Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?

10-10-2020 18:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi sắp sinh con đầu lòng. Tôi muốn biết về chứng vàng da ở trẻ sơ sinh. Chứng bệnh này có nguy hiểm không? Mong được bác sĩ tư vấn.

Lê Thu Hằng (Hà Nội)

Đây là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh, da và mắt của bé sẽ chuyển màu vàng. Nguyên nhân của tình trạng này là do thừa bilirubin trong máu - một sắc tố màu vàng của hồng cầu. Vàng da thường xảy ra khi gan của trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để lọc bilirubin. Vì vậy mà trẻ sinh non và một số bé bú sữa mẹ dễ bị vàng da hơn.

Có 2 mức độ vàng da là:

Vàng da sinh lý sẽ xuất hiện 1 ngày sau sinh, mức độ vàng nhẹ, chỉ tập trung ở vùng mặt, cổ, ngực và bụng (trên rốn). Vàng da bệnh lý khi mức độ vàng đậm, toàn thân và cả mắt, không tự khỏi sau 1-2 tuần. Kết hợp với các biểu hiện bất thường như lừ đừ, bỏ bú, co giật,...

Cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay... của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ sẽ khó thấy, nên khi ấn vào thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.

Bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám khi: Da của bé ngày càng bị vàng nhiều hơn. Màu vàng ở mặt, mắt đã lan đến bụng, cánh tay hoặc chân của trẻ. Em bé trở nên chậm chạp, khó thức dậy. Bạn không thể cho bé ăn hoặc bú tốt, hoặc bé rất kén chọn ăn uống. Bé bị sốt hoặc khóc thét.

BS. Thanh Hà


Ý kiến của bạn