Vây cá mập bổ hay độc?

05-03-2012 16:38 | Thời sự
google news

Mới đây, giới khoa học Mỹ lên tiếng cảnh báo vi cá mập chứa độc tố thần kinh, có thể khiến não bị tổn thương ở người, gây ra bệnh Alzheimer và bệnh Lou Gehrig!

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Mới đây, giới khoa học Mỹ lên tiếng cảnh báo vi cá mập chứa độc tố thần kinh, có thể khiến não bị tổn thương ở người, gây ra bệnh Alzheimer và bệnh Lou Gehrig!

Buồn cho thực khách

Các nhà khoa học xác định độc tố thần kinh đó có tên hoá học là beta-n-methylamino-L-alanin (viết tắt BMAA). Không phải bây giờ người ta đề cập đến BMAA mà từ những năm 1950 người ta đã lưu ý đến tác hại của độc tố này.

Khi đó, các nhà y học có ghi nhận một bộ phận dân bản xứ ở đảo Guam bị một phức hợp rối loạn thần kinh, bao gồm bệnh xơ cứng bên teo cơ kết hợp với bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ (ALS/PDC). Đặc biệt, tỷ lệ người dân đảo Guam bị ALS/PDC cao gấp 50 - 100 lần so với nhiều nước. Khi đó, người ta không tìm được nguyên nhân bệnh của ALS/PDC do sự nhiễm các mầm bệnh như vi khuẩn, virút…

Đến năm 1955, người ta hướng đến tìm nguyên nhân ALS/PDC từ môi trường. Người ta ghi nhận người dân đảo Guam thường ăn hạt của một loại cây tuế (tên khoa học Cycas circinalis) và ăn cả một loại dơi thích ăn hạt cây tuế. Người ta phát hiện hạt cây tuế có chứa BMAA, đặc biệt thịt của con dơi ăn hạt cây tuế thì chứa BMAA gấp hàng trăm lần so với hạt. Như vậy, nguyên nhân con người bị ALS/PDC là do BMAA.

Đến năm 2009, tác hại của BMAA lại nổi rộ lên khi các nhà khoa học ở trường đại học Miami phát hiện 12 mẫu não của người bệnh Alzheimer tử vong và 13 mẫu não của người bệnh Lou Gehrig (bệnh Lou Gehrig chính là bệnh ALS) có chứa BMAA. Đưa đến người ta nghi ngờ bệnh Alzheimer và Lou Gehrig có thể do BMAA gây ra.

Mới đây, một nghiên cứu cũng của các nhà khoa học thuộc đại học Miami được đăng trên tạp chí Dược phẩm từ biển (Marine Drugs) đã phát hiện trong vi cá mập có nồng độ rất cao BMAA và đưa ra nghi ngờ vi cá mập có nguy cơ gây bệnh Alzheimer và Lou Gehrig, do người ta ăn loại thực phẩm được đồn đại là bổ dưỡng và trị được bệnh nan y này. BMAA không chỉ có trong hạt cây tuế và dơi ăn hạt cây tuế trên đảo Guam mà chất độc hại thần kinh này còn có trong tảo xanh vốn rất nhiều trong biển cả thường được gọi bằng tên cyanobacteria (tảo này chính là quần thể vi khuẩn có màu xanh lục). Do đó, có thể đưa ra giả thuyết vi cá mập chứa BMAA vì đã tiếp xúc với tảo xanh vừa kể.

Phát hiện vi cá mập có chứa độc tố thần kinh BMAA được xem chỉ mới bước đầu, vẫn cần nhiều nghiên cứu để khẳng định vi cá mập có thật sự gây ra bệnh Alzheimer và Lou Gehrig hay không.

Vui cho môi trường

Từ lâu, con người tìm cách tận diệt cá mập vì cho rằng vi loài cá này có giá trị dinh dưỡng rất cao và trị được bệnh ung thư. Thật ra, người ta đã thổi phồng quá đáng về tác dụng và giá trị dinh dưỡng của vi cá mập. Hàm lượng các chất dinh dưỡng, đặc biệt, protein (tức chất đạm) của vi cá mập chỉ tương đương trứng và các loại thịt khác. Còn lời đồn đại “vi cá mập chữa được bệnh ung thư” đã dựa vào một chứng cứ không mang tính khoa học chút nào là “cá mập không bao giờ bị ung thư”. Cho tới nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ vi cá mập chữa trị hoặc phòng ngừa được một loại bệnh ung thư nào đó.

Bên cạnh nghiên cứu cho thấy vi cá mập chứa BMAA gây độc hại thần kinh kể ở trên, người ta còn phát hiện trong vi cá mập có thể chứa hàm lượng cao methylmercury là hợp chất thuỷ ngân gây tác hại cho sức khoẻ con người. Đây đúng là những tin buồn cho những ai thích ăn món ngon vật lạ nhưng là tin vui cho nhiều loài động vật đang trong nguy cơ tuyệt chủng.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (theo SGTT)


Ý kiến của bạn