Về bí ẩn nữ tính

10-02-2016 16:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ali Shariati, một trí thức Hồi giáo có ảnh hưởng lớn đã cho rằng số phận của người đàn ông từ thân phận cát bụi cho đến lúc về với Đức Chúa Trời là một số phận “bị cưỡng ép phải luôn luôn di chuyển”,“một sự di cư trong chính tâm hồn mình”.

Ali Shariati, một trí thức Hồi giáo có ảnh hưởng lớn đã cho rằng số phận của người đàn ông từ thân phận cát bụi cho đến lúc về với Đức Chúa Trời là một số phận “bị cưỡng ép phải luôn luôn di chuyển”,“một sự di cư trong chính tâm hồn mình”. Còn Victor Hugo thì viết: “Kẻ có tâm hồn yếu ớt thì cố định tình yêu của mình vào một chấm nhỏ trên thế giới; người mạnh mẽ thì mở rộng tình yêu của mình tới mọi nơi”; (Bàn về môn mỹ học của sự đọc, New York, 1961) Những quan niệm về nam tính, về sức mạnh tinh thần như thế không có chỗ cho phụ nữ và gia đình trở thành chốn dừng chân, chỗ nghỉ ngơi tiếp sức của người đàn ông như trong hầu hết các xã hội trên trái đất, nhất là xã hội Việt Nam.

Từ bí ẩn nữ tính đến cách mạng nữ quyền

Thế kỷ hai mươi có 3 cuộc cách mạng: cách mạng nữ quyền giải phóng phụ nữ khỏi máy giặt và xó bếp; cách mạng thời trang với phong trào phụ nữ cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn; và cách mạng quản lý đưa phụ nữ ngồi vào ghế lãnh đạo như đàn ông. Cả ba cuộc cách mạng này đều do phụ nữ tiến hành và đều gắn liền với cuộc đấu tranh tư tưởng để tìm kiếm chuẩn mực của nữ tính nói chung. Nhưng cuộc cách mạng nữ quyền lan rộng trên phạm vi toàn cầu còn gắn với một cuốn sách lừng danh của một tác giả nữ người Mỹ viết về những quan niệm xã hội đã trói chặt người phụ nữ Hoa Kỳ thế kỷ trước vào một số phận hoàn toàn thụ động.

Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan - một cuốn sách được coi là quan trọng nhất của thế kỷ XX - đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến II để chỉ ra rằng, đằng sau cái đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò “nội trợ” phục vụ chồng con của phụ nữ Mỹ đương thời là một thực trạng “Phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”. Thân phận thụ động này được xã hội Mỹ lúc bấy giờ coi là có căn nguyên từ “bí ẩn nữ tính”, một cách nói khái quát về một “mật lệnh”sâu thẳm của giới tính dẫn đến tình trạng những công việc và quyền lợi của phụ nữ khác hoàn toàn với nam giới. Theo tác giả, khái niệm “bí ẩn nữ tính” đã được người Mỹ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, tivi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến “tổ ấm gia đình”, để bóp nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những bất công thiệt thòi mà họ đang chịu đựng là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra. “Bí ẩn của nữ tính” này được gắn với “Bí ẩn của sàn nhà được đánh bóng và son môi được tô trét hoàn hảo”. Đó cũng là “bí ẩn” của những bà nội trợ có học “sùng bái con cái”, điên cuồng xếp bộ đồ ăn bằng bạc ra và chưng diện để chào đón chồng đi làm về trong tổ ấm lý tưởng ở ngoại ô. Những phụ nữ này là vợ, là đồ chơi tình dục, là mẹ, là nội trợ của đàn ông chứ chưa bao giờ định nghĩa mình bằng hành động của mình trong xã hội. Tác giả đã tìm kiếm trong tất cả các số tạp chí phụ nữ phát hành ở Mỹ trong hai năm 1958 và 1959 mà không tìm ra một nhân vật nữ nào có nghề nghiệp, có cam kết với bất cứ công việc nghệ thuật, chuyên môn hay bất cứ nhiệm vụ nào trên thế giới ngoài việc nội trợ và việc tìm cách “bẫy” cho được một tấm chồng.

