Về bài thơ Đêm của Trần Sĩ Tuấn

09-02-2016 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trần Sĩ Tuấn là bác sĩ, làm báo ngành y. Về thơ, tôi đã được đọc thơ anh từ ba chục năm nay. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003.

Trần Sĩ Tuấn là bác sĩ, làm báo ngành y. Về thơ, tôi đã được đọc thơ anh từ ba chục năm nay. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003. Trần Sĩ Tuấn viết không nhiều, anh xuất bản mới hai tập thơ. Nhưng thơ có vị riêng. Ấy là vị của nghĩ ngợi, chiêm nghiệm việc đời. Cảm xúc của anh vùi trong nghĩ ngợi. Nghĩ ngợi sâu mà thành thấm thía chứ không mượn vào ngôn ngữ hay hình ảnh để gợi cảm. Lối thơ này kén độc giả. Thơ chịu thiệt về sức phổ cập. Nhưng gặp được tri kỷ thì lại ở lâu bền trong tâm trí người đọc.

Bài thơ Đêm này là một ví dụ.

 

Tặng nhà văn Hoài Anh

Đêm

Đêm dài quá anh ạ

Tuổi năm mươi nằm một mình không ấm chỗ

Chiếc bàn gỗ hình chữ nhật ngắn và hẹp

Anh nằm nghiêng riết thành quen.

 

Muỗi vo ve cắt đêm thành những vòng  tròn

Đêm cắt anh thành hình chữ nhật

Ngắn và hẹp...

 

Những giấc mơ anh bị đóng khung

Những giấc mơ nằm nghiêng

Những giấc mơ không lăn qua lăn lại

Sợ hụt chân rớt xuống sàn nhà.

 

Giật mình tỉnh giấc

Là lúc anh vắt kiệt ra để sống

Vắt kiệt ra để yêu

Đêm chạy trên trang giấy

Sau những phút giật mình

Bao niên kỷ trôi qua...

(trích trong tập Từ đá vắt ra, NXB Hội Nhà văn 2007)

Đêm, không ghi năm sáng tác, được in trong tập Từ đá vắt ra, xuất bản lần đầu năm 2002, đề tặng bạn thơ Hoài Anh. Nhà thơ Hoài Anh thì tôi biết. Và có biết, mới thấy bài thơ này là một khám phá, một trân trọng của Trần Sĩ Tuấn với người bạn vong niên.

Hoài Anh hơn Tuấn phải trên hai mươi tuổi. Sáu mươi năm cầm bút viết văn, làm thơ, dịch thuật, soạn kịch. Miệt mài viết. Đọc rộng. Nhớ nhiều... Mà cả đời nghèo. Hồi còn độc thân, những năm 60 thế kỷ trước, tá túc ở Rạp Chuông Vàng Hà Nội. Ngày xuống ngồi viết trong góc tiệm cà phê Phúc Châu phố Tạ Hiện. Đêm, khi khán giả đã ra về thì ôm chăn chiếu lên ngủ trên gác thượng Rạp Chuông Vàng. Có khi đến nhiệm sở là Sở Văn hóa Hà Nội ngủ nhờ trên bàn làm việc. Lấy vợ, có con, hai đứa trai đầu sinh đôi, bốn khẩu ở trong căn buồng hẹp quây phên ba phía, trong một căn buồng rộng, đông hộ, phố Hàng Buồm. Đi làm chỉ cuốc bộ vì ông không biết đi xe đạp. Khi chuyển vào Sài Gòn, có nhà riêng, ngăn nắp. Bạn bè mừng. Nhưng không lâu, ông bà chia tay. Ông nhường vợ con căn nhà, đến ngủ nhờ cơ quan trên bàn làm việc. Cơ quan lại cấp nhà. Ông cho bạn mượn nhà. Lại ngủ bàn. Bài thơ Trần Sĩ Tuấn lấy ý tìm tứ từ lai lịch ngủ bàn, không phải liên tục, nhưng trải dài theo cả đời người của Hoài Anh.

Thơ Trần Sĩ Tuấn không vần. Nhưng câu cú liên kết mạch lạc, ý tứ phân minh. Bài thơ bốn đoạn. Đoạn đầu giới thiệu bối cảnh và nhân vật. Nhân vật tuổi năm mươi. Đúng ra thì Hoài Anh đã ngủ bàn ở nhiều chặng tuổi. Nhưng chọn tuổi năm mươi, cái tuổi đủ để biết nếm lắm thứ vị của đời người, cũng đủ để ý thức được mình, đủ chiêm nghiệm để bớt ảo tưởng và cũng đủ ảo tưởng để trọng thiết thực. Mấy chi tiết trong đoạn thơ cho thấy khá đủ tình thế đời sống và tình thế tâm hồn của nhân vật. Chi tiết khách quan: Tuổi 50, nằm một mình, chiếc bàn ngắn và hẹp, phải nằm nghiêng. Chủ quan thì thấy: không ấm chỗ, nhưng nằm thế mãi thành quen rồi. Tác giả không bình luận, không cảm thán gì. Đấy cũng là đặc sắc của bài thơ này: tác giả buộc sự việc tự nói và người đọc phải tự nghe ra.

Để sự việc tự nói, nhưng nói theo ý của mình, ắt phải có cách. Dụng công của tác giả là ở chỗ này, ở chữ cắt trong đoạn thơ thứ hai:

Muỗi cắt đêm thành những vòng tròn

Đêm cắt anh thành hình chữ nhật

Ngắn và hẹp

Câu muỗi cắt là tương quan giữa tiếng và hình. Tiếng muỗi vo ve quanh người mà hình dung nó cắt đêm ra từng vòng tròn. Nhờ có động từ cắt của muỗi mà đẩy sang được động từ cắt của đêm. Tạo nên mạch liên kết muỗi cắt đêm và đêm cắt anh. Chỉ có điều muỗi cắt là hiện thực, còn đêm cắt là siêu thực. Nhưng siêu thực lại khái quát được cái thực áp đặt khắc nghiệt của ngoại cảnh với con người. Người xưa nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Anh Hoài Anh ở bàn thì anh thành khuôn chữ nhật, ngắn và hẹp theo khổ cái bàn, chứ sao! Đọc thơ buồn cười như xem phim hoạt hình Tom và Jerry mà cũng muốn khóc. Thương ông già năm mươi tuổi ấy. Tình cảm trong thơ Trần Sĩ Tuấn thường bộc lộ như vậy. Anh không nói ra, không bày ra mà người đọc luận vào đời mà nhận ra. Đây là đoạn nghệ thuật nhất của bài thơ này. Biến hóa tài tình, biến hóa chữ (chữ cắt) rồi biến hóa ý (cắt đêm sang cắt người) mà tạo nên tình.

Đoạn ba là sự mở rộng rất logic. Đoạn trên thân xác người ngủ bàn bị đóng khuôn hình chữ nhật. Đoạn này thì đóng khuôn cả giấc mơ, nghĩa là đóng khuôn cõi tinh thần, ý thức, thậm chí cả vô thức nữa. Không chỉ thân người nằm nghiêng, thân người không lăn qua lăn lại trên cái mặt bàn ngắn và hẹp, sợ hụt chân rớt xuống sàn nhà. Mà cả giấc mơ, vốn vô thức, cũng đã có được thói quen phòng xa sự hụt và rơi ấy. Vấn đề không còn chỉ xoay quanh chuyện ngủ bàn nữa rồi. Không biết tác giả có định không, nhưng trong đà khái quát của thơ, người đọc hẳn nghĩ tới nhiều lĩnh vực khác, khuôn khổ khác. Làm thơ, viết chuyện ngủ sang chuyện mơ là tất yếu,  ý thơ phát triển thông thoáng, tự nhiên. Thêm một tầng thương bác Hoài Anh đến trong mơ cũng đề phòng sa chân nhỡ bước.

Bài thơ có thể hết ở đây.

Nhưng tác giả muốn kéo nhân vật Hoài Anh trở lại với người đọc. Muốn tuyên dương, ca ngợi nhân vật cụ thể này và qua đó, ca ngợi người viết văn, nghề văn. Cái anh văn chương hay bị coi là mơ mộng, tơ lơ mơ. Vậy mà, gặp phong trần thì cũng dám phong trần như ai. Ngủ đóng khung cũng chịu, ngắn và hẹp cũng xong. Nhưng khi đã thức là vượt khung, là viết. Viết mới thực là đang sống, đang yêu, đang vượt khung. Mà yêu hay sống là chạy (chứ không phải nằm, dù nằm bàn). Chạy trên trang giấy. Chạy suốt đời, bao niên kỷ trôi qua. Đoạn này như vĩ thanh của một đời người và cũng là vĩ thanh trong kết cấu bài thơ. Nó là bình luận, nó làm đầy đủ ý nghĩa về cuộc đời nhân vật, về nghề về nghiệp nhà văn.

27/10/2015


Nhà thơ Vũ Quần Phương
Ý kiến của bạn