Ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, có mấy địa danh luôn thách thức cánh nhà thơ và nhạc sĩ, ví dụ Kon Dỡng nhưng lại đọc là Kon Tầng, Chư Păh (đọc Chư Pá - chữ P bật rất nhanh), Chư Pưh (đọc Chư Pứ), Wừu (Ðọc là Vừu)... mấy cái tên ấy mà vào thơ và nhạc thì cứ là tưng bừng chữ lên, đọc đến méo cả môi cả mũi...
Tôi cứ nhớ mãi ấn tượng về một buổi chiều mùa đông cách đây mấy năm, khi thơ thẩn ở mấy xã Ia Phang, Ia Le, Ia Hrú... thì phát hiện là tại làm sao mà hoa xuyến chi ở vùng này nó lại tinh khôi đến vậy. Cả thảm, cứ rờn rờn trong gió, cứ dậy lên trong cái bảng lảng buổi chiều nỗi thắt thẻo như một năm nào đó, thuở mới lên Tây Nguyên, tôi cũng đã ngợp cũng trong cái sắc trắng đến thắt lòng trong một miên man mùa hoa cà phê nở. Tất nhiên là hai loại hoa này khác nhau đến một trời một vực. Một ở dưới thấp, một ở trên cao. Một trắng tinh khôi, một trắng thanh sạch. Một lấm tấm li ti, một bung xòe hết cỡ. Một viên mãn, một tiếc nuối. Một e ấp một mạnh bạo hết mình... nhưng có chung nhau một điểm, là cùng vươn lên từ đất Tây Nguyên, cái thứ đất đỏ, bụi lầm, nhão nhoẹt... nhưng lại mọc lên từ đấy, tinh khiết và mong manh, trắng trong và rợn ngợp... hai thứ hoa bình dân nhưng lại đầy quý phái, mỏng manh nhưng lại cũng đầy sự liên kết vững chắc, tạo nên từng lớp, từng thảm, từng miên man xôn xao trong chiều cao nguyên đầy gió...
Cũng không nhớ đã bao lần tôi qua lại đất này. Cái mảnh đất mới tách ra từ Chư Sê được 7 năm. Mới, rất mới. Tôi đến từ hồi còn chung huyện, từ thuở nhà tranh vách đất. Những mâm cơm phải luôn trong tư thế được đậy lại, mỗi khi một cơn gió nổi lên, bụi rào rào rơi xuống, những dáng người tất tả lầm lụi, những thảm xuyến chi trải dài...
Hoa xuyến chi và hoa cà phê cùng vươn lên từ đất Tây Nguyên.
Giờ, xuyến chi chỉ còn bên vệ đường, chứng tỏ đất đã được khai thác hết công suất. Cũng như năm nào đó, tôi từng ca ngợi dã quỳ, nhưng giờ, nó cũng đã hết. Bởi nếu nó còn thì tức là đất chết. Những cái đẹp tự nhiên nhiều khi làm ta ngơ ngẩn, nhưng ta cũng sẽ ngẩn ngơ nếu nó cứ mãi phát triển vô tội vạ, chiếm đất của con người. 6 tháng đầu năm 2016 này, Chư Pưh có 20.534,6 héc-ta đất gieo trồng, đạt 98% so với cùng kỳ năm 2015, chứng tỏ một sức lao động quyết liệt từ mảnh đất một thời bị coi là nghèo này. Tôi nhớ thời nào đấy, từ khi còn chưa chia huyện, cái vùng đất giờ là Chư Pưh ấy bị coi là rất nghèo. Người ta xác định cây chủ lực cho vùng này là đậu xanh và lạc. Giờ chúng vẫn còn đấy, nhưng chỉ là thưa thớt, không phải là cây hàng hóa chủ lực, mà cây hàng hóa chủ lực bây giờ là hồ tiêu, cao su, cà phê. Loại cây này chiếm 12.897,8 héc-ta so với chỉ còn 335 héc-ta cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, bông vải. Cây lương thực cũng chỉ còn để đủ ăn chứ không trồng lấy được như hồi nào, chỉ có 3.923,2 héc-ta, chứng tỏ huyện đã tìm ra được một hướng đi đúng.
Đa số cán bộ hiện nay của Chư Pưh là từ Chư Sê tách ra. Và 7 năm qua họ đã minh chứng được rằng, sự tách là cần thiết và họ cũng chứng minh khả năng điều hành của mình để huyện ngày càng phát triển kịp với nhịp độ chung của tỉnh. Tôi quen cả 2 ông Bí thư và Chủ tịch huyện này từ khá lâu rồi, từ hồi ông Nguyễn Tư Sơn, Bí thư huyện đang còn làm ở Phòng giáo dục huyện Chư Sê và ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch huyện còn là một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, vì mê thơ mà thi thoảng ghé nhà tôi ở cái khu tập thể đường Trần Hưng Đạo, Pleiku, xách theo chục chân gà, hoặc vài cái vịt lộn, ngồi đối ẩm để nghe tôi tán về thơ và chuyện văn chương. Thì cũng cứ nghĩ các ông yên phận làm chuyên môn thế, đến lúc thấy các ông được giao trọng trách và công việc cứ ngon ơ, hanh thông... thì thấy té ra, con người nếu đặt đúng chỗ thì họ sẽ phát huy hết năng lực tiềm ẩn của mình. Một loạt cán bộ khác của huyện cũng thế. Họ vươn lên từ những công việc cụ thể, chứng minh năng lực rồi mà trưởng thành. Bởi ai cũng biết, cái huyện mới tách ra nó bề bộn đến như thế nào, nhất là trước đấy chưa ai hình dung sẽ tách, bởi nó không có gì nổi bật, ngoài cái tiếng là đất tiêu nhưng là của Chư Sê giữ mất danh hiệu ấy rồi.