Betty Friedan đã định nghĩa đàn ông một cách giễu cợt rằng: “Đàn ông không thực sự là kẻ thù - họ là những nạn nhân bằng hữu, gánh chịu bí ẩn nam tính cổ lỗ, cái bí ẩn khiến cho họ thấy thiếu thốn một cách không cần thiết khi không có con gấu nào để giết”. Bà còn theo đuổi một “kiểu thức mới về quan hệ tình dục và chính trị” để truy tận gốc cái năng lượng bạo lực của nam tính cổ điển này, chỉ ra rằng “năng lượng tính dục bị giam hãm đã giúp đổ thêm năng lượng cho bạo lực khủng khiếp” phun trào ở Hoa Kỳ và ở khắp thế giới trong hàng thập kỷ. Và bà kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng giới tính với khẩu hiệu “Hãy làm tình, đừng gây chiến” để “giải phóng các năng lượng này khỏi sự phục dịch cái chết”.

Cuốn sách Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan được coi là thủ phạm khơi dậy “âm mưu chối bỏ nhà bếp” của phụ nữ Hoa Kỳ, làm dấy lên cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất ở nước Mỹ thế kỷ XX - cuộc cách mạng nữ quyền đòi phế truất vai trò độc diễn của đàn ông trên sân khấu cuộc đời, đòi được quyền quyết định có sinh con hay không, có con lúc nào, có nạo thai không, đòi bình đẳng và công bằng theo luật và ở nơi làm việc, đòi được quyền bỏ phiếu bầu ra quan chức và Tổng thống...

Nữ tính và nữ quyền của dân tộc Việt

Khác với phụ nữ của các nền văn hóa phương Tây, phụ nữ Việt dường như không cần làm cách mạng nữ quyền. Địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội từ ngàn xưa đã cao hơn địa vị người phụ nữ Trung Hoa. Vì Việt Nam cổ đại là một xã hội mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò quyết định, là Nội tướng trong gia đình, là người quản lý giữ tay hòm chìa khóa. Các học giả phương Tây cho rằng khi người chồng Việt Nam để cho vợ nắm tài chính gia đình và quản lý nhà cửa họ đã tạo ra ưu thế và tự do cho người đàn ông. Học giả Stephen O’Harrow viết rằng ở Việt Nam, “tột đỉnh của người đầy nam tính (machismo) không phải là một thứ đàn ông ưa hành hạ đàn bà theo kiểu Địa Trung Hải mà là một thứ đàn ông biếng lười đầy lịch lãm mà đàn bà phải chịu thiệt thòi”.

Nữ tính Việt mang nguyên lý Mẹ với bản chất cội nguồn và Đức hiếu sinh, hòa hợp tự nhiên những giá trị vĩnh hằng của cả Đời và Đạo, huyền thoại và hiện thực. Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng là biểu tượng của mô hình gia đình phổ quát, cội nguồn của nghĩa đồng bào, văn hóa gia đình và văn hóa trọng tình chi phối các quan hệ xã hội đến tận ngày nay. Trong tất cả các chùa trên đất Việt đều có tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay và tượng Cửu Long với người phụ nữ mặc váy đứng giữa chín con rồng. Người phụ nữ đó là bà Đỗ Quý Thị tức Hương Vân Cái Bồ Tát, người sáng tạo ra Đạo Mẫu  từ 5.000 năm trước.

Nữ tính Việt có tầm vũ trụ khai sáng và bao dung như thế, nhưng lại mạnh mẽ vào bậc nhất trong nhân loại. Các vị nữ tướng trong chiến tranh giải phóng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nữ tướng Bát Nàn và hàng triệu phụ nữ tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là hiện thân của Nội tướng ở tầm dân tộc, quốc gia.

