Vào mùa nắng nóng: Cảnh báo gia tăng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm

01-05-2016 19:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời tiết miền Bắc chuyển sang nắng nóng, vi sinh vật phát triển mạnh trong thức ăn, trong khi đó nhiều người sử dụng thức ăn để lâu, không được bảo quản tốt đã bị ngộ độc thực phẩm, khiến cho số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện có xu hướng gia tăng...

Thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hơn 2 tuần qua, trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm

Trung tâm chống độc cho biết do thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển mùa sang hè, số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện có xu hướng gia tăng, do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật.

Trong hơn 2 tuần qua, trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tuy số ca bệnh không tăng đột biến nhưng cũng cao gấp 4-5 lần so với thời điểm thời tiết lạnh. Nguyên nhân là thời tiết miền Bắc chuyển sang nắng nóng, vi sinh vật phát triển mạnh trong thức ăn; nhiều người sử dụng thức ăn để lâu, không được bảo quản tốt đã bị ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh phần lớn bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật có cả những trường hợp ngộ độc do hóa chất tồn dư trong thực phẩm nhưng triệu chứng không điển hình và kết quả xét nghiệm không rõ ràng nên khó quy kết nguyên nhân.

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong đầu mùa nắng nóng                                   Ảnh minh họa

Theo Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm an toàn, nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem tăng cao ở cả gia đình...

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong bối cảnh nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang hiện hữu, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chú ý bảo quản thức ăn đúng cách: “Người dân nên sử dụng thực phẩm được mua ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng về nhà cung cấp cấp, nhà phân phối, có nhãn mác và địa chỉ sản xuất, kinh doanh cụ thể. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế thức ăn thừa.

"Thực phẩm cần được bảo quan cẩn thận trong tủ lạnh trong thời gian ngắn nhất có thể, không lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm quá lâu. Bên cạnh đó phải tách biệt giữa thức ăn chín và sống, đồng thời đảm bảo nhiệt độ nấu thức ăn phải đầy đủ"- BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Cũng liên quan đến việc phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo mạnh mẽ người  tiêu dùng cũng cần tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng để chế biến thực phẩm, đồng thời không thu hái, đánh bắt, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, quả lạ...

Tránh bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm đã chế biến chung trong ngăn mát tủ lạnh

Người dân cũng cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn... để tránh bị ngộ độc thực phẩm

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ 17/12/2015 đến 17/4/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.386 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc.


Thái Bình
Ý kiến của bạn