Hà Nội

Vật dụng cá nhân của người bệnh cũng có thể gây nhiễm khuẩn bệnh viện

Ths Nguyễn Đình Hưng

Ths Nguyễn Đình Hưng

Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn

05-10-2017 14:37 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ths. Nguyễn Đình Hưng- Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, những vật dụng cá nhân của bệnh nhân, thức ăn, đồ uống hay thậm chí cả những người thăm nuôi khi vào bệnh viện cũng trở thành một yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bên cạnh vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) từ chính môi trường bệnh viện, từ nhân viên y tế, Ths Nguyễn Đình Hưng cho phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống biết, NKBV còn xuất phát từ chính bệnh nhân và người nhà của họ. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi của Ths Nguyễn Đình Hưng với báo chí về vấn đề này.

Ths. Nguyễn Đình Hưng- Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn

Phóng viên: Thực trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện hiện nay diễn ra thế nào? Bệnh viện Xanh Pôn đã có thống kê nào về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện chưa?

Ths Nguyễn Đình Hưng: Khi người bệnh nhập viện, một trong những điều người bệnh lo ngại nhất là làm sao để không bị nhiễm khuẩn. Nhân viên y tế chúng tôi cũng vậy, giữ sự an toàn người bệnh là số 1 và tuân thủ theo nguyên tắc không hại cho người bệnh. Trong những nguy cơ làm người bệnh mất an toàn nhất là vấn đề nhiễm khuẩn đặc biệt những bệnh nhân nặng phải mổ xẻ, nằm hồi sức, thực hiện các can thiệp như đặt ống thở, đặt ống xông. Thực trạng tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện Việt Nam theo báo cáo khoảng 7%, các nước tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn khoảng 5%.

Hiện nay chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tốt nhất nhiễm khuẩn bệnh viện. Cuối năm nay chúng tôi sẽ thống kê cụ thể. Trong vòng 3  năm trở lại đây, BV Xanh Pôn đã cải thiện từ vệ sinh ngoại cảnh, bệnh viện xanh sạch đẹp, ít mùi bệnh viện hơn. Đặc biệt trong khu phẫu thuật và khu hồi sức, chúng tôi đã tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, không chỉ vệ sinh bàn tay. Kết quả của việc tuân thủ quy trình đó là chúng tôi đã thực hiện được những kỹ thuật rất khó như ghép tạng.  Cách đây 2 tuần, chúng tôi đã thực hiện cùng lúc 2 ca ghép tạng trong cùng 1 ngày và hôm nay bệnh nhân được xuất viện mà không có nhiễm khuẩn.

Nguy cơ lớn nhất đối với bệnh nhân ghép tạng là nhiễm khuẩn, bởi bệnh nhân thường phải dùng thuốc ức chế miễn dịch. Hệ miễn dịch cơ thể người bệnh ghép tạng giảm, do vậy kiểm soát nhiễm khuẩn trong ghép tạng là vấn đề hàng đầu, từ khâu chuẩn bị mổ, trong mổ và sau mổ. Sau mổ bệnh nhân ghép tạng bị cách ly, khi bác sĩ, nhân viên y tế  khám bệnh cho người bệnh không những rửa tay mà còn phải thay quần áo, đeo khẩu trang, mũ, găng tay mới được khám.

Ths Nguyễn Đình Hưng rửa tay phòng NKBV trong Lễ phát động chiến dịch Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay

Phóng viên: Tại bệnh viện Xanh Pôn có gặp những trường hợp bị đa kháng do tuyến dưới chuyển lên hay không?

Ths Nguyễn Đình Hưng: Chúng tôi lo lắng nhất với các bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng, thường lây nhiễm từ bệnh viện đến các bệnh viện. Với những bệnh nhân nặng phải chuyển viện, chứng tỏ bệnh nhân đã qua rất nhiều bệnh viện khác nhau, chủ yếu là các khoa hồi sức, hay bệnh nhân phải dùng nhiều kỹ thuật như thở máy, đặt ống thở, hay phẫu thuật,  khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng gặp những trường hợp như vậy, khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đa kháng, việc điều trị rất phức tạp, ngoài việc sử dụng kháng sinh hợp lý, thường phải sử dụng nhiều kháng sinh một lúc. Thứ 2 là cần đảm bảo tuyệt đối quy trình nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm từ bệnh nhân đó sang bệnh nhân khác.

Phóng viên: Bệnh viện Xanh Pôn có gặp khó khăn nào không trong KSNK?

Ths Nguyễn Đình Hưng: Khó khăn của Bệnh viện Xanh Pôn cũng như các bệnh viện khác. Kiểm soát nhiễm khuẩn không chỉ là của một bệnh viện mà là vấn đề của toàn hệ thống. Khi chúng tôi nhận bệnh nhân từ tuyến dưới lên có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, hay khi chúng tôi chuyển bệnh nhân của mình lên bệnh viện Trung ương cũng như  khi bệnh viện trung ương điều trị rồi lại chuyển về chúng tôi… những trường hợp chuyển viện như vậy rất dễ mang theo các mầm bệnh từ nơi khác tới, những mầm bệnh đã tồn tại trong bệnh viện thường là mầm bệnh đa kháng.

Phóng viên: Bên cạnh vấn đề  NKBV từ chính môi trường bệnh viện còn có một vấn đề NKBV từ chính bệnh nhân và những người tới bệnh viện. Ông có lời khuyên nào với người dân đề phòng NKBV giúp cho việc chữa trị bệnh hiệu quả?

Ths Nguyễn Đình Hưng: Tôi có lời khuyên là người dân khi đến bệnh viện, kể cả khám bệnh hay thăm bệnh, nên tuân thủ tuyệt đối quy trình mà bệnh viện đặt ra. Có rất nhiều vấn đề gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện từ chính người bệnh và người thân của họ. Ví dụ như nếu người nhà vào thăm bệnh nhân nhiều quá cũng dễ mang mầm bệnh từ ngoài vào cho bệnh nhân và cả bệnh nhân khác. Hay khi bệnh nhân mang các vật dụng cá nhân như gối, quần áo, đồ ăn… vào bệnh viện đều có thể trở thành nguồn gây nhiễm khuẩn. Người Việt chúng ta thường có thói quen một người nhà nằm viện rất nhiều người tới chăm, họ mang vi khuẩn từ khắp nơi tới viện khiến cho việc kiểm soát rất khó khăn.  Chính vì thế ở khu điều trị bệnh nhân nặng chúng tôi phải cách ly và hạn chế vào thăm, và khi vào thăm phải tuân thủ quy định như rửa tay, mặc áo, thay giầy. Tiến tới chúng tôi có thể nghiên cứu và đưa ra quy định một người nhập viện chỉ được mang tối thiểu vật dụng gì vào viện mà thôi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông


Hải Yến (ghi)
Ý kiến của bạn