7 năm, nhưng đến giờ, đến huyện, nếu muốn ăn cơm vẫn phải báo trước, bởi các quán chỉ bán những thứ... không phải cơm. Giống y như xuống Chư Prông dạo nào, nếu không báo cơm sẽ không có cơm ăn. Rõ ràng vẫn còn rất nhiều khó khăn ở cái huyện mới tách ra được 7 năm này. Nó vẫn chưa hội tụ, chưa có điểm nhấn để các dịch vụ phát triển. Giờ không phải là thời mệnh lệnh, mà nó tuân theo quy luật thị trường, phải có khách thì dịch vụ mới phát triển, không thì mở ra bán cho ai? Cũng khó, vì Chư Pưh bị “kẹp” giữa hai huyện liền kề, có sự phát triển hơn, cũ hơn và có vẻ sầm uất hơn là Chư Sê của Gia Lai và Ea Hleo của Đăk Lăk. Trong các huyện mới tách ra của Gia Lai như Ia Pa, Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Đăk Pơ... thì có vẻ Chư Pưh có phần khó khăn hơn.
Lại nhớ một trưa nắng nhễ nhại nào đó, tôi đi theo ông cựu Bí thư Chư Sê Đoàn Minh Phụng xuống Chư Pưh, vào thăm ông Khoa, một ông nông dân lừng danh về trồng tiêu và giờ cũng là tỉ phú từ tiêu. Lại cũng phải vân vi tí về cái thời trước đấy, quãng những năm 80 thế kỷ trước, tôi đi cũng một đoàn nhà văn từ Hà Nội vào, xuống mấy xã của Chư Sê, giờ thuộc Chư Pưh này, thấy nhà nào cũng có hàng thùng phuy đậu xanh, nhưng chỉ để đấy mà... không bán được. Mỗi lần về quê (Thừa Thiên Huế, dân mấy xã này chủ yếu thuộc mấy huyện phía Nam Thừa Thiên Huế đi kinh tế mới), xách theo từng túi nhỏ và giấu khắp nơi trong cái xe đò cọc cạch, thế mà rồi cũng chả về đến nơi bao nhiêu, bởi bị thuế vụ bắt khắp dọc đường. Hồi ấy còn cấm đoán, bế quan tỏa cảng rất ghê. Nhớ có mấy mệ mếu máo nói với chúng tôi: Chả lẽ ăn đậu xanh mà trừ cơm được à. Sống trên đậu xanh và lạc mà chịu đói, giờ kể lại thì thấy lạ, nhưng hồi ấy là sự thực. Chưa kể bệnh tật, thất học... khiến nhiều gia đình lại bỏ về quê cũ. Khi chúng tôi đến, có một gia đình đang làm đám tang cho một cháu bé. Cháu bị sốt rét và mất. Hồi ấy sốt rét ở đây là chuyện hàng ngày. Chưa kể còn rắn cắn, còn trăm thứ tai nạn khác. Và Fulro, thi thoảng lại nghe đùng đoàng, người yếu bóng vía cứ thon thót đi nghiêng như có lỗi... Tôi nhớ được một gia đình mời ăn giỗ bữa trưa, đã quây cái sân lại rất kỹ, nhưng một cơn gió, đất đỏ cuồn cuộn ụp xuống, mâm cỗ mịt mù. Thức ăn phủ một màu đỏ quạch. Mọi người vẫn ăn vì đã quá quen rồi, tôi thì không thể, vì răng đã kịp ê sau khi nhai nguyên một viên sạn...
Trở lại ông “vua” tiêu. Trưa ấy, chúng tôi ngồi sôi nổi chuyện với ông Khoa. Vâng chủ nhà tên là Nguyễn Văn Khoa. Ngồi một lúc nói chuyện, khi ông xưng tên thì bộ nhớ của tôi vụt hiện, hỏi ngay: Anh có phải Khoa Tiêu không? Là Hai Khả không? Té ra con người này tôi đã rất nhiều lần được nghe nói tới và hôm nay mới gặp.
