Về “cái chết êm ái” tại châu Âu

29-05-2015 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Châu Âu là nơi đưa vấn đề quyền thực hiện “cái chết êm ái” (euthanasia), hay còn gọi là “cái chết êm dịu”, “quyền được chết” ra bàn thảo về mặt pháp lý sớm nhất

Châu Âu là nơi đưa vấn đề quyền thực hiện “cái chết êm ái” (euthanasia), hay còn gọi là “cái chết êm dịu”, “quyền được chết” ra bàn thảo về mặt pháp lý sớm nhất - ngay từ những năm đầu 1970. Nhưng đến nay, vẫn chưa thể có sự đồng thuận ứng xử trong toàn khối EU về tính pháp lý của nó. Thực tế là đang tồn tại những quan điểm và cách ứng xử khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về “cái chết êm ái” giữa các quốc gia ở châu Âu.

Một phòng cấp cứu tại bệnh viện ở Ba Lan.

Một phòng cấp cứu tại bệnh viện ở Ba Lan.

Các nước đã hợp pháp hóa “cái chết êm ái”

Tại Hà Lan, “cái chết êm ái” tích cực và trực tiếp đã được hợp pháp hóa kể từ tháng 4/2002. Khoảng những năm 1970, câu hỏi về ý nghĩa và tính hợp pháp của việc kéo dài sự sống và sự thừa nhận chấm dứt nó trở thành đề tài tranh luận công khai tại Hà Lan. Vấn đề này bắt nguồn từ cuốn sách của Van den Berg, rồi đến các chương trình truyền hình, phát thanh nói về sự hấp hối và những lời nói thực lòng của một bệnh nhân đang chờ chết được phát lên. Chính phủ Hà Lan đã đề xuất một ủy ban xem xét về vấn đề này và yêu cầu sự tư vấn từ Hội đồng y tế, nhất là Ủy ban về đạo đức y tế. Nhiều hội nghị chuyên đề được tổ chức và rồi “hỗ trợ cho quá trình chết” đã trở thành một khái niệm quen thuộc. Cụm từ “cái chết êm ái” đã được nhắc đến nhiều hơn và bắt đầu từ năm 1972, các tổ chức khác nhau đã bắt đầu “thông” được ý kiến của họ về vấn đề này. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người dân nghĩ rằng cuộc sống đôi khi có thể (chủ động) được chấm dứt và rằng “cái chết êm ái” nên được hợp pháp hóa ngày càng tăng. Trước khi Hội đồng y tế có báo cáo, Tổng thượng Hội đồng cải cách giáo hội Hà Lan đã thông qua một báo cáo, kết luận rằng: “Cái chết êm dịu thụ động”, như việc kiêng các biện pháp kéo dài sự sống vì lý do y tế là có thể chấp nhận; Và, nếu một bệnh nhân có đủ thẩm quyền, vào lúc bắt đầu hấp hối yêu cầu các bác sĩ ngừng điều trị thêm thì mong muốn này phải được tôn trọng. Rốt cuộc, “cái chết êm dịu” được đa số nhận thức là “hành động với ý định có chủ ý để rút ngắn cuộc sống của bệnh nhân hoặc cố gắng không hành động với ý định cố ý không để kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, dù mặt nào thì đây là điều có lợi nhất đối với người bệnh và tình trạng của bệnh nhân vốn không thể cứu chữa”. Ủy ban chức năng cũng đã phân biệt và chi tiết hóa “cái chết êm dịu” ra thành tự nguyện và không tự nguyện, thụ động và tích cực. Đến nay, Hà Lan cũng đã cho phép thực hiện “cái chết êm ái” cho trẻ em dưới 12 tuổi trong điều kiện giám sát nghiêm ngặt.

Tại Bỉ, người ta đã bãi bỏ những hạn chế về “cái chết êm dịu” vào tháng 9/2002 với các bệnh nhân tuổi từ 18 trở lên, có yêu cầu chấm dứt cuộc sống một cách tự nguyện, đã được cân nhắc theo cách lặp đi lặp lại để tránh việc bị cưỡng ép. Quy định về cái chết được bác sĩ hỗ trợ trong các trường hợp đáp ứng những tiêu chí theo luật cũng có thể được quy định trong “di chúc sống” được viết bởi người khỏe mạnh trước khi họ bị ốm và đang còn hiệu lực trong vòng 5 năm. Vào tháng 2/2014, Bỉ đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép trẻ em được yêu cầu cái chết êm dịu nếu họ bị một căn bệnh nan y giai đoạn cuối và hiểu được hậu quả của hành động này. Mặc dù điều này vẫn bị các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo phản đối kịch liệt. Nhiều bác sĩ nhi khoa cũng đã ký thỉnh nguyện thư lên Quốc hội Bỉ để phản đối điều luật này bởi họ cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng ra quyết định kết thúc cuộc sống của mình. Nhưng những người ủng hộ thông qua luật này cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất, bao hàm ý nghĩa nhân đạo đối với các em nhỏ xấu số này. Tiến sĩ Gerlant van Berlaer, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện UZ Brussels nói: “Rất hiếm khi, nhưng nó vẫn xảy ra, có những đứa trẻ mà chúng tôi đã cố gắng chữa trị nhưng không có cách gì để giúp họ tốt hơn được. Những trẻ em đó phải có quyền quyết định việc kết thúc cuộc sống của họ”.

