Vào mùa sốt xuất huyết, bác sĩ cảnh báo biến chứng suy thận, gan

20-07-2017 09:56 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cảnh báo biến chứng hay gặp của sốt xuất huyết năm nay là tình trạng suy thận và tổn thương gan. Do vậy, mọi người cần theo dõi sát tình trạng bệnh để nhập viện điều trị kịp thời.

TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, miền Bắc hiện đang có số lượng bệnh nhân SXH tăng nhanh do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Mặt khác, người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế…

Bác sĩ kiểm tra nhiệt độ, thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại BV Bạch Mai.

“Biến chứng của SXH năm nay chúng tôi hay gặp là BN có tổn thương thận và tổn thương gan, xét nghiệm có creatinin máu tăng và tăng men gan. Đặc biệt, mọi năm rất ít gặp SXH ở người cao tuổi nhưng năm nay có 1 BN 85 tuổi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chơi với con cũng bị SXH. Cụ sốt cao liên tục, xét nghiệm men gan lúc đó trên 600 IU/L (gấp hơn 15 lần so với bình thường) và tiểu cầu cũng hạ thấp, chỉ còn 19 G/L.

Tuy nhiên, với sự theo dõi chặt chẽ và điều trị khẩn trương ngay từ đầu nên người bệnh đã ổn định và được ra viện, không phải truyền khối tiểu cầu và chức năng gan cũng đã trở về bình thường”- TS. Cường nói.

Theo dõi sát sao tránh biến chứng

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, từ đầu vụ dịch đến nay, mặc dù rất nhiều BN nặng đến nhập viện trong tình trạng sốc, trụy mạch, tụt huyết áp… nhưng đều được cấp cứu và điều trị ổn định, chưa có trường hợp nào tử vong.

Có rất nhiều BN nặng ở các tỉnh chuyển tới, như 1 trường hợp ở Hải Phòng, xét nghiệm tiểu cầu chỉ còn 7 G/L. Tuy nhiên người bệnh không có hiện tượng xuất huyết tự nhiên nên các bác sĩ quyết định chưa truyền tiểu cầu mà để theo dõi sát sao. Sau 5 ngày điều trị, BN đã ổn định, tiểu cầu đang bắt đầu tăng gần trở về mức bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và có thể xuất viện.

Bệnh nhân SXH điều trị tại phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Cũng theo BS Trà, nếu SXH ở những ngày đầu và chưa có những dấu hiệu cảnh báo thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định… Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao.

“Tuy chưa cần nhập viện nhưng khi bị SXH, người bệnh cũng cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hàng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc”- TS. Trà nói.

Các chuyên gia cho biết, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH, tùy theo thể trạng và giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol bù dịch. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị. Lúc đó người bệnh sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.


Dương Hải
Ý kiến của bạn