Vất vả lo đám cưới khiến chú rể phát bệnh phải nhập viện tâm thần

04-04-2019 06:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyện thật như đùa này được TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Phòng điều trị Rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ với báo chí vào chiều 3/4/2019. Điều này cũng báo động một thực trạng các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng, trung bình mỗi ngày Viện Sức khoẻ tâm thần khám cho hơn 300 bệnh nhân.

TS.BS Dương Minh Tâm cho biết, chàng thanh niên 28 tuổi này làm nghề lái xe. Anh là con trai cả trong gia đình, nên rất hay có tâm lý lo lắng, cầu toàn mọi việc. Cách đây khoảng một năm, khi tính chuyện xây dựng gia đình riêng, anh này gặp rất nhiều căng thẳng.

"Những lo lắng của chú rể tương lai cũng giống như bao chàng trai khác là lo về đám cưới, lo tiền bạc, cuộc sống hôn nhân sau này... Nhưng ở thanh niên này lại lo quá mức về sức khỏe, kinh tế, sau cưới có hợp nhau, không, rồi lo lan man rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống đến mức đổ bệnh.

Anh này lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình. Anh còn lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường"- chuyên gia sức khỏe tâm thần cho hay.

Sau đó, mặc dù đám cưới vẫn diễn ra nhưng suốt gần nửa năm sau đám cưới, bệnh nhân vẫn không thoát khỏi tình trạng lo lắng và ngày một trầm trọng thêm. Anh ta bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình, mệt mỏi nhiều, nặng hơn về chiều tối, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi.

TS.BS Dương Minh Tâm chia sẻ với báo giới về các rối loạn stress.

 

Không những thế, bệnh nhân còn thấy nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn. Cao 1m65 nhưng nam thanh niên chỉ nặng hơn 55kg, cảm giác hay nóng ruột gan, khó tập trung, khó thư giãn, đau căng tức đầu. Thấy sức khỏe giảm sút, anh này nghỉ việc và đi khám khắp các viện, từ bệnh viện tỉnh, trung ương, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường.

Chỉ đến khi đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán: Rối loạn lo âu lan tỏa - một dạng nhẹ của rối loạn tâm thần.

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, trường hợp bệnh nhân trên là một trong số vô vàn các trường hợp khác đến khám tại Viện sau khi đi khám rất nhiều các chuyên khoa khác. Người dân rất ít nghĩ đến mình bị rối loạn stress, rối loạn lo âu mà thường đi khám các bệnh khác, dẫn đến dễ chẩn đoán nhầm hoặc điều trị muộn khiến việc điều trị khó khăn.

Báo động ngày càng tăng bệnh nhân tâm thần

Trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe Tâm thần khám cho khoảng hơn 300 mắc các chứng rối loạn tâm thần, stress. Ở nước ta, Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Đây là một con số đáng báo động.

Theo TS. Tâm, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán là lo âu, làm gia tăng các chi phí không cần thiết. Trong khi chi phí điều trị các rối loạn lo âu cao hơn nhiều so với các bệnh nội khoa khác.

Bác sĩ trò chuyện cùng bệnh nhân đang điều trị rối loạn stress.

 

Các chuyên gia cho biết, stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Ở xã hội hiện đại, stress đến do áp lực công việc, học tập… Nghệ sĩ ngoài nghiệp diễn còn phải lo giữ hình ảnh, người lao động lại lo chạy chỉ tiêu, định mức công việc…

"Stress thì ai cũng gặp phải trong cuộc sống, nhưng một người có nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh.

Trong khi đó, một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục” – chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết.

 

Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Các bác sĩ cho rằng, rối loạn trầm cảm là rối loạn có thể chữa được để bệnh nhân ổn định và tái hòa nhập với xã hội, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng để bệnh nhân tuân thủ điều trị. Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, và cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng.

Bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Như vậy, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, giúp sức chúng ta sẽ giúp được rất nhiều bệnh nhân trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm từ đó giúp người bệnh có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn

Dương Hải
Ý kiến của bạn