Ông Khoa này lại cùng quê với Đoàn Minh Phụng. Dân Phù Mỹ cả. Từ năm 1966 ông đã thoát ly lên rừng theo du kích. Vùng Phù Mỹ hồi ấy rất ác liệt, hoặc thoát ra rừng theo du kích, hoặc ở lại cũng đi lính. Cán bộ chủ chốt các tỉnh Tây Nguyên sau này chủ yếu là lứa dân đồng bằng Bình Định, Quảng Ngãi nhảy núi thời ấy. Năm 68 thì bị bắt đày ra Phú Quốc. Côn Đảo là nơi giam tù chính trị, còn Phú Quốc là tù binh. Ông ở đấy đến năm 1973 thì được trao trả và lại tiếp tục vào lính quân giải phóng, oánh nhau đì đùng đến 1975 thì ra quân vì bị thương. Về quê cưới một cô vợ cũng là thương binh, là con gia đình tập kết. Nhưng rồi ở quê khổ quá, đất đã xấu mà lại không đủ để làm, con cái nheo nhóc, vợ chồng ngặt nghèo. Năm 1977, ông đưa cả nhà Chư Sê tiến.
Lên Chư Sê (giờ là Chư Pưh), việc đầu tiên của 2 vợ chồng là đi... làm thuê. Có thẻ thương binh, ông được cấp 2.000 mét đất. Vốn dân ham đất, ông làm tí là xong, còn thời gian là đi làm thuê và... nghe ngóng. Đất ấy chưa đủ, ông thuê thêm nữa. Và cũng như mọi người, ông trồng lạc, đậu xanh, mía... thứ gì cũng tốt nhưng trồng nhiều quá chả có chỗ bán, mà mang ra ngoài thì không được vì ngăn sông cấm chợ. Nhớ hồi ấy tôi đi xe đò về Huế, trên xe có mấy gia đình chở đậu xanh của nhà trồng được về quê để đối lưu. Nhưng dọc đường bị ách lại bắt hết, dẫu đã có giấy của Ủy ban xã. Giấy thì của xã, nhưng lệnh cấm là của Trung ương, ai to hơn thì theo người ấy. Than khóc như ri cả đêm ở Trạm kiểm soát Nước Mặn (Quảng Nam), dân đi buôn thời ấy gọi là trạm nước mắt, mà lệnh tịch thu vẫn không đổi. Ông Khoa cũng đã từng ngồi trên đống lạc, đậu xanh mà đói như thế...
Ly rượu buổi trưa làm mặt ai cũng ưng ửng mà mồ hôi rịn ra dù cái quạt đời mới đang quất hết công suất. Là ông đang nhớ tới cái đận đưa tiêu về đây...
Giờ, ông Khoa có chừng 20 nghìn trụ tiêu. Ông chia bớt cho các con bảo quản, bảo già rồi, không ôm hết, hơn nữa, giao cho chúng, chúng sẽ tự vận động để làm sao có hiệu quả tốt nhất. 5 đứa con ông giờ cũng là 5 ông chủ lớn của đất này. Một anh bạn nhẩm tính: 2 chục nghìn trụ tiêu, năm nay ông thu 50 tấn, với giá thị trường hiện giờ, năm nay bố con ông thu xấp xỉ chục tỷ. Tôi không rành lắm chuyện tỷ chuyện triệu, chỉ biết rằng, ở vùng Chư Pưh này, như ông thì hiếm, chứ dưới ông một tí, thậm chí là nhiều tí, vẫn là tỷ phú, giờ nhiều lắm...
Tôi cũng có một ngày lội rừng Chư Pưh, vào tận nơi ngày xưa là căn cứ H3 của tỉnh Đăk Lăk đóng, giờ nơi ấy huyện Chư Pưh đang cho xây một cái nhà bia. Để vào được đấy quả là khó khăn và cũng mới thấy là để quản lý cái huyện dù mới chia ra nhưng vẫn còn rất rộng này quả là không dễ... Bởi dù huyện rất quyết tâm, nhưng rất sâu trong những vùng lõi của rừng nguyên sinh kia, giờ tìm... dấu tích rừng cũng khó.
Thời gian như cái chớp mắt trong lịch sử của một vùng đất, sẽ còn rất nhiều công việc phía trước, còn rất nhiều điều mới lạ đang đợi mảnh đất này để nó phát triển đúng với tiềm năng mà nó có. Chỉ là một cái chớp mắt, nhưng bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận đã đi qua, với buồn vui, với hạnh phúc khổ đau... nhiều khi chỉ như là sự tình cờ, nhưng sự tình cờ ấy đã khiến con người chấp nhận như định mệnh, như số phận, để rồi không bao giờ quay đầu lại, không bao giờ hối tiếc, không bao giờ tỏ ra ân hận. Đấy chính là trò chơi của tạo hóa và con người sẽ thích nghi, nó khiến con người vừa là khách thể, vừa là chủ thể của chính đời mình, để mãi mãi, những may mắn và trớ trêu không rời xa con người...
Tiềm năng ở đây có từ đất, từ địa thế, từ điều kiện tự nhiên và con người, tất nhiên, trong đó, con người là yếu tố vô cùng quan trọng. Tôi đã thấy niềm tin toát lên từ những gương mặt người gặp ở huyện này, từ người dân tận trong núi xa đến những khuôn mặt trẻ măng ở trụ sở UBND xã Ia Phang... họ đã và sẽ là những chủ nhân của Chư Pưh, hôm nay và ngày mai...