Vành đai và con đường: Có thúc đẩy liên kết liên khu vực?

14-05-2017 15:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với chủ đề “Hợp tác vì thịnh vượng chung”, diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”(BRI) khai mạc hôm qua qua (14/5) tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Với chủ đề “Hợp tác vì thịnh vượng chung”, diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”(BRI) khai mạc hôm qua qua (14/5) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Diễn đàn cấp cao lần này có sự tham gia của 29 nguyên thủ quốc tế, trong đó có Tổng thống Nga Putin…  nhằm mục đích đẩy mạnh liên kết kinh tế-kết nối khu vực.

Kể từ năm 2013, sáng kiến “Vành đai và con đường” đã trở thành tâm điểm chính sách kinh tế của Trung quốc. Đây được coi là một đại dự án bởi nó thúc đẩy liên kết giữa Trung quốc với cả châu Á và Âu. Vành đai và Con đường xuất phát từ việc kết nối giữa “Vành đai Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển”, 2 đại sáng kiến của Trung Quốc với 5 lĩnh vực chính: phối hợp chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm đường sắt và đường cao tốc); kết nối thương mại, hội nhập tài chính và thúc đẩy quan hệ nhân dân.

Vành đai và con đường: Có thúc đẩy liên kết liên khu vực?Dự án Vành đai và Con đường đang được Trung quốc đẩy nhanh hiện thực hóa

Trung quốc cho rằng nếu hoàn tất, dự án “Vành đai và Con đường” (BRI) sẽ thiết lập một mạng lưới thương mại có chiều dài lớn nhất thế giới với việc kết nối một khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ, GDP 21.000 USD (chiếm 30% GDP toàn cầu). Một khi hoàn thành, đại dự án này có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 25.000 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ cũng như liên kết các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Giấc mơ kết nối

Theo dự kiến, BRI sẽ đi qua 3 lục địa Á-Âu-Phi, kết nối ASEAN với các nền kinh tế châu Âu theo trục: Trung quốc-Trung Á, Nga-EU; sau đó nối liền Trung Quốc với Vịnh Péc-xích và Địa Trung Hải và Tây Á; kết nối Trung Quốc-ASEAN-Nam Á và Ấn độ dương. Tong khi đó, Con đường trên biển sẽ kết nối đường biển của Trung quốc theo 2 hướng: sang châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương và qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng sáng kiến "Vành đai vàCon đường" không đơn thuần chỉ là sáng kiến liên kết và hội nhập mà còn là một yếu tố thể hiện 'sức mạnh mềm' của Trung Quốc. Việc Trung Quốc dùng vốn của Ngân hành Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế tài chính do chính Trung quốc sáng lập, là một đòn bẩy thuận lợi giúp Bắc Kinh hiện thực hóa “Vành đai và Con đường”.

Vành đai và con đườngBRI sẽ chạy qua nhiều châu lục trên toàn cầu, thể hiện tham vọng mới của Trung Quốc

Ở một góc nhìn khác, giới quan sát cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Trung quốc đang hiện thực hóa bắt nguồn từ những khó khăn nội tại trong nền kinh tế Trung quốc. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh tế của Trung quốc đã và đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ năm 2006 và điều này là một “nhân tố tiềm ẩn nhiều rủi ro” với công xưởng lớn nhất thế giới này.Chính vì thế, “Vành đai và Con đường” được cho là sẽ giải quyết tình trạng sức sản xuất dư thừa cũng như tạo đòn bẩy để kinh tế Trung Quốc không lâm vào khủng hoảng thừa.

Cũng đã có những rủi ro “nhìn thấy” đối với “Vành đai và Con đường”. Thứ nhất, BRI sẽ phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa, môi trường và nhiều vấn đề ở các nước sở tại. Cách tiếp cận áp đặt của Trung quốc, đôi khi, cũng sẽ khiến cho nhiều nước có tâm lý “không thoải mái” . Dự án Hành lang Kinh tế Trung quốc-Pakistan (CPEC) là một ví dụ. Đây là sự kết hợp giữa các dự án giao thông vận tải và năng lượng  bao gồm việc phát triển một cảng biển nước sâu lớn nhằm cung cấp con đường tiếp cận trực tiếp tới Ấn độ dương và xa hơn nữa. Trên thực tế, các kế hoạch cho Hành lang Kinh tế Trung quốc-Pakistan đã bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2015 với tổng đầu tư 46 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này đang phải đối mặt với sự phản đối chính trị nội tại ở Pakistan. Ông Rehman Sobhan, Chủ tịch Trung tâm Đối thoại Chính sách Trung Á, được the Dailystar dẫn lời cho biết khioon khổ hẹp của BRI sẽ không mang lại những kết quả tốt hơn cho các nước tham gia.

Đến nay, hơn 100 quốc gia và các tổ chức đã thể hiện sự quan tâm đối với sáng kiến trên. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã phát triển 56 khu vực hợp tác với hơn 20 nước nằm trong vành đai và con đường với tổng giá trị đầu tư lên đến 18,5 tỷ USD. Trong khi đó, hôm 13/5, AIIB đã phê chuẩn thêm 7 đơn xin tham gia, nâng tổng số thành viên của ngân hàng này lên con số 77, tạo thêm thuận lợi cho sự trỗi dậy của Trung quốc trên nhiều phương diện.

Một điểm nữa khiến dư luận chú ý, đó là sự hiện diện về quân sự của Trung Quốc cũng sẽ gia tăng kèm theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc hiện thực hóa BRI cho thấy Trung quốc đang sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của họ trên toàn cầu. Năm ngoái, Trung quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại Djbouti, một quốc gia nhỏ nhưng có vị trí chiến lược quân sự tại châu Phi và rất gần với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Lục địa đen, cho thấy điều đó.

Một điều nhận thấy là với các đại dự án đang triển khai, Trung Quốc đang ngày một thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình trên toàn cầu. Tất nhiên, sự trỗi dậy ấy sẽ được các quốc gia hoan nghênh nếu như Bắc Kinh thực sự có thành ý và thiện ý hợp tác.

 

 


N.Minh
Ý kiến của bạn