Ở Luxembourg, một văn bản hợp pháp hóa “cái chết êm dịu” trong các trường hợp nan y giai đoạn cuối nhất định đã được phê duyệt vào tháng 3/2009. Nhưng văn bản này không áp dụng với trẻ vị thành niên.

Các nước cho phép ủy quyền và phần nào chấp nhận “cái chết êm ái”

Thụy Sĩ là quốc gia cho phép trợ tử bằng chính bệnh nhân thông qua một liều thuốc gây chết. Quốc gia này không cho phép “cái chết êm ái” tích cực và trực tiếp bởi một bên thứ ba, nhưng cho phép việc cung cấp các chất để giảm bớt sự đau khổ, ngay cả khi tác dụng phụ của nó có thể là cái chết. Chết êm dịu thụ động hoặc dừng các thủ thuật y tế để duy trì sự sống cũng được chấp nhận ở Thụy Sĩ.

Tại Pháp, một luật từ năm 2005 đã thừa nhận “quyền được chết” trong mối ràng buộc với các thủ tục để giảm bớt sự đau khổ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, ngay cả khi sử dụng nó trong điều kiện nhất định có thể dẫn đến tử vong, để cung cấp cho các bệnh nhân đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh nan y. Và đến cuối năm 2014, Chính phủ Pháp cũng đã nới lỏng các hạn chế về vấn đề rủi ro trong trợ tử cho các bác sĩ. Điều này làm đa dạng hóa phạm vi xung đột trong luật pháp quốc gia về “cái chết êm ái” trên toàn châu Âu.

Thụy Điển đã cho phép ủy quyền thực hiện “cái chết êm dịu” thụ động từ năm 2010. Tương tự, các nước Áo và Đức cũng cho phép nếu bệnh nhân đã yêu cầu. Còn tại Na Uy, khi đã có yêu cầu từ bệnh nhân hoặc bởi người thân của họ trong trường hợp bệnh nhân ở tình trạng hôn mê thì nó là hợp pháp.

Tại nước Anh, nhân viên y tế đã được cho phép ngừng điều trị duy trì sự sống trong một số trường hợp nhất định từ năm 2002. Một vụ truy tố những người đã giúp đỡ người thân của họ chết sau khi người đó thể hiện rõ mong muốn kết thúc cuộc sống của mình đã được rút lại trong năm 2010.

Kể từ năm 1992, Đan Mạch cho phép bệnh nhân nộp văn bản từ chối điều trị quá mức, trong những tình huống bệnh nghiêm trọng, với các văn bản được tiến hành tại một cuộc đăng ký tập trung từ trước.

Đối với các nước Hungary, Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc, người mắc bệnh nan y có thể từ chối điều trị để đợi cái chết.

Tại Bồ Đào Nha, “cái chết êm ái” tích cực và thụ động đều là không hợp pháp, nhưng một hội đồng đạo đức được phê chuẩn cho việc quyết định ngưng điều trị trong một số trường hợp nhất định.

Các nước nghiêm cấm tuyệt đối

Với các nước Italy, Romania, Hy Lạp, Bosnia, Serbia, Croatia, Ba Lan và Ailen hiện nay, “cái chết êm ái” bị cấm triệt để và nó bị coi là hành động giết người. Hình phạt có thể dao động từ 14-15 năm tù theo thứ tự ở Ireland và Italy, nhưng án lại tương đối nhẹ ở Croatia.

Nhìn chung, xu hướng là ngày càng có nhiều quốc gia thông qua “cái chết êm ái”, với các mức độ khác nhau và kèm theo những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, cụ thể. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia, từ nhận thức văn hóa, tôn giáo, nền tảng pháp lý đến điều kiện kinh tế xã hội, y tế, dân sinh, dân trí,... mà họ lựa chọn ứng xử theo cách phù hợp với nước họ. Tuy nhiên, dù “cái chết êm ái” đã được hợp pháp hóa ở mức độ nào thì các cuộc tranh cãi giữa bên ủng hộ và bên phản đối vẫn diễn ra và chắc chắn sẽ không bao giờ chấm dứt tại các nước châu Âu, cũng như trên toàn thế giới.

ThS. NGUYỄN THỨC TUẤN (từ Ba Lan)

 


Ý kiến của bạn