Vật cản từ những “quy định”

20-07-2014 18:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng HSBC trong báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng đầu năm đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng HSBC trong báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng đầu năm đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam. WB dự báo Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,4% (giảm 0,1% so với mức 5,5% mà chính WB đưa ra hồi đầu tháng 6/2014 trong báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu). Còn các chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,5% (cũng giảm 0,1% so với mức dự báo 5,6% HSBC đưa ra trước đó). Đáng chú ý, nguyên nhân được cả WB và HSBC đưa ra khá giống nhau: tổng cầu trong nước còn yếu, chưa có nhiều cải thiện trong khi Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh.

Công bằng mà nói, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm  2014 của Việt Nam ước đạt 5,18%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước, nhưng như nhận định của các định chế tài chính quốc tế, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế vẫn còn đó. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng thừa nhận, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, nhất là cầu đầu tư.

Một nền kinh tế phát triển phải bắt đầu từ những quan hệ kinh tế thông thoáng và trước hết, cần sớm giải quyết những điểm nghẽn về thể chế qua những quy định. Những quy định hiện nay nhiều khi thiếu thống nhất, mỗi khâu, mỗi bộ phận đều có những quy định riêng và doanh nghiệp phải vượt qua những hàng rào quy định khiến vòng quay bị chậm nếu chưa nói là bị cản trở. Nhiều khi trong quản lý gặp khó khăn, thay vì tháo gỡ dựa trên thực tế lại xuất hiện quy định cấm, chặn khiến bế tắc càng thêm bế tắc. Nhiều khi quy định ban hành nhưng thiếu tính khả thi là đất sống cho tiêu cực khi người thực thi có thể “nguyên tắc cứng nhắc” hay “linh hoạt vận dụng”. Chọn cách nào lại tùy thuộc đối tượng “biết điều” và “mong thông cảm”.

Dư luận đã có chuyện hài hước về hai quy định trái ngược nhau. Công an có quy định “Có công việc ổn định mới cho nhập hộ khẩu”. Bên tuyển người lại có quy định “Có hộ khẩu mới xét tuyển”. Và thế là xuất hiện chuyện “chạy” để rồi người làm được thì không được làm còn người được làm thì không làm được!

Những điểm nghẽn trong nhiều quy định chồng chéo đang hàng ngày cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực. Những điểm nghẽn quan trọng có thể kể đến là vấn đề quản trị doanh nghiệp nhà nước và vẫn duy trì ở diện rộng doanh nghiệp nhà nước; phân cấp, phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công; thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn, chưa tận dụng được sức ép đổi mới. Những điểm nghẽn ấy gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những quy định là cần thiết cho bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, quy định cần dựa trên thực tế để mang tính khả thi nhằm thiết lập trật tự trong sự phát triển. Khi quy định chỉ là phương tiện của người, tổ chức có quyền để “hành” hoặc chồng chéo, thiếu đồng bộ sẽ trở thành vật cản con đường phát triển của xã hội.

Trong kinh tế, điều kiện tiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế là đổi mới tư duy và thể chế cần được công phá quyết liệt qua những quy định cụ thể. Trong quá trình hội nhập, vấn đề chất lượng và tính minh bạch của những quy định cần thiết biết chừng nào. Những điểm nghẽn về hệ thống “quy định” nếu được giải quyết sẽ là chìa khóa quan trọng tạo điều kiện phân bổ và sử dụng các nguồn lực đất nước có hiệu quả, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, giúp nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn suy giảm.

Trần Lê


Ý kiến của bạn