Vàng lao dốc, tiền đầu tư chuyển hướng?

15-01-2013 10:53 | Thời sự

Lần thứ hai trong chưa đầy 1 năm qua, giá vàng lại “nổi sóng”. Tuy thế khác hẳn với thời hoàng kim của năm 2011, vào lần này lại là sóng xuống...

Lần thứ hai trong chưa đầy 1 năm qua, giá vàng lại “nổi sóng”. Tuy thế khác hẳn với thời hoàng kim của năm 2011, vào lần này lại là sóng xuống...

Những người có thói quen tích trữ và cho vay vàng có lý do để lo ngại: giá vàng đang có xu hướng lao dốc. Câu chuyện đó đã diễn ra ngay từ thời điểm ngày 10/1/2013 là lúc hoạt động kinh doanh vàng miếng chính thức bị “siết”, đồng nghĩa với việc thị trường buôn bán vàng tự do không còn tồn tại. Từ khoảng cách chênh biệt với giá thế giới đến 5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách đáng kể - còn hơn 2 triệu đồng/lượng.

Giờ đây, sự chênh biệt rất khác thường giữa giá vàng SJC và các thương hiệu vàng khác dường như đã báo trước một cận cảnh về biến động lớn đối với giá vàng. Cũng lại là Công ty SJC niêm yết giá, nhưng vào lần này là giá xuống chứ không “bình ổn” hay là giá lên như trước đây. Chính vì thế, những nhà đầu tư nhỏ không thể biết được giá vàng còn giảm nữa hay không. Nói cách khác, họ đành viện dẫn một trong những rủi ro lớn đối với hoạt động kinh doanh vàng mà báo chí thường nhắc tới: rủi ro từ chính sách.

Các đây không lâu, trong một cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC, một nhà giao dịch vàng kỳ cựu là Steve Cortes cho biết ông đã bán hết vàng: “Tôi cho rằng vàng sẽ còn giảm giá sâu hơn. Ngưỡng 1.500 USD/oz chưa là gì, giá vàng có thể giảm về 1.000 USD/oz”, ông Cortes nhận định.

Trong bối cảnh một số dự đoán của SPDR hay Morgan Stanley về giá vàng thế giới có thể chạm mốc 2.000 USD/oz vào cuối năm 2012 đã được chứng minh là bất khả thi, giới đầu tư vàng càng có lý do nhìn thấy triển vọng thật khó để giá vàng tái lập mốc đỉnh 1.923 USD/oz của nó được lập vào tháng 8/2011, cho dù nền kinh tế Mỹ và Tây Âu hồi phục phần nào vào năm 2013 này.

Dĩ nhiên giới đầu tư trong nước hoàn toàn có thể dựa vào Nghị định 24 cùng chính sách “siết” vàng miếng cũng như xu thế giảm dần của giá vàng thế giới để giải thích cho hiện tượng giá vàng trong nước lao dốc vào thời gian này. Thế nhưng ngoài nguyên do đó, liệu còn có nguyên nhân nào khác?

Điều hiển nhiên là từ quý 1/2012, dù muốn hay không, thị trường vàng vẫn phải rơi vào thế cô kiệt của nó. Không còn được sử dụng vàng miếng như một công cụ hợp pháp để thanh toán trên thị trường tự do, tất nhiên vàng sẽ có xu hướng chuyển thành tiền mặt để đầu tư vào các kênh khác.

Một lần nữa kể từ nửa đầu năm 2012, khuynh hướng giá tuột dần với tình trạng thanh khoản lắng đọng của thị trường vàng đã và đang khiến cho dòng tiền có xu hướng chuyển từ vàng sang cổ phiếu. Như một hiệu ứng nghịch pha, vào thời gian này, thị trường chứng khoán lại bốc lên như diều gặp gió. Mới chỉ hơn 1 tháng từ lúc khởi động vào đầu tháng 12/2012, hai chỉ số VNI và HNX đã tăng được hơn 20% - một tỷ lệ mà suốt năm qua giá vàng trong nước không thể nào lập được.

Với những động thái mới trong chính sách quản lý thị trường vàng, không loại trừ trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ tiệm cận với giá vàng thế giới, tức vào khoảng 41-42 triệu đồng/lượng, trong điều kiện giá vàng thế giới vẫn dao động ngang ở vùng 1.600-1.650 USD/ounce.  Khi đó, có lẽ các nhà đầu tư và kể cả những người dân tích trữ vàng nhỏ lẻ sẽ bắt buộc phải ngó sang các kênh đầu tư khác, kể cả kênh nhà đất là nơi mà mới đây Chính phủ đã chính thức ban hành một nghị quyết riêng về giải cứu bất động sản.

Dũng Hà


Ý kiến của bạn