Một chút thắc mắc ở đây là: Tại sao trong bài, mỗi dòng thơ lại được viết với ba tiếng, hai tiếng, thậm chí là một tiếng? Nếu như thay đổi một chút phải chăng trông ngắn gọn hơn và nghe sẽ có vần điệu hơn, chẳng hạn:
“Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp”
Sao chú không để liền:
“Sắp mưa, sắp mưa
Những con mối bay ra
Mối trẻ bay cao
Mối già bay thấp”.
Sửa thơ của chú là không hay nhưng cháu muốn biết rằng liệu cách viết của chú có hàm ý gì? Đến đoạn cuối bài, hình ảnh con người mới xuất hiện:
“Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa...”
Chú có cho rằng ngày ấy chú viết là có mục đích muốn thể hiện ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên hay đơn thuần chỉ là viết đúng sự thật “bố chú đi cày về”?
Cháu đã nghĩ rất nhiều về những câu thơ chú viết nhưng có thể do khả năng thẩm thơ của cháu còn hạn chế nên cháu chưa hiểu đúng ý thơ.
Nguyễn Hoàng Thái
(Lớp 7C - THCS Thị trấn Phú Lương - Thái Nguyên)
Trần Đăng Khoa
Câu hỏi của cháu rất thú vị. Cảm ơn cháu đã đọc kỹ bài thơ của chú. Và không phải đọc một cách lười nhác, xuôi chiều, mà còn muốn chỉnh lý, sửa chữa, nâng cao chất lượng để bài thơ hay hơn, hoàn thiện hơn. Đấy là việc làm của những người lao động chân chính và tài năng đích thực. Chú chẳng tài ba gì đâu, nhưng là người lao động nghiêm túc và không thích sự xuôi chiều dễ dãi. Thơ chú năm nào cũng in lại một hoặc vài lần. Lần nào, khi các nhà xuất bản đặt vấn đề in lại, chú cũng cung cấp văn bản cho họ, sau khi đã đọc kiểm lại, đã rà soát lại từng chữ một. Về tổng thể, chú vẫn giữ nguyên văn bản ban đầu, chỉ chỉnh sửa chữ nào còn non lép, hoặc viết sai, chép nhầm, cũng có chữ do biên tập nhà xuất bản chữa lại, không đúng ý chú, đôi khi nhà in cũng in sai. Nghĩa là chỉ sửa trong vài ba trường hợp không thể cho qua, vì trách nhiệm rất cao đối với các bạn đọc. Có người trách: “Sao lão già Trần Đăng Khoa lại đi chữa thơ của chú bé con Trần Đăng Khoa? Làm thế là không tôn trọng lịch sử!”. Chú rất cảm ơn các đấng khả kính ấy với lòng yêu mến cậu Khoa và luôn xòe tay che chắn, bảo vệ cu cậu. Tuy nhiên, những tác phẩm ấy không phải hiện vật lịch sử, mà là thơ. Không phải chỉ thơ của một lứa tuổi, mà là thơ của cả một đời người ở một lứa tuổi. Vì thế, chú rất cảm ơn cháu đã lật đi lật lại bài thơ. Cách chỉnh của cháu, thoáng trông, đúng là có gọn hơn. Nhưng đây là sự gọn gàng nhằm tiết kiệm giấy. Chứ thơ thì chẳng bớt đi được chữ nào. Nếu vẫn nói được đầy đủ ý mà lại giảm bớt được lượng chữ thì tuyệt hay. Bản chất thơ là sự tinh lọc. Chữ ít mà ý nhiều. Thậm chí ý phải tràn ra ngoài câu chữ. Các cụ xưa dạy: “Ý tại ngôn ngoại” mà. Tiếc là cách chỉnh của cháu chỉ mới dừng ở cách sắp xếp vị trí của từng con chữ thôi. Số chữ không thay đổi, nhưng một phần nội dung, là nhịp điệu, vần điệu thì thay đổi đấy, nhưng không hay hơn, lại mất đi không ít dư ba. Mưa là bài thơ viết theo thể tự do có vần. Nhưng vần không theo lối thông thường mà nhảy phóng khoáng, có khi cách 2 (câu trước vần câu sau), có khi cách 3, thậm chí cách 5. (Câu 1 vần câu 3, hoặc câu 1 vần tới mãi câu 5). Cũng như giọt mưa ấy, khi rơi mau, lúc rơi thưa, khi nặng hạt, lúc nhẹ hạt, có khi rơi thẳng, lại có khi rơi nghiêng, do gió thổi tạt đi... Nghĩa là tung phá, rất phóng khoáng... như mưa vậy. Nó phù hợp với việc miêu tả cơn mưa. Cách chỉnh xếp của cháu lại tạo ra một âm điệu đều đều. Nếu diễn đạt mưa bụi thì được, nhưng đây lại là mưa rào. Mưa cùng với gió (Lá khô / Gió cuốn. Bụi bay / Cuồn cuộn) cơ mà. Thế thì âm điệu không thể đều đều, êm ru như thế được, mà phải lúc mau, lúc thưa, lúc ào ạt, xối xả. Vì thế, câu thơ, lúc một chữ, hai chữ, lúc ba bốn chữ dồn dập, như ào ạt xô đuổi nhau. Nó đúng là một cơn mưa rào mùa hạ. Nhưng cũng không phải chỉ có thế. Nó còn là một bức tranh toàn cảnh với rất nhiều dáng vẻ. Trước một hiện thực, là cơn mưa, mà bao nhiêu cảnh ngộ, nhân vật với những số phận, tâm tính khác nhau. Gà con thì sợ hãi. Mồng tơi thì vui mừng, “nhảy múa”. Lá khô thì bị gió cuốn theo. Cỏ gà thì lưỡng lự “Rung tai/ Nghe”. Nghe ngóng thôi. Rồi còn rất nhiều tình tiết nữa. Đoạn kết: Bố em đi cày về/ Đội sấm / Đội chớp/ Đội cả trời mưa... là chú cố ý để con người xuất hiện vào giây phút cuối cùng. Một con người lồng lộng, kỳ vĩ, làm chủ cả trời đất, đội trên đầu cả bão dông, sấm sét. Đấy vừa là câu thơ chân thật, miêu tả bố chú, vừa vượt ra ngoài khuôn mẫu thật, ca tụng người nông dân lao động Việt Nam nói chung và xa hơn là ca tụng con người VIỆT NAM trong trời đất, thậm chí trong sự vần xoay thay đổi của tiết trời, của vũ trụ... Đấy mới là nhân vật chính của cả trận cuồng phong mưa gió này. Đến đó bài thơ mới khép lại được cháu ạ. Bài thơ này đã dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhưng đều hỏng cả. Chẳng có bản dịch nào lột tả được đúng ý chú. Bản tiếng Nga:
“Bố em từ cánh đồng về
Chớp bay trên đầu bố em
Sấm bay trên đầu bố em
Mưa bay trên đầu bố em...”
thì nhạt và tầm thường. Nó làm mất đi cái thế chủ động của con người trước thiên nhiên, biểu hiện trong một chữ “Đội...” chứ không phải “Bay qua...” . Thơ khó thế đấy cháu ạ...