Vắng khách - bệnh kinh niên của bảo tàng

01-11-2019 07:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Là chuyện không mới, tuy nhiên việc các bảo tàng (BT) công lập và tư nhân ở nước ta vắng vẻ khách tham quan luôn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận. Bởi lẽ, BT được xem là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại.

Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hệ thống BT Việt Nam hiện có 162 BT, trong đó có 126 BT công lập và 36 BT ngoài công lập. Với hàng trăm BT này đã, đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia hiện có). Các BT có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Tuy nhiên, trong Công văn số 2887/BVHTTDL-DSVH  Bộ VH-TT&DL gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước gần đây; Bộ VH-TT&DL đánh giá, phần lớn các BT nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thật sự trở thành nơi học tập, hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách. Phần lớn các BT mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có BT cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan và chưa gắn kết với các chương trình du lịch, chưa thu được kinh phí từ hoạt động tham quan của du khách, là sự lãng phí tài nguyên du lịch rất đáng tiếc.

Hiện tượng các BT thường rơi vào tình trạng “vắng như chùa bà đanh”, số lượng khách tham quan đếm trên đầu ngón tay đã không ít lần làm báo giới tốn nhiều giấy mực. BT Hà Nội được đầu tư nghìn tỉ, được kỳ vọng là “địa chỉ đỏ” của người dân và du khách quốc tế song nhiều năm qua cũng như hiện tại rất ít khách tham quan, số lượng khách giảm dần theo từng năm. Dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới, cải thiện trong việc trưng bày nhưng lượng khách đến với BT Hà Nội không khả quan hơn. Tương tự, BT đường Hồ Chí Minh (quận Hà Đông) có nhiều hiện vật đặc sắc như: pháo cao xạ sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ, hầm chỉ huy cơ bản đường Trường Sơn, các loại phương tiện vận tải...nhưng thưa vắng khách. Tình trạng này cũng thường thấy ở một số BT khác tại Hà Nội như BT Văn học, BT Mỹ thuật Việt Nam, BT Lịch sử quân sự, BT Phòng không - Không quân... Các BT này chỉ rôm rả khi đón khách tham quan từ các tour du lịch hoặc các em học sinh đến tìm hiểu theo chương trình ngoại khóa, học chuyên đề...

Vắng khách - bệnh kinh niên của bảo tàngNhiều bảo tàng ở nước ta vắng khách tham quan.

Bao lâu nay, câu chuyện BT ở Nghệ An luôn là vấn đề nan giải khi tại thành phố Vinh có đến 2 BT nhưng gần như vắng bóng du khách. BT Nghệ An đến nay vẫn chưa hoàn thiện để trưng bày, mở cửa đón khách và các hiện vật vẫn nằm dài trong kho chờ đợi vừa gây lãng phí tiền bạc cho công tác bảo quản, vừa khiến các hiện vật không phát huy được các giá trị tới cộng đồng. Trong khi đó, BT Xô viết Nghệ Tĩnh thì lượng khách chủ yếu vẫn là các đoàn làm việc, các cơ quan, ban, ngành, trường học trên địa bàn, rất hiếm du khách đến tham quan. Không khá hơn là BT tỉnh Bạc Liêu. Theo báo cáo số lượt khách trong thời gian gần đây cho thấy, BT tỉnh Bạc Liêu vắng khách trầm trọng. Tháng 7/2019, BT này chỉ đón tiếp được 4 lượt khách; nửa đầu tháng 8/2019 thì được... 11 lượt người. Theo ông Lê Thanh Tự, Giám đốc BT tỉnh Bạc Liêu, thực trạng của BT đang lâm vào cảnh đìu hiu khách tham quan là do vừa thừa, vừa thiếu hiện vật, hiện vật chưa đa dạng và thiếu những sưu tập có giá trị cao. Tại Quảng Bình, một tỉnh đang có nhiều thế mạnh về tiềm năng du lịch, nhưng dường như BT vẫn chưa được khai thác đi cùng tiềm năng này.  Được xây dựng từ năm 2003 với số tiền là 17 tỷ đồng, tuy nhiên hơn 10 năm qua, BT tổng hợp Quảng Bình vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài” khiến không ít người “vừa giận vừa thương”.

Tại Việt Nam hiện nay, chỉ một vài BT là điểm đến của du khách như BT Hồ Chí Minh (khoảng 1 đến 1,5 triệu lượt khách/năm); BT Dân tộc học (doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/năm), BT Phụ nữ và BT Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh từng lọt top 25 BT hấp dẫn nhất châu Á. Tuy nhiện, thực tế trên cho thấy, hiện nay, hoạt động BT ở nước ta còn không ít hạn chế, bất cập: nội dung trưng bày chưa thật sự được quan tâm, đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến được với đông đảo công chúng; nhiều bảo tàng còn vắng khách tham quan...

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc BT Dân tộc học, việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những BT có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan. Để có được hiệu quả đó, những người làm công tác trưng bày BT cần nghiên cứu nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời. Đồng thời, họ cần tiếp cận, thay đổi cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm để thu hút khách tham quan.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn