“Vất vả” quá!

09-04-2012 11:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

Càng ngày, hoạt động văn hóa càng đa dạng. Xu hướng lành mạnh là phổ biến, nhưng xem ra xu hướng lệch chuẩn cũng không vừa, tạo ra một cảnh tượng tất tưởi, thậm chí rất “vất vả” cho nhiều người.

Càng ngày, hoạt động văn hóa càng đa dạng. Xu hướng lành mạnh là phổ biến, nhưng xem ra xu hướng lệch chuẩn cũng không vừa, tạo ra một cảnh tượng tất tưởi, thậm chí rất “vất vả” cho nhiều người.
 
1. Nhớ lại dịp xuân Nhâm Thìn, Ban tổ chức Hội Lim đề xuất một cảnh đông người hiếm thấy: 3.500 liền anh liền chị cùng hát quan họ với mong muốn xác lập kỷ lục quốc gia và xa hơn nữa... Từ nhiều năm qua có một điều đã thành nhàm chán là, hết chuyện chiếc bánh chưng này, đến chiếc áo dài kia lập kỷ lục, giờ đây đến quan họ. Xem ra để được ghi vào sách kỷ lục, Ban tổ chức đã đề xuất một ý tưởng không mới lạ, đơn điệu nhưng lại tạo sự “vất vả cho nhiều người quá!”.
 
2. Gần đây tràn ngập các thông tin về mốt khoe thân của các “ngôi sao” giải trí. Đến khi bị truyền thông, dư luận phê phán lại ra sức thanh minh. Người thì mượn danh các mục đích cao cả như “cởi vì môi trường”, kẻ lại cho mình là “vị nghệ thuật”, kẻ rớt nước mắt oán trách không biết đứa nào ác ôn đã đánh cắp “ảnh tự sướng” của mình tung lên mạng… Xem ra để thành người nổi tiếng, các nhân vật của làng giải trí Việt vất vả trong các “chiêu, trò” quá! Cởi đồ hay sự khủng hoảng giá trị? Những trò lố hay chỉ là đòn bẩy truyền thông câu khách? Quản lý kiểu gì đây? Cơ quan chức năng vẫn đang “nghiên cứu”?!
 
3. Làn sóng Hàn Quốc liên tục hoành hành trên toàn châu lục với sức cuốn hút không thể cưỡng lại được. Các bài hát trong bảng xếp hạng MTV Á châu chủ yếu thuộc về K-Pop (nhạc Hàn), lại luôn được các nhà đài cập nhật nên sự ái mộ các ngôi sao đến từ xứ sở kim chi của giới trẻ Việt cũng không có gì lạ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của các gương mặt đang “hot” của K-Pop trong chương trình ca nhạc miễn phí “Đại nhạc hội Việt-Hàn” hôm 15/3 vừa qua đã tạo ra một “cơn sốt” trong việc đi săn vé.
 
Thế là giới trẻ Hà thành vốn thanh lịch nhưng với dáng vẻ tất tưởi xen lẫn lo âu ra sức nhờ vả người quen, kiếm tìm các mối quan hệ để xin vé, săn vé… tạo thành cảnh xin xỏ, nài nỉ bấn loạn vì thần tượng. Nhiều vé được lợi dụng bán ra chợ đen đến vài triệu đồng/cặp. Và cuối cùng còn là cảnh hàng nghìn thanh niên chen nhau nghẹt thở tại Trung tâm hội nghị Quốc gia la hét đòi mở cổng xem chương trình. Thưởng thức văn nghệ đỉnh cao của các minh tinh xứ Hàn, lại được miễn phí, mà sao vất vả quá?
 
4. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua đã có nhiều cố gắng trong khâu tổ chức, nhưng dòng người đổ về quá đông, dẫn đến cảnh tượng đua chen chật chội vô cùng. Người sức khỏe yếu chỉ còn cách vái vọng Vua Hùng từ xa mà không thể chen lấn dâng lễ cho Ngài như những người khỏe mạnh khác. Một số lễ hội lớn còn xuất hiện tình trạng những người có chức quyền thường được “ưu tiên” nhận lộc thánh trước, trong khi bao người dân phải chen lấn, xô đẩy dẫm đạp lên nhau mới có được chút lộc cầu may mang về.
 
Rất vất vả?!… Chưa hết, còn vất vả cho việc quản lý nguồn thu công đức, vốn rất lộn xộn từ nhiều năm qua. Trách nhiệm quản lý thì đùn đẩy, nhưng quyền lợi thì ai cũng muốn hưởng. Những đồng tiền đấy trôi nổi ở đâu? Ai thanh tra? Ai kiểm toán? Có phải chịu thuế thu nhập?… Đó cũng là nội dung một thông tư đang được cơ quan chức năng Bộ VH-TT&DL khởi thảo. Không biết khi thông tư này ra đời, việc quản lý tiền công đức có hết vất vả? 

Hạnh Nguyên


Ý kiến của bạn