Hà Nội

VĐV Ánh Viên: Chi phí khủng và ly kỳ chuyện ăn tập kiểu Mỹ

24-08-2014 09:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngay ngày đầu tiên của Ánh Viên trên đất Trung Quốc, tài năng 18 tuổi được mệnh danh là “báu vật” của bơi Việt Nam đã đoạt tấm HCV lịch sử

Kình ngư giành HCV Olympic trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên

Ngay ngày đầu tiên của Ánh Viên trên đất Trung Quốc, tài năng 18 tuổi được mệnh danh là “báu vật” của bơi Việt Nam đã đoạt tấm HCV lịch sử ở nội dung 200m hỗn hợp với thông số phá kỷ lục Đại hội. Với tuyển thủ từng đoạt tới 3 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games 27 này có cảm giác như chẳng có giới hạn nào không thể vượt qua. Ngoài tố chất đặc biệt, điều giúp cho tài năng có sải tay dài 1m99 này cất cánh chính là 2 năm tập huấn tại Mỹ với vô khối chuyện mà với giới VĐV Việt Nam đúng là lạ đến... nửa vòng trái đất.

Mỗi năm tốn 4 tỷ đồng vẫn là quá rẻ

Kỷ lục một năm giành 26 HCV quốc tế

Kỳ tích này được Viên tạo lập ở năm 2013 và chắc chắn là một kỷ lục của thể thao Việt Nam về số HCV quốc tế mà một tuyển thủ giành được trong 1 năm từ trước đến nay, thậm chí nó gấp tới gần 4 lần so với kỳ tích 7 HCV mà ngôi sao wushu Nguyễn Thúy Hiền tạo được hồi 2001. Trong đó, ngoài 3 tấm HCV SEA Games tạo đột phá cho môn bơi, Ánh Viên còn giành những chiến tích Vàng sáng giá khác như 1 HCV Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, 3 HCV Á vận hội trẻ. Theo đánh giá, kỷ lục giành 26 HCV quốc tế 1 năm của Viên sẽ đi vào lịch sử, mà chỉ có chính chủ nhân của nó có thể phá được.

Bước sang năm 2014, tuy không “đồ sộ” bằng năm trước song đến thời điểm này Viên cũng đã có tới 14 lần đăng quang trên các đấu trường quốc tế (9 HCV giải trẻ ĐNÁ, 7 HCV giải vô địch ĐNÁ, 1 HCV Olympic trẻ).

Như Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam Đinh Việt Hùng chia sẻ thì việc làm đáng nhớ trong đời làm bơi của ông cùng các cộng sự chính là quyết định được hình thành từ cuối 2011: đưa Ánh Viên sang Mỹ tập huấn dài hạn dù khi ấy Viên mới 15 tuổi nhưng đã đoạt HCB ngay kỳ SEA Games đầu tiên nhưng bảo để đi Mỹ cực khó, nhất là kinh phí không dưới 100.000 USD/năm. Số tiền tương ứng hơn 2 tỷ đồng này thậm chí còn hơn cả tổng kinh phí môn bơi được cấp mỗi năm. Tưởng như bó tay, rất may khi vừa đề xuất lên đã được lãnh đạo đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức, ngành thể thao chi 60.000 USD còn đơn vị chủ quản quân đội chi 40.000 USD. Giải quyết được bài toán... đầu tiên rồi, Tổng thư ký Hùng và HLV Đặng Anh Tuấn phải trực tiếp bay sang Mỹ để khảo sát, liên hệ địa điểm, chuyên gia, điều kiện ăn ở sinh hoạt. Thậm chí, ông Tuấn còn nhờ cậy sẵn người thân bên đó để có thể mượn xe ôtô đưa học trò đi tập cũng như có chỗ để nhờ cậy khi khó khăn. Qua hai năm, tổng chi cho Viên lên tới 4 tỷ đồng, song giờ đây nó đã chứng tỏ đáng giá đến... từng đồng.

Đầu 2012, hành trình sang Mỹ luyện tài của “ngọc thô” trước đó chỉ mấy năm hãy còn ngụp lặn ở bể bơi gần nhà đã khởi đầu với một chuyến bay nửa vòng trái đất khiến cô gái tuổi teen thực sự kiệt sức. Thời gian đầu quả là một thời gian đầy thử thách với thầy trò Viên khi còn quá lạ lẫm với mọi thứ, chưa kể còn có rắc rối do những quy định đặc thù của CLB St Augustine, đặc biệt chuyện không cho HLV vào bể trực tiếp chỉ dẫn. Áp lực càng đẩy cao hơn khi người đi cùng đợt với Viên là Quý Phước quay về nước. Từ đó đã dấy lên dư luận ngay cả trong giới chuyên môn về một chuyến xuất ngoại ném tiền qua cửa sổ của bơi Việt Nam. Đến mức ngành thể thao phải cử đại diện sang Mỹ.

3 ông thầy và 1 chiếc cốc trên trán

Bơi Việt Nam trước đây, chỉ một vài trường hợp đặc biệt như Xuân Hiền hay Hữu Việt mới có HLV riêng và cũng chỉ 1. Thế nhưng bây giờ, riêng Ánh Viên khi rèn tập lại được kèm cặp hàng ngày bởi 3 ông thầy, ngoài HLV trưởng ĐTQG Đặng Anh Tuấn còn có 2 chuyên gia ngoại “xịn”. Trong đó, 1 người lo về chuyên môn, 1 người chuyên về thể lực, tất nhiên ông Tuấn vẫn là người chịu trách nhiệm quán xuyến chung.

Với sự hợp sức của bộ ba HLV này, Ánh Viên đã có một quy trình tăng tốc phát triển hết sức bài bản, kỹ lưỡng, khoa học về mọi mặt và được cụ thể hóa một cách chặt chẽ và hiệu quả theo từng đợt, từng tuần rồi đến từng ngày. Điều đáng nói, cũng nhờ tố chất hiếm có, ý chí và sự khổ luyện nên cô gái Cần Thơ đã luôn có thể đáp ứng ở mức cao nhất mọi bài tập chuyên môn và thể lực, theo đúng tiêu chuẩn của các kình ngư trẻ hàng đầu thế giới.

Ngoài thời gian tập riêng, Ánh Viên còn liên tục được tập và thi đấu cọ xát cùng nhóm VĐV xuất sắc nhất của CLB, không chỉ các đồng nghiệp nữ mà cả nam, thuộc nhiều trình độ và trường phái khác nhau.

Nhiều người đã thực sự thích thú khi thấy hình ảnh Ánh Viên bơi ngửa lướt trên đường bơi xanh với một cốc nước đặt ở vị trí giữa trán, kinh ngạc hơn, nó không hề nghiêng ngả, thậm chí chẳng rung rinh một chút nào. Đây là một minh chứng thật sinh động cho sự kỳ công và khổ luyện của Viên với mục tiêu rèn cho cơ thể và tư thế đảm bảo một cách ngặt nghèo nhất, gần như tuyệt đối cho đòi hỏi của bơi ngửa - vốn là mũi nhọn sở trường. Một chi tiết tưởng như rất nhỏ, song lại có thể là yếu tố đầu tiên mang tính quyết định cho Viên tăng tốc. Không phải ngẫu nhiên mà tại giải vô địch châu Á cuối năm ngoái, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá Viên là một trong vài kình ngư nữ có kỹ thuật bơi ngửa tốt nhất châu lục, bên cạnh các chỉ số hình thể lý tưởng.

Điều đặc biệt, chỉ khi sang Mỹ tập huấn, Viên mới lần đầu được áp dụng các liệu pháp công nghệ đào tạo hiện đại, rõ nhất với bài tập chuyên biệt trong bể nước ngược. Ở đó, tuyển thủ Việt Nam sẽ phải ra sức bơi ngược với dòng nước nhân tạo đang chảy với tốc độ cực cao. Qua đó, Viên có thể rèn cả sức mạnh lẫn sức bền cùng khả năng chịu đựng và sức bứt phá. Hồi đầu, có lần Viên còn bị dòng nước hất theo đập đầu đau đến chảy nước mắt.

Mỗi bữa ăn 1 cân thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì to...

Cùng đó là phải ăn, ăn như một nhiệm vụ như lời của Viên. Chuyện về bữa ăn với 1 cân thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp. Đó là bữa chính trong ngày mà có đến nửa năm, Viên vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng vì cực quá, hay phải ăn lại nghỉ, nghỉ lại ăn mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Vượt lên tất cả, chỉ sau 2 năm ăn tập trên đất Mỹ, Viên đã chạm tới lượng vận động 7 - 8.000 calo mỗi ngày, gắn với sự phát triển cơ bắp, thể lực và kỹ thuật hoàn chỉnh để có thể làm nên điều thần kỳ cho bơi Việt Nam tại SEA Games 27 theo cách chưa từng thấy: đoạt 3 HCV, phá 2 kỷ lục mà vẫn buồn đến phát khóc và bị thầy quở trách.

Cô gái 18 tuổi quê Cần Thơ vừa đoạt 1 tấm HCV Olympic trẻ, đang tràn đầy cơ hội có thêm một vài lần bước lên bục cao nhất tại Đại hội. 

Xuyến Chi


Ý kiến của bạn