Vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách

08-10-2023 14:00 | Dinh dưỡng

Người mẹ đang nuôi con bú, nếu phải đi làm xa nhà thì vẫn thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ được, nếu như bạn biết cách vắt và bảo quản sữa mẹ.

Vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách - Ảnh 1.

Vai trò của sữa mẹ

Sữa mẹ là món quà quý giá nhất mà mẹ tặng cho con để nuôi dưỡng thể chất và tinh thần con trong suốt cuộc đời, Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh.

Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu, thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ, kích thích sự phát triển của não. Sữa mẹ phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.vì trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp cho trẻ có được một hệ miễn dịch tốt trong nhưng tháng vừa chào đời. Sữa mẹ dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả, cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu; Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.

Nuôi con bằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích cho bà mẹ. Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ nhau nhanh và tránh mất máu cho mẹ. Trẻ bú mẹ kích thích co hồi tử cung tốt. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên giúp phòng cương tức sữa cho mẹ. Trẻ bú mẹ sẽ tiết kiệm chi phí ( Không phải mua sữa ngoài). Giúp tăng cường tình cảm mẹ con. Tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, cổ tử cung). Chậm có kinh trở lại, hạn chế nguy cơ có thai sớm.

Cách vắt và bảo quản sữa mẹ

Dưới đây là cách vắt và bảo quản sữa mẹ theo hướng dẫn của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng

Cách vắt sữa bằng tay: Chọn cốc/ly có miệng rộng: rửa cốc bằng xà phòng và nước sạch. Đổ nước sôi vào cốc, khi nào vắt thì đổ nước đi. Rửa tay trước khi vắt sữa; Mẹ ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và hứng cốc kề sát vú; Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ và các ngón tay khác phía dưới vú và quầng vú, đối diện với ngón tay cái.

Thực hiện các động tác sau: Ấn vào thành ngực bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ ấn một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. ÉP phía sau núm vú và quầng vú. Ép vào rồi thả ra nhiều lần các xoang sữa ở trong quầng thâm của vú. Xoay ấn xung quanh quầng vú tương tự ở nhiều phía để vắt được sữa từ toàn bộ vú. Không ấn vào núm vú. Vắt từng bên tối thiểu từ 3 - 5 phút (khi sữa chảy chậm lại thì chuyển bên kia), sau đó vắt cả hai bên. Cần 20 - 30 phút để vắt sữa, đặc biệt trong một vài ngày đầu khi sữa chưa về nhiều.

Bảo quản sữa mẹ: Những trường hợp cần vắt sữa cho trẻ uống để lại sữa cho con khi mẹ đi làm; Nuôi trẻ nhẹ cân, không thể bú mẹ được; Nuôi trẻ bệnh, không thể bú được; Duy trì nguồn sữa mẹ khi bà mẹ hoặc trẻ bị ốm; Giúp trẻ ngậm bắt vú dễ hơn khi bầu vú căng đầy; Giúp cải thiện tình trạng cương tức vú; Khi căng sữa mà mẹ đang không ở gần nhà để cho con bú được (đi làm...).

Cách bảo quản: Bình chứa nên làm bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín. Chỉ để từ 60 - 120ml sữa trong bình chứa (lượng sữa trẻ thường bú trong một bữa bú) để tránh nhiễm bẩn khi san sẻ và lãng phí nếu trẻ không bú hết.

Nếu để sữa trong ngăn đá tủ lạnh: Không nên đổ đầy sữa vào bình, để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn sữa lỏng. Làm nóng sữa bảo quản bằng cách ngâm bình sữa vào nước nóng hoặc dội nước nóng xung quanh bình sữa. Không đun sôi sữa, không làm nóng sữa bằng lò vi sóng

Bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng tốt nhất là 4 tiếng, có thể để từ 6-8 tiếng ở nhiệt độ 19-26 độ C. Trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 3 -8 ngày ở nhiệt độ dưới 4 độ C và trong ngăn đá tủ lạnh là 6-12 tháng ở nhiệt độ -12 đến -18 độ C.

Một số nguyên tắc khi cho trẻ bú mẹ

• Giúp trẻ ngậm bắt vú tốt ngay từ bữa bú đầu tiên

• Cho trẻ bú bữa đầu tiên ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh

• Cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm

• Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

• Mỗi lần bú, cho trẻ bú hết sữa bên vú này rồi mới chuyển sang bên kia

• Không cho trẻ bú bình, ngậm núm vú cao su

• Nếu trẻ ốm vẫn tiếp tục cho bú và bú lâu hơn, nhiều lần hơn

• Khi trẻ đến tuổi ăn dặm (ngoài 6 tháng tuổi), nên cho trẻ bú sữa mẹ trước

khi ăn thêm các thức ăn khác. Ăn bổ sung hợp lí và tiếp tục cho trẻ bú mẹ

đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.



PV
Ý kiến của bạn