (Polychronism) và đơn thời (Monochronism)  để phân 2 loại văn hóa. Trong “đa thời”, trong cùng một thời gian người ta làm nhiều việc khác nhau, không chú trọng kế hoạch hóa theo thời gian như “đơn thời”, do đó hay bị lỡ giờ các cuộc hẹn. Ta thuộc loại “đa thời”, giờ cao su - Giáo sư G.  Hopstede (Hà Lan) đề ra 5 khía cạnh tương phản để định nghĩa một nền văn hóa dân tộc: 1 - Cá thể hay tập thể. 2 - Nam tính hay Nữ tính. 3 - Khoảng cách thứ bậc. 4 - Tinh thần đối phó với các bất trắc cao hay thấp. 5 - Định hướng ngắn hạn hay dài hạn. Thứ nhất: Cá thể hay tập thể? - Tính chất tập thể của văn hóa Việt Nam là gia  đình. Trật tự ở Việt Nam là: 1- Gia đình, họ hàng. 2 - bạn bè. 3- Quan hệ nơi làm việc - Ngày Tết ở Việt Nam rất thiêng liêng. Không nước nào có hiện tượng tăng chuyến tàu xe ngày Tết như Việt Nam. Kể cả Việt kiều ở Mỹ cũng phát triển trên cơ sở gia đình. Bố mẹ làm cật lực cho con cái đi học. Con cái tự thấy có nhiệm vụ học cật lực, lập nghiệp, đáp lại công ơn cha mẹ - Trong công việc làm ăn, người ngoại quốc khéo ứng xử, biết lấy lòng các thành viên gia đình, họ hàng của đối tác Việt Nam. Thứ hai: Nam tính hay nữ tính? Văn hóa Việt Nam có 2 mặt, nhưng nữ tính là chủ yếu. Ta thích hòa hảo, chín bỏ làm mười. Khi làm thuê giữ quan hệ tốt với chủ, ít khi bỏ đi tìm chỗ lương cao hơn. Tình cảm, lý trí hay lẫn lộn. Mặt khác, nam tính cũng mạnh trong gia đình và xã hội. Đối với giới trẻ tiền và quyền lực là hấp dẫn nhất. Thứ ba: Khoảng cách thứ bậc xã hội, ở ta do ảnh hưởng của Khổng học, uy quyền người trên rất lớn (trong các quan hệ: cha mẹ, thầy trò, chủ thợ, cấp trên cấp dưới...); Thứ tư: Tinh thần đối phó với các bất trắc. Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á,  đối phó với các bất trắc thuộc loại 2 (nhiều người thích đánh bạc, ghi số đề, cá cược...). Thứ năm: Định hướng ngắn hạn hay dài hạn?   Trong văn hóa Việt Nam cũng như Hàn Quốc thường định hướng ngắn hạn (do giữ thể diện, truyền thống, quà cáp, ban ơn), đây là tiêu chuẩn đặc trưng của các nước ảnh hưởng Khổng học.

Trên đây chỉ là những gợi ý sơ bộ chủ quan, thử áp dụng lý thuyết nổi tiếng thế giới của E.Hall và Hofstede vào Việt Nam, mà Việt Nam ta thì đang thay đổi rất mạnh.

Xuân Ngọc: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Xuân Ngọc
Ý kiến của bạn