Vàng da ở trẻ sơ sinh: Khi nào cần đi khám?

08-05-2021 11:12 | Đời sống
google news

SKĐS - Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến, vàng da sinh lý đa số tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị vàng da có thể do một số bệnh lý gây ra.

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da và mắt của bé chuyển sang màu vàng. Tình trạng này xuất hiện khi hàm lượng bilirubin (một chất do các tế bào hồng cầu bị vỡ sinh ra) trong máu tăng cao.

Đây là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở trẻ sinh trước 38 tuần thai và một vài trẻ bú sữa mẹ. Vàng da ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vì gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để chuyển hóa lượng lớn bilirubin lưu hành trong máu. Ở một số trẻ vàng da sơ sinh có thể do một số bệnh lý gây ra.

Hầu hết trẻ sinh từ 35 tuần tuổi thai và trẻ đủ tháng không cần điều trị vàng da. Đôi khi lượng bilirubin trong máu tăng cao gây tổn thương não, thường ở những trẻ có các yếu tố nguy cơ gây vàng da nặng.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Vàng da và vàng mắt là những dấu hiệu chính của vàng da ở trẻ sơ sinh, dấu hiệu này thường xuất hiện giữa ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau sinh.

Để kiểm tra trẻ có bị vàng da không, ấn nhẹ lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu da trông vàng nơi ta ấn, có thể trẻ bị vàng da. Nếu trẻ không có vàng da, màu da nơi bị ấn sẽ trông sáng hơn màu da bình thường trong vài giây.

Một số trẻ vàng da nặng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng vàng da nhân não với các biểu hiện tăng trương lực cơ, xoắn vặn, li bì và ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Vàng da ở trẻ sơ sinh: Khi nào cần đi khám?Trẻ sơ sinh vàng da có liên quan tới hàm lượng bilirubin trong máu tăng cao.

Vì sao trẻ sơ sinh bị vàng da?

Tăng bilirubin là nguyên nhân chính gây vàng da. Bilirubin là chất màu vàng được sản sinh ra do sự phá hủy các tế bào hồng cầu. Trẻ sơ sinh sản sinh ra nhiều bilirubin hơn người lớn vì số lượng hồng cầu nhiều hơn và bị phá hủy nhanh hơn trong vài ngày đầu của cuộc đời. Bình thường gan sẽ chuyển hóa bilirubin từ máu và bài tiết vào trong đường ruột. Ở trẻ sơ sinh, do chức năng gan chưa hoàn chỉnh nên không loại bỏ được hết lượng bilirubin, gây tăng bilirubin.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ vàng da, đặc biệt là vàng da nặng có thể gây biến chứng bao gồm: Đẻ non; Tím trong lúc sinh; Khác nhóm máu với mẹ; Bú sữa mẹ không đầy đủ hoặc không có đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ; Chủng tộc cũng là một yếu tố góp phần vào nguy cơ gây vàng da sơ sinh: các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em khu vực Đông Á tăng nguy cơ phát triển vàng da.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nên cho trẻ đi khám về tình trạng vàng da vào khoảng thời gian giữa ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi sinh, khi lượng bilirubin đạt đỉnh. Nếu trẻ xuất viện sớm hơn 72 giờ sau sinh, cha mẹ cần theo dõi kỹ tình trạng vàng da trong 2 ngày đầu sau khi xuất viện.

Một số dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể cho thấy tình trạng vàng da nặng hoặc biến chứng do tăng bilirubin quá cao. Đưa trẻ đi khám nếu thấy: Da của trẻ trở nên vàng hơn; Da ở vùng bụng, cánh tay, chân của trẻ trông vàng; Mắt của mắt trẻ trông vàng; Trẻ mệt hoặc li bì khó đánh thức; Trẻ không tăng cân hoặc ăn kém; Trẻ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác làm bạn lo lắng.


ThS. BS. Nguyễn Sỹ Đức (ĐH Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn
Tags: