Vang vọng Tiếng hát quê hương

15-05-2015 15:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Hơn 30 năm qua, những buổi biểu diễn của Câu lạc bộ (CLB) âm nhạc dân tộc Tiếng hát quê hương tại TP. Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi,

Hơn 30 năm qua, những buổi biểu diễn của Câu lạc bộ (CLB) âm nhạc dân tộc Tiếng hát quê hương tại TP. Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, được  nhiều người yêu nhạc mến mộ. CLB âm nhạc truyền thống này hiện nay vẫn âm thầm hòa vào dòng chảy chung với dòng âm nhạc dân tộc nước nhà góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hoá Việt.

Tinh thần kế thừa và phát triển

Hiện nay, không khó để thấy nhiều nhóm nhạc, CLB âm nhạc được thành lập ở nước ta. Nhưng nhìn chung, những nhóm nhạc và CLB âm nhạc thường nghiêng về tính hiện đại, hội nhập chứ không chuyên về âm nhạc truyền thống. Các nhóm nhạc bây giờ hầu hết gồm các bạn trẻ là những hotboy hoặc hotgirl, khi đứng trên sân khấu thì múa quay cuồng, hát những bản nhạc hiện đại có khi nghe xong nhiều người chẳng hiểu bài hát đề cập và truyền đi thông điệp gì. Bởi thế, sự tồn tại và phát triển của một CLB âm nhạc truyền thống như Tiếng hát quê hương chẳng khác gì một bông hoa ngát hương thơm và thắm sắc giữa một cánh rừng đầy...hoa thơm và cỏ dại.

Các nghệ sĩ trong CLB Tiếng hát quê hương trong một lần biểu diễn.

Con đường đi của Tiếng hát quê hương trong nhiều chục năm qua là bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ, phát triển cái mới mà không vay mượn bên ngoài, lấy vốn của mình để phát triển. GS. Trần Văn Khê - cố vấn của CLB, từng xem nhiều chương trình biểu diễn của Tiếng hát quê hương cho biết, các nghệ sĩ và thành viên trong CLB khi lên sân khấu đều có những tiết mục hay. Đặc biệt, nhiều tiết mục đã thể hiện đầy đủ, đa dạng, có cũ, có mới và cái mới không làm mất đi tính dân tộc. Mặt khác, cái mới làm tăng thêm vẻ hoành tráng, hấp dẫn cả về thị giác và thính giác đối với người xem. Có được điều này bởi hiện nay Tiếng hát quê hương có hơn 100 thành viên ở nhiều lứa tuổi, không giới hạn thành phần, tất cả họ đang ngày đêm sinh hoạt, học tập nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn, phổ biến và phát triển các loại hình ca múa nhạc dân tộc.

Trong không ít chương trình của CLB Tiếng hát quê hương tổ chức, khán giả yêu nhạc dân tộc đã được tận hưởng một không gian âm nhạc lắng đọng và giàu cảm xúc. Đó có thể là khúc dạo đầu, dàn nhạc trình bày các tiết mục mang phong cách cổ truyền. Những nốt nhạc trầm bổng sâu lắng cùng giai điệu du dương của: Liên khúc Nam Bộ, độc tấu đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục, lý tình tang, ngồi tựa mạn thuyền, cánh chim tự do… thời gian qua vẫn vang lên trong các buổi diễn của Tiếng hát quê hương. Chính những chương trình này đã khiến nhiều người yêu thể loại nhạc mang quốc hồn quốc túy hoàn toàn bị chinh phục.

Một điều đặc biệt là nhiều nghệ sĩ đang hoạt động tại Tiếng hát quê hương hiện nay là thế hệ thứ hai, thứ ba nối tiếp nhau tham gia CLB. Song ở lứa tuổi nào thì các nghệ sĩ cũng hướng tới một mục đích cao cả là giữ gìn, phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc. Chủ nhiệm CLB,  NSƯT Thúy Hoan chia sẻ: “Nếu chỉ gìn giữ cái cổ thì nó sẽ bị bào mòn và mất dần. Do vậy hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng giữ những đặc tính dân tộc nhưng bên cạnh đó cũng luôn phát triển các hình thức để làm sao gần gũi đối với thời hiện đại. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang duy trì hai hình thức này tồn tại song song với nhau”.

Ước mơ bay xa

Một khách du lịch người nước ngoài đã xem chương trình biểu diễn của CLB Tiếng hát quê hương tại Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Xem chương trình này khiến tôi nhớ về nền âm nhạc của nước tôi. Tôi đặc biệt ấn tượng đối với các bản nhạc và từ đó tôi cảm nhận được bản sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Thực tế, theo NSƯT Thúy Hoan, thời gian qua, không ít du khách quốc tế sau khi xem chương trình của Tiếng hát quê hương đều rất ấn tượng và mong muốn có dịp một ngày nào đó trên đất nước họ, họ được nghe lại những giai điệu âm nhạc dân tộc của Việt Nam. Thế nên câu hỏi: “Làm thế nào để quảng bá được âm nhạc dân tộc đến đông đảo công chúng và du khách quốc tế?” luôn là câu hỏi lớn với rất nhiều người tâm huyết với âm nhạc dân tộc, trong đó có CLB Tiếng hát quê hương.

NSƯT Thúy Hoan chia sẻ thêm, trường hợp có được sự nâng đỡ và hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức khác thì có thể CLB sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhưng hiện nay, trong phạm vi một CLB thì Tiếng hát quê hương chỉ biết cố gắng trong phạm vi cho phép. Nghệ sĩ Hải Phượng trong CLB cũng đưa ra nhận định: “Sức lôi cuốn của CLB với truyền thông, báo chí nhiều năm qua thì có nhưng người ta cho rằng đây là dòng chảy âm thầm và dài hơi. Phía các nhà tài trợ hiện nay thì lại muốn “đỡ” cho cái gì đó nhanh, gọn và hoành tráng, cái phải đem lại kết quả kinh tế trước mắt cho họ! Do đó, các hoạt động của CLB vẫn chỉ “bùng nổ” trong Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh mà thôi”.

Huy Quang

 

 


Ý kiến của bạn