Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người dân, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị trá hình, tín dụng đen núp bóng...
Vay siêu tốc, lãi... “chết người”
Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng phạm thực hiện tại nhiều tỉnh thành. Trong vụ án này, những kẻ cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm; tất cả giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng internet và điện thoại di động.
Không khó để người tiêu dùng có thể tiếp cận các ứng dụng cho vay online. Chỉ cần vào CH Play hoặc Apple Store, bấm từ khóa “vay tiền online”, ngay lập tức hiện ra hàng loạt các app cho vay như: Movay, Vayvay, AVay... Sau khi cài đặt, để đăng nhập được vào ứng dụng, người vay phải cung cấp các thông tin như: số điện thoại, địa chỉ, chứng minh nhân dân và cho ứng dụng được phép truy cập danh bạ, vị trí, hình ảnh, trang cá nhân facebook, zalo trên điện thoại (tùy app). Để tạo lòng tin cho người vay tiền, ứng dụng hiện các thông báo sẽ bảo mật thông tin của khách hàng, không sử dụng vào mục đích khác. Nếu hoàn thành các bước trên, ít phút sau sẽ có người gọi đến tự xưng là nhân viên bên cho vay để xác nhận thông tin.Khi người vay chấp nhận các yêu cầu và xác nhận vay tiền, chỉ vài giờ sau đó, tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng, có vẻ như cực kỳ giản tiện và thuận lợi.
Cho vay tiền qua app là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ đang lách luật để hoạt động.
Chị H.L.A. ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, do lần đầu vay tiền qua mạng nên chị chỉ vay 2 triệu đồng, tuy nhiên, số tiền thực tế khi chị nhận được chuyển vào tài khoản chỉ có 1,4 triệu đồng. 600 nghìn đồng được bên cho vay giữ lại trừ trước tiền phí vay và lãi suất. Trong vòng 14 ngày, chị T. phải trả lại đủ 2 triệu đồng. Do vay và trả nợ đúng hạn nên chị được tăng hạn mức vay. Lần gần đây nhất, chị A. vay 5 triệu đồng, số tiền chị nhận được là 4,3 triệu đồng. Do chưa có tiền để thanh toán, chị A. đã phải nhận hàng chục cuộc gọi, tin nhắn trong ngày, thậm chí cả những lời đe dọa. Sau 3 tháng chậm trả, chị A. phải chịu thanh toán cả gốc lẫn lãi và số tiền nộp phạt lên đến hơn 10 triệu đồng. Chị A. cho biết thêm, nếu không có sự giúp đỡ của bè bạn và người thân thì không biết đến khi nào chị mới trả nổi được số tiền vay qua app như thế này.
Suy nghĩ kỹ khi quyết định vay
Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”. Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó. Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ. Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo, cho vay online, cho vay trực tuyến, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị trá hình, tín dụng đen núp bóng, nên cần thận trọng, cân nhắc kỹ sử dụng dịch vụ này.
Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin, ví dụ: website hoặc ứng dụng của đơn vị đó phải có đầy đủ các thông tin. Đơn cử như thông tin tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại... Ngoài ra, website hoặc ứng dụng phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch. Ví dụ: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch...
Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, mức phí và chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ...). Trong quá trình tìm hiểu các thông tin nêu trên, người tiêu dùng cần đảm bảo việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp.
Người tiêu dùng cần lưu ý việc phản ánh, khiếu nại phải được thực hiện qua các phương thức có thể lưu lại bằng chứng như gửi email, gửi thư có xác nhận báo phát...