Vì thế, cuộc cách mạng nữ quyền không được diễn ra ở Việt Nam một cách rầm rộ quyết liệt theo cách của phương Tây. Vấn đề giải phóng phụ nữ đã được chính quyền phát động từ thập kỷ 50 trong phong trào “Bình đẳng nam nữ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hôm nay, ý thức nữ quyền với tư cách một trào lưu văn hóa hậu hiện đại mà bản chất là “giải trung tâm nam giới” đã đi vào Việt Nam theo các kênh văn hóa truyền thông, đưa đến những ảnh hưởng nhất định với  gia đình Việt Nam truyền thống và sự “nam tính hóa” trong dáng dấp, suy nghĩ, cảm nhận, hành xử của không ít các bà, các chị, các em. Cái đó có thể coi là một tín hiệu báo động về sự mai một phai tàn của nữ tính Việt Nam mà viễn cảnh của nó là xã hội một chiều, chỉ còn những phẩm tính của giống đực, như trong phim của Hollywood.

Ẩn dụ nghệ thuật về thế giới không nữ tính

Một phim hoạt hình giả tưởng về một thế giới không nữ tính là Kẻ cắp mặt trăng (Despicable Me) và tập tiếp theo là Minions mới ra gần đây kể chuyện về lũ sinh vật màu vàng chỉ toàn con đực rất ngây thơ, đáng yêu. Bộ phim có vẻ là một ẩn dụ về một thế giới nữ quyền lên ngôi, không còn bí ẩn nữ tính của ngày xưa, trở thành thế giới một chiều, ngay cả phụ nữ cũng mang những phẩm chất của nam giới trong bộ dạng, ăn mặc, suy nghĩ, cảm xúc và hành xử. Một thế giới mạnh mẽ, đầy những anh hùng, những bác học, những doanh nhân, tỷ phú và những tên khủng bố. Nhưng thế giới ấy thiếu đi tình mẹ. Câu thơ của Gorky “Đời vắng mẹ hiền không phụ nữ. Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu!” trở nên lạc hậu trong thế giới hôm nay. Vì việc sinh đẻ giờ đây cũng có thể được kỹ thuật nhân bản vô tính làm thay trong ống nghiệm như đã từng sinh ra chú cừu Dolly. Thiên chức làm mẹ, làm vợ có thể được thay thế bằng phòng thí nghiệm với kỹ thuật cấy ghép gen, bằng các trung tâm giáo dục sớm với bình sữa có vú cao su và các đĩa DVD hát ru, bằng các robot có khả năng dạy trẻ, kể cho nó nghe chuyện cổ tích được lập trình, những câu chuyện mà các bà, các mẹ bao đời nay thường kể cho con khi bế nó trong lòng hay ôm nó trong chăn ấm như đang làm sứ mệnh chuyển tiếp cho thế hệ sau những hơi ấm của tình người, những yêu thương, đau khổ và khát vọng ngàn năm.

Song cái thiếu khuyết cơ bản về nữ tính đó đã không được đạo diễn thể hiện trong phim. Đạo diễn chỉ thể hiện sự thiếu khuyết của một nhân loại đực tính là thiếu khuyết về trí tuệ nữ. Đạo diễn Coffin hé lộ ý đồ nghệ thuật của ông đằng sau những nhân vật tạo hình như robot và hành xử ngờ nghệch như đàn ông trên phim: “Cứ nhìn thấy chúng nó ngờ nghệch và cả tin thế kia thì tôi không thể nào mà tưởng tượng ra nổi chúng nó mà là con gái thì sẽ thế nào”. Cái ngờ nghệch ở đây là một trạng thái tinh thần của thời đại của văn minh kỹ trị và văn hóa bạo lực hôm nay. Phải chăng ý ông nói khi cái trí tuệ duy lý, cái trí tuệ nam tính thống trị thế giới thì nhân loại trở thành những con robot ngờ nghệch, chỉ số IQ cao, nhưng mất đi trí thông minh của trái tim người mẹ, người vợ đấy mà người ta đo bằng chỉ số EQ? Đây là một vấn đề văn hóa vĩ mô bao trùm lên nhân loại hôm nay. Nó vượt lên sự thống trị của nam tính trong thể chất, áo quần, suy nghĩ, cảm xúc và hành động để trở thành một vấn đề văn hóa của một thời đại khi cảm hứng quyền lực, cảm hứng lợi nhuận và cảm hứng phát triển thiên về vật chất đã thay thế các cảm hứng làm người, cảm hứng làm mẹ, cảm hứng vì đại nghĩa và cảm hứng hòa đồng với bà mẹ thiên nhiên.


Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Ý kiến của bạn