Hà Nội

Vất vả nuôi ăn học, con cái thông đồng với người ngoài lừa tiền cha mẹ

02-06-2022 08:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời gian gần đây có nhiều đối tượng giả mạo thông báo của các trường đại học yêu cầu sinh viên đóng học phí theo phương thức chuyển khoản qua tài khoản cá nhân. Điều đáng lưu ý là, có trường hợp sinh viên bị lừa và cũng có trường hợp sinh viên thông đồng để lừa cha mẹ.

Muôn kiểu giả mạo đóng học phí

Theo bà Hoàng Thị Thoa - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thời gian gần đây có nhiều sinh viên và phụ huynh liên hệ với trường thắc mắc về việc đóng học phí.

Nhiều người cho biết đã chuyển tiền học phí vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Duy Hiếu - người xưng trưởng phòng kế hoạch tài chính của trường. Trước đó, một thông báo gia hạn đóng học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 được gửi đến email của sinh viên.

Theo thông báo này, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên trường gia hạn đóng học phí đến tháng 1-2022. Sinh viên đóng học phí bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Nguyễn Duy Hiếu - trưởng phòng kế hoạch tài chính. Trong khi đó, trưởng phòng kế hoạch tài chính của trường là người khác, không phải Nguyễn Duy Hiếu.

Cảnh báo tình trạng sinh viên thông đồng với người ngoài lừa tiền cha mẹ - Ảnh 1.

Cảnh báo của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM với sinh viên về tình trạng giả mạo lừa đảo học phí.

Bà Thoa cho biết, đã có nhiều sinh viên chuyển học phí vào tài khoản này. Ngoài việc sinh viên bị lừa, đáng chú ý còn có tình trạng sinh viên thông đồng với người ngoài lừa tiền cha mẹ. Cụ thể, khi phụ huynh liên hệ trường để xác nhận đóng học phí cho con nhưng trường kiểm tra mới phát hiện con của phụ huynh này không theo học tại trường. Phụ huynh cho biết đã đóng học phí nhiều lần theo yêu cầu của con mình.

Trước đó, nhiều trường đại học cũng phát đi thông báo lưu ý sinh viên về tình trạng có người mạo danh nhà trường nhắn tin yêu cầu đóng học phí. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như dụ dỗ các tân sinh viên đóng học phí hộ hoặc tham gia vào các nhóm chat trên facebook và zalo của một khoa sau đó nhắn tin về việc phải đóng học phí. Táo tợn hơn, có đối tượng còn mạo danh giám đốc ngân hàng gọi điện xác minh khiến sinh viên dễ dàng tin tưởng chuyển tiền.

Cảnh báo của nhà trường

Bà Hoàng Thị Thoa lưu ý với sinh viên và phụ huynh: "Nhà trường cảnh báo đến quý phụ huynh, học viên, sinh viên và học sinh không thu học phí qua tài khoản cá nhân, chỉ thu học phí qua 2 tài khoản mang tên của nhà trường. Sinh viên và phụ huynh lưu ý để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa tiền".

Cảnh báo của trường đều khẳng định khi thu học phí hoặc bất kỳ khoản thu nào, nhà trường đều ban hành văn bản kèm theo thông tin cụ thể số tài khoản của trường và được đăng trên các kênh thông tin chính thống của trường.

Do vậy, khi nhận được các thông báo đóng tiền từ những nguồn không rõ ràng, không chính thống, sinh viên cần liên hệ cố vấn học tập, văn phòng khoa hoặc trang thông tin chính thức của trường để xác thực thông tin trước khi tiến hành chuyển khoản.

Đối với các tân sinh viên không giao dịch tiền đóng học phí với bên thứ ba. Khi đóng học phí, người học phải chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng của trường thông qua hình thức internet banking hoặc tại phòng giao dịch của ngân hàng theo thông tin mà trường đã thông báo. Sinh viên tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản và thông tin cá nhân cho những người không quen biết.

Tăng học phí có đi đôi với chất lượng?Tăng học phí có đi đôi với chất lượng?

SKĐS - Trong tuần qua, bên cạnh những ý kiến chưa đồng tình về việc tăng học phí trong thời điểm này thì nhiều người đặt câu hỏi: "Việc tăng học phí có giúp cho chất lượng học tập tốt hơn?".



ĐV
Ý kiến của bạn