Vào viện trong tình trạng say xỉn, người bệnh có được hưởng Bảo hiểm Y tế không?

21-03-2024 16:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp phải vào viện cấp cứu khi trong người có nồng độ cồn, thậm chí say rượu bia đến mức bất tỉnh. Vậy những trường hợp này có được hưởng chế độ Bảo hiểm Y tế hay không?

Luật sư Nguyễn Đức Đoàn, Công ty Luật TNHH một thành viên số một YB cho biết, Điều 23 Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định 12 trường hợp không được hưởng Bảo hiểm Y tế. Cụ thể là các trường hợp sau:

Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã được ngân sách nhà nước chi trả.

Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

Khám sức khỏe.

Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị

Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác

Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

C:\Users\Administrator\Desktop\ruou-bia.png

Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp phải vào viện cấp cứu khi trong người có nồng độ cồn, thậm chí say rượu bia đến mức bất tỉnh. Ảnh minh họa không liên quan đến bài viết

"Như vậy, trường hợp người bệnh vào viện mà có cồn trong hơi thở hoặc trong máu không thuộc các trường hợp không được hưởng Bảo hiểm y tế theo quy định. Vì thế, quyền lợi về chế độ Bảo hiểm y tế trong quá trình người bệnh điều trị không bị ảnh hưởng", luật sư Nguyễn Đức Đoàn thông tin.

Cũng chia sẻ về vấn đề nêu trên, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực – BV Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng say rượu bia tuy không ảnh hưởng đến chế độ Bảo hiểm Y tế, nhưng sẽ khiến quá trình tiếp nhận cấp cứu và điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

Cụ thể, bệnh nhân say rượu bia khó có thể cung cấp thông tin chính xác về tình trạng thương tích trong cơ thể, vì không đủ tỉnh táo. Hay khi tiếp nhận nạn nhân say rượu bia trong trạng thái bất tỉnh, nhân viên y tế sẽ khó phân biệt nguyên nhân bất tỉnh là do rượu bia hay bởi chấn thương sọ não.

"Việc người bệnh cung cấp thông tin không chính xác có thể làm ảnh hưởng đến việc chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể bỏ sót thông tin của bệnh nhân. Khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu có thể kéo theo việc bệnh nhân sẽ phải làm nhiều xét nghiệm, chụp chiếu đáng ra là không cần thiết.

Ngoài ra, trạng thái "nhiễu" kết quả khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu cũng có thể xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị", PGS.TS. Hoàng Bùi Hải phân tích.

PGS.TS. Hoàng Bùi Hải cũng cho biết thêm, người bệnh say rượu cũng có thể gây thêm áp lực cho nhân viên y tế. Thực tế, đã có những trường hợp người bệnh, hay người nhà đi cùng say rượu bia, mất kiểm soát, dẫn đến hành vi gây hấn, hành hung nhân viên y tế… Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến quá trình cấp cứu cũng như điều trị cho bệnh nhân.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Người bệnh tiểu đường sử dụng rượu bia trong ngày Tết như thế nào là an toàn?



Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn