Chia nhau đi tìm trò để đưa đến lớp
Chuyện đã quá thường với cô thầy Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhưng Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống thấy đặc biệt. Bởi từ sáng sớm, nhiều giáo viên của trường phải chạy từ nhà, từ trường vào bản của đồng bào Mã Liềng để tìm trò.
Ngược hơn 30 năm về trước, người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chủ yếu sống trong các hang đá hay trong những túp lều nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn. Sau quá trình kiên trì vận động của các cấp chính quyền, người Mã Liềng rời hang đá về định canh, định cư ở các bản Kè, bản Cáo, bản Chuối (xã Lâm Hóa); bản Cà Xen (xã Thanh Hóa) huyện Tuyên Hóa.
Sau thời gian dài, người Mã Liềng dần quen với cuộc sống hiện đại. Nhưng nhiều tập tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ vẫn chưa thể thay đổi, đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành của con cái.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa cho biết, năm học 2022-2023, trường có 84 học sinh, trong đó 50 học sinh là con em đồng bào dân tộc. Tình trạng học sinh trốn học, nghỉ học diễn ra khá thường xuyên, nhưng đặc biệt lại "nóng" sau các dịp lễ, Tết. Bởi sau thời gian nghỉ, nhiều học sinh lại không đến lớp mà theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy, rời bản đi làm thuê, có ý định lập gia đình... Vậy là các thầy, cô lại chia nhau đi "bắt" trò.
"Việc học sinh trốn học, nghỉ học diễn ra khá thường xuyên nên thầy cô vừa dạy vừa thu xếp đi tìm trò. Nhưng nhiều nhất là dịp sau Tết hay nghỉ hè, các em không chịu đến lớp, nhiều em đi vào rừng, vào rẫy cả tuần liền không về. Khi thầy cô vượt đường khó vào bản tìm thì nhiều em lại bỏ trốn. Vào bản chưa chắc là tìm được trò nên thầy cô có lúc phải "mật phục" để đợi trò, chở bằng được các em đến trường", thầy Tâm cho biết.
Các giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa chia sẻ, khó khăn nhất trong việc vận động học sinh ra lớp là các bậc cha mẹ không hợp tác. Có những trường hợp, thầy, cô phải đi 5-7 lần vẫn không thuyết phục được.
"Thầy cô cứ chia nhau đến nhà tìm, không thấy thì lên rừng, lên rẫy, quyết tâm phải đưa các em về trường. Nhận thức của các em và phụ huynh còn hạn chế nên thầy cô phải khéo léo. Chúng tôi cũng hay mua quà, kẹo bánh đầu năm để "phỉnh" học trò đến lớp, thế nhưng được bữa đầu, sang bữa sau các em lại trốn mất", cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa kể.
Vưa làm xe ôm, vừa làm bảo mẫu kiêm tuyên truyền viên
Theo thầy Tâm, việc học sinh nghỉ học có rất nhiều nguyên nhân như ngại đường xa từ bản tới trường, bỏ học lên rẫy phụ ba mẹ, muốn rời bản đi làm thuê, lập gia đình khi tuổi còn chưa đủ... Vậy nên những người giáo viên phải tìm hiểu câu chuyện của trò rồi "tốn hết nước bọt" để vận động các em trở lại trường. Các thầy cô nơi đây ngoài việc dạy học còn tự đảm nhận vai trò là "xe ôm"; "tuyên truyền viên" và nhiều nhiệm vụ khác.
"Các em cấp 1 trời lạnh, đường xa không muốn đến lớp thì còn dễ vì vào bản, đến tận nhà là đón được. Sợ là các con lớp 8, lớp 9 có tư tưởng bỏ học đi làm thuê, lập gia đình mới khó vận động", thầy Tâm chia sẻ.
Nắm bắt tâm tư của trò, thầy Tâm nhận định vào dịp sau Tết Nguyên đán 2023, nhà trường có khoảng 7 em học sinh có tư tưởng sẽ nghỉ học. Sợ thầy cô "bắt" về trường, các em thường trốn sang các xã khác rồi lặng lẽ bắt xe vào thành phố xin làm thuê, thậm chí nhiều em đã bỏ học vào miền Nam.
Mới đây, em Hồ Thị Thể, học sinh lớp 9 trú tại bản Cáo, xã Lâm Hóa đã tiếp tục bỏ học, bắt xe vào Nam. Biết được thông tin, thầy hiệu trưởng đã phải xin số nhà xe, đuổi theo gần 100km để khuyên ngăn và chở em Thể về trường để học tập cùng các bạn.
Chuyện làm những giáo viên vùng cao không khỏi đau đầu là khi những học trò của mình sớm muốn lập gia đình khi tuổi còn quá nhỏ. Khi đó các em phải dừng việc học tập, vui chơi để tảo hôn rồi làm cha, làm mẹ trẻ con. Lo lắng cho tương lai của những cô cậu học trò ngây dại, thầy cô nơi đây lại cùng phối hợp với chính quyền và các tổ chức để vận động học trò.
Thầy Tâm nhớ cách đây 2 năm, nắm thông tin có học trò nhỏ chuẩn bị làm lễ kết hôn, nhà trai đã "bỏ lễ" đợi ngày rước dâu. Vậy là thầy cô cùng cán bộ xã phải vào nhà chở tới ủy ban để giải thích và ngăn chặn việc tảo hôn.
"Trường cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, công an xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để vận động trò không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cách làm thì nhiều lắm, vào tận nhà để giải thích vận động, nói và không được còn phải "dọa". Không chỉ vận động trò mà còn phải giải thích, vận động cho phụ huynh, già làng, trường bản để ngăn cấm các cháu", thầy Tâm cười khổ.
Cuộc gặp ngắn chưa thể kể hết những sự vất vả, những chuyện bi hài nhưng chân thực trong việc giữ trò, định hướng cho trò của giáo viên ở xã miền núi này. Nhưng những hy sinh thầm lặng những cái tâm với nghề với những mầm non tương lai của đất nước của các thầy cô mới thật đáng trân trọng. .
Với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhiều học sinh đã trở lại trường và tiếp tục học tập. Nhưng để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mã Liềng về việc học, đòi hỏi sự miệt mài và tâm huyết của những người theo nghiệp gieo chữ.