Hầu hết các u đường mật là u ác tính
Sỏi mật là nguyên nhân ngoại khoa chính gây ra tình trạng vàng da nhưng nguyên nhân đáng sợ nhất là ung thư đường mật. Vàng da do các u lành tính rất hiếm gặp, các khối u phát hiện trên đường mật đa số là ác tính. Ung thư đường mật ít gặp hơn ung thư gan, nhưng bệnh thường được phát hiện khá trễ, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và thời gian sống còn của bệnh nhân.
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 8000 trường hợp ung thư đường mật. Theo một nghiên cứu của tác giả Kim và cộng sự tại Hàn Quốc khảo sát trong năm 2015, tỷ lệ ung thư đường mật trong gan là 7,8 trên 100.000 dân, ung thư đường mật ngoài gan là 6,5 trên 100.000 dân. Tỉ lệ sống sau 5 năm của ung thư đường mật trong gan là 15,9% và ung thư đường mật ngoài gan là 27,8%. Tuổi mắc bệnh trung bình trong cộng đồng là 50-70 tuổi, nam nhiều hơn nữ, khoảng 25-57% có kèm sỏi mật. Hiện nay, phát hiện sớm ung thư đường mật còn rất khó khăn, đặc biệt là khi có kết hợp sỏi đường mật. Đa số trường hợp khi phát hiện đã có xâm lấn các mạch máu quan trọng của gan, gây khó khăn cho phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối ung thư.
Các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật
Nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc các hóa chất dùng trong công nghiệp cao su, có nang đường mật, xơ gan bẩm sinh, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, viêm loét đại tràng là các yếu tố thuận lợi đối với ung thư đường mật. Ung thư đường mật trên bệnh nhân viêm loét đại tràng có khuynh hướng diễn tiến trầm trọng hơn.
Các triệu chứng thường gặp
- Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp. U vùng ống gan chung có triệu chứng sớm hơn u các ống gan phải và trái.
- Đau bụng xuất hiện ở 30-50% bệnh nhân.
- Đôi khi bệnh nhân vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật.
- Các triệu chứng khác có thể gặp như: ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân.
- Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (có dịch trong bụng).
Chẩn đoán
- Siêu âm là phương tiện chẩn đoán đầu tiên đối với bệnh nhân vàng da. Biểu hiện chính là hình ảnh đường mật bị giãn, siêu âm rất khó nhận biết vị trí của khối u.
- Chụp cắt lớp điện toán (CT Scan) đánh giá được vị trí u, mức độ xâm lấn của u vào gan và di căn, nhưng CT không thể phát hiện u nhỏ hơn 1cm.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) có giá trị trong chẩn đoán u đường mật. Thuận lợi lớn nhất của MRCP là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, tránh được tia X, cho phép quan sát được toàn bộ hình ảnh đường mật, tuy nhiên đôi khi MRCP khó phân biệt giữa u và sỏi hoặc bùn mật. Hiện nay, tại nhiều trung tâm y khoa, MRCP trở thành một phương tiện chẩn đoán trước phẫu thuật có giá trị đối với bệnh nhân ung thư đường mật.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) và siêu âm qua nội soi (EUS). Bác sĩ có thể chọn các kỹ thuật này trong một số trường hợp cần thiết, nhất là khi cần xác định bản chất mô học của u. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa có kỹ thuật chẩn đoán nào chính xác 100%, u vẫn có thể bị nhầm là sỏi hay bùn mật trên các chẩn đoán hình ảnh.
- Các xét nghiệm máu: bilirubin (trực tiếp, gián tiếp, tổng cộng), phosphatase kiềm, men gan, đông máu, đây là các xét nghiệm đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường mật và chức năng của gan. Các xét nghiệm đo nồng độ chất chỉ thị ung thư trong máu như CEA tăng trong 40-60% trường hợp, CA 19.9 tăng trong 80% trường hợp.
- Sinh thiết: xác định bản chất mô học của tế bào của khối u, có nhiều phương pháp như chọc kim nhỏ qua da, qua nội soi mật tụy ngược dòng, qua siêu âm nội soi… hoặc tìm tế bào ung thư trong dịch mật.
Điều trị ung thư đường mật
Phẫu thuật
Phẫu thuật triệt để là phương pháp duy nhất cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân. Tuy nhiên, có trên nửa số trường hợp trong khi phẫu thuật phát hiện có di căn phúc mạc hoặc di căn xa dù các phương tiện chẩn đoán trước mổ cho thấy còn khả năng làm phẫu thuật triệt để.
Do bản chất xâm lấn tại chỗ và do vị trí quan trọng của vùng rốn gan (chỗ chia của 2 ống gan), khả năng phẫu thuật điều trị triệt để ít và khó thực hiện. Cụ thể, chỉ có 15-30% trường hợp ung thư đường mật vùng rốn gan có thể cắt bỏ được. Trong đa số trường hợp, ngoài việc cắt bỏ đường mật có u, bác sĩ phẫu thuật phải cắt luôn phần gan có u xâm lấn.
Dự hậu của ung thư đường mật rất xấu, đặc biệt là ung thư vùng rốn gan, nếu không điều trị, bệnh nhân tử vong do suy gan và di căn trong vòng 3 – 6 tháng. Trong nhiều trường hợp được phát hiện, khối u thường đã xâm lấn gan vào các cấu trúc quan trọng lân cận như mạch máu và bạch huyết.
Phẫu thuật điều trị ung thư đường mật là phẫu thuật phức tạp, chỉ được thực hiện tại một số trung tâm ngoại khoa lớn tại Việt Nam. Tỉ lệ tử vong trước, trong và sau phẫu thuật là 1,3-11% với tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật là 35-50%.
Trong những trường hợp không thể cắt bỏ u, các tác giả đề nghị đặt ống thông (stent) đường mật qua chỗ hẹp là tốt nhất, giúp mật lưu thông từ gan xuống ruột và bệnh nhân sẽ giảm vàng da. Phương pháp dẫn lưu mật này giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân bao gồm giảm vàng da, ăn uống ngon miệng hơn nhờ có dịch mật tiêu hóa thức ăn.
Thủ thuật điều trị cho các trường hợp phát hiện muộn
Đối với các trường hợp ung thư đường mật giai đoạn muộn, đã có xâm lấn và di căn rõ rệt trên các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp cộng hưởng từ mật tụy… bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh chọn lựa các thủ thuật với mục đích giảm vàng da cho bệnh nhân. Thủ thuật ưu tiên là đặt ống thông qua chỗ hẹp bằng nội soi từ đường miệng. Nếu nội soi thất bại, bệnh nhân có thể được đặt ống dẫn lưu vào đường mật xuyên gan qua da.
Các thủ thuật này nhằm làm giảm vàng da, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, tỉ lệ biến chứng và tử vong do thủ thuật thấp hơn phẫu thuật, nhưng không cải thiện thời gian sống còn của người bệnh.
Hóa trị
Hiện nay, có một số thuốc mới được dung điều