Liên quan khoản vay 300 triệu USD xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái với đề xuất vay vốn từ Ngân hàng Trung Quốc - China Eximbank, các bộ liên quan đều đề nghị đàm phán lại với Trung Quốc về điều kiện và lãi suất. Bởi “quả đắng” từ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó. Các chuyên gia cũng cảnh báo cẩn trọng với những điều khoản đi kèm vốn vay từ Trung Quốc.
Để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (96km), Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất vay vốn từ Ngân hàng Trung Quốc - China Eximbank với tổng vốn vay 300 triệu USD (khoảng gần 7.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia trong nước bởi trong bối cảnh có nhiều dự án vay bị ràng buộc không phát huy hiệu quả thì chúng ta phải biết rút kinh nghiệm từ các dự án trước.
Sự lo ngại của những chuyên gia kinh tế là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện những nguồn vốn vay từ Trung Quốc đều có sự ràng buộc về nhà thầu, thiết kế, lãi suất...
Đơn cử như Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự án khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được đi vào sử dụng mà vốn đã đội đến gần 7.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc này vô cùng bất lợi cho Việt Nam vì nhà thầu Trung Quốc luôn đưa ra một gói đấu thầu rất thấp, sau đó khi thực hiện lại đội giá lên, điển hình là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau đó, đội vốn lên mình lại phải vay của họ, chất lượng lại không đảm bảo nhưng mình vẫn phải phụ thuộc toàn bộ vào họ. Do vậy, nếu ham lãi suất thấp, ham rẻ nhận gói này thì chẳng khác gì mua thêm nợ cho người dân.
Vốn ODA từ các nước mà chúng ta đã vay trong những năm qua là động lực để phát triển và xây dựng đất nước, những nguồn vốn đó là rất đáng trân trọng. Nhưng vốn vay có sự ràng buộc thì chúng ta cũng nên cẩn trọng cân nhắc. Bởi thực tế đã minh chứng bằng hàng loạt dự án vay vốn ưu đãi đã trở thành... ngược đãi khi dự án không phát huy hiệu quả mà còn khiến nợ công ngày càng tăng cao và trở thành gánh nặng của đất nước.
Khoản vay 300 triệu USD (khoảng gần 7.000 tỷ đồng) được đề xuất vay từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc đang gặp phải những phản ứng khá gay gắt bởi những ràng buộc về điều kiện vay… Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, Dự án Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà cho cả các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Bắc. Quan điểm của Chính phủ là muốn tìm kiếm và thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án. Trong lúc đó, phía Trung Quốc quan tâm và bày tỏ ý định cho Việt Nam vay vốn. Ý định này cũng được đưa ra trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai bên. “Về phía Bộ KH&ĐT cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được đàm phán, thảo luận thêm với phía Trung Quốc xung quanh dự án này như đàm phán về các điều kiện vay, lựa chọn nhà thầu, lãi suất và các điều kiện khác… Chủ trương chung vẫn là tích cực tìm kiếm nguồn vốn, nguồn vốn đó có thể từ Trung Quốc hoặc từ các quốc gia khác vì dự án này rất quan trọng”, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết.