Hà Nội

Vay tiền làm lộ phí, đạp xe 50km để đi hiến máu

12-06-2017 16:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi coi việc hiến máu của mình để cứu người khác như là một sự trả ơn với những “người dưng” đã hiến máu cứu sống tôi khi tôi bị tai nạn giao thông nguy kịch tính mang, phải truyền máu mới có thể phẫu thuật được và sống đến hôm nay

Thông  tin tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra trưa ngày 12/6 tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đại diện Ban tổ chức cho biết, năm 2017, Việt Nam là quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu Ngày Quốc tế Người hiến máu với thông điệp “Hiến máu cứu người - xin hiến thường xuyên” nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên hiến máu và sẵn sàng hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp. Chương trình do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu TW và các đơn vị tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW phát biểu tại buổi họp báo

Có người hơn 600 lần đi hiến máu dù đã 66 tuổi; có những bạn trẻ mới ngoài 20 nhưng cũng có hơn 30 lần tình nguyện hiến máu... tất cả đều hân hoan và hạnh phúc khi được hội tụ cùng nhau trong ngày đặc biệt của năm 2017 - Ngày Quốc tế Người hiến máu (14/6) do Việt Nam đăng cai tổ chức. Cũng trong chương trình này, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện sẽ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.

Người đàn ông 600 lần hiến máu và huyết tương

Đó là ông Floris Langendam, đại biểu người Hà Lan đã hiến máu và huyết tương gần 600 lần khi có mặt trong sự kiện toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức năm nay. Cùng vợ góp mặt trong ngày này, ông tâm sự, ông bắt đầu hiến máu toàn phần từ năm 1971. Sau đó, chủ yếu ông hiến huyết tương với chu kỳ là 1 lần/tháng và dần dần rút ngắn thời điểm lại là 2 tuần/lần.

“Giúp cho người bệnh cần máu, nên dù ở độ tuổi 68, tôi vẫn tham gia hiến huyết tương đều đặn 2 tuần/lần” - ông Floris Langendam nói

Ông Floris Langendam đến từ Hà Lan (người ngồi bên cạnh là vợ ông) đã có 600 lần hiến máu và huyết tương

Một gương mặt cũng khiến tất cả cũng phải trầm trồ thán phục là ông Yudhbir Singh, Chủ tịch Hội truyền máu và miễn dịch huyết học Ấn Độ. Nhiều năm qua, ông đã tổ chức hơn 5.000 buổi hiến máu và tuyển chọn hơn 500.000 người tham gia hiến máu, được ghi tên vào sách Kỷ lục Limca (sách kỷ lục của Ấn Độ) hai lần.

"Sẽ tiếp tục hiến máu đến khi không còn khả năng"

Việt Nam - nước đại diện châu Á đăng cai sự kiện toàn cầu Ngày Quốc tế Người hiến máu cũng mời 100 đại diện tiêu biểu với những số lần hiến máu và thành tích rất đáng nể trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Việt Huyết học và Truyền máu TW cho biết, người hiến máu nhiều nhất tại Việt Nam là anh Nguyễn Hữu Thuận (TP Hồ Chí Minh) với 86 lần hiến máu và có lần hiến tới 2 đơn vị máu.

Từng đạp xe 50km để đi hiến máu, thậm chí vay mượn tiền để làm lộ phí, anh Trần Nguyên Dũng (TP Hồ Chí Minh) đã hiến máu 61 lần cho biết, anh bắt đầu hiến máu từ hồi trẻ, khi con của người bạn anh mắc bệnh hiểm nghèo, cần máu để duy trì sự sống. Từ đó, anh thấy mình “cứ cho đi là khỏe”, nên duy trì việc hiến máu đều đặn. Làm thêm nghề bảo vệ để trang trải cuộc sống, anh tiết lộ “phải giữ sức khỏe lắm, đặc biệt không rượu bia mới tự tin đi hiến máu chứ

“Đến nay số lần hiến máu của tôi đã là 61 lần và tôi vẫn sẽ tiếp tục hiến máu, hy vọng đạt đến 100 lần, tôi sẽ hiến máu đến khi nào không thể hiến được mới thôi và tôi cũng mong mọi người cùng tích cực hiến máu bởi đây là hành động cao quý”- Anh Dũng nói.

Đặc biệt, không chỉ tự bản thân mình hiến máu mà anh Dũng còn vận động cậu con trai cả đang là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm TW 3 hiến máu đã 13 lần.

Anh Trần Nguyên Dũng đã hiến máu 61 lần và cho biết sẽ hiến máu đến khi không còn khả năng

Với 42 lần hiến máu, anh Phạm Xuân Hiền (Đội trưởng đội Ngân hàng máu sống - TP Bà Rịa - Vũng Tàu), bày tỏ dù mỗi người có quan điểm sống khác nhau, song với tôi, được giúp đỡ mọi người, được sẻ chia giọt máu hồng mà mang lại sức khỏe, tính mạng cho nhiều người khác là niềm hạnh phúc vô bờ.

Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Phạm Nguyễn Hồng Châu đến từ Quảng Nam cho biết anh đã 36 lần tham gia hiến máu, trong đó có 7 lần hiến máu sống. Trong câu chuyện  người đàn ông nhỏ bé này kể, trong suốt quá trình hiến máu của mình, anh nhớ mãi lần cách đây không lâu khi nhận được thông tin về trường hợp một sản phụ bị sinh non mà đang cần máu để truyền nếu không sẽ nguy kịch cả mẹ và thai nhi đang ở Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Nam. Lúc đó dù không ở gần, anh Châu đã vội vã đến ngay bệnh viện để kịp hiến máu sống, cứu sản phụ và thai nhi.

“Tôi coi việc hiến máu của mình để cứu người khác như là một sự trả ơn với những “người dưng” đã hiến máu cứu sống tôi khi tôi bị tai nạn giao thông nguy kịch tính mang, phải truyền máu mới có thể phẫu thuật được và sống đến hôm nay”- anh Châu nói.

Ngoài ra, còn rất nhiều gương mặt rạng rỡ khác, họ đến với ngày này như một cơ hội được nhân lên niềm hạnh phúc như chị Trịnh Lan Anh, nữ thủ lĩnh phong trào hiến máu tại Hà Nội đã hiến máu 17 lần; anh Đào Trọng Hưng (quản lý Ngân hàng máu sống tỉnh Thanh Hóa) có số lần hiến máu xấp xỉ bằng tuổi đời (22 tuổi có 21 lần hiến máu)...

Anh Nguyễn Phạm Hồng Châu coi việc hiến máu là để trả ơn những "người dưng" đã hiến máu cứu anh khi anh bị tai nạn giao thông

Việt Nam phấn đấu có khoảng 2% dân số hiến máu tình nguyện

Trên toàn thế giới, có khoảng 74 quốc gia có 90% số người đi hiến máu là tình nguyện. Những năm qua, có khoảng 1,6% số dân Việt Nam đi hiến máu, đạt khoảng 97% là hiến máu tự nguyện không lấy tiền.

TS Ngô Mạnh Quân - Trưởng Khoa Vận động hiến máu (Viện Huyết học và Truyền máu TW) cho biết, phấn đấu đến 2020, sẽ có khoảng 2% dân số Việt Nam đi hiến máu và 100% số người tham gia hiến máu là tình nguyện (chấm dứt tình trạng bán máu lấy tiền hoặc người nhà cho máu).

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bày tỏ, nhờ có những đóng góp âm thầm của những người hiến máu mà phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt nam ngày càng phát triển bền vững, tinh thần dân tộc và lòng nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ. Chính điều đó đã làm cho mỗi con người và cho cả xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Thế giới cũng xích lại gần nhau hơn khi mỗi người đều sẵn sàng sẻ chia sự sống - giọt máu của chính mình cho người bệnh.

GS.TS cũng Nguyễn Anh Trí khẳng định, với những hoạt động thiết thực của Việt Nam trong nhiều năm qua như Lễ hội Xuân Hồng; Hành trình đỏ, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm được sự ủng hộ của cộng đồng trong việc hiến máu tình nguyện và hiến máu nhắc lại thường xuyên, nhằm xây dựng nguồn máu sống dự trữ cho cộng đồng.

Diễn ra từ ngày 11 -14/6 tại Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Phú Thọ, Ngày Quốc tế hiến máu năm nay sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa như đạp xe vận động hiến máu với sự tham gia của các tình nguyện viên đạp xe từ Iran đến Việt Nam; Hội thảo quốc tế Phát triển nguồn hiến máu an toàn, ổn định; hành trình về miền di sản; lễ báo công dâng Bác; chương trình gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, nổi bật nhất là “Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6-2017” được tường thuật trực tiếp tại ba điểm cầu Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh vào ngày 14/6.

Thái Bình
Ý kiến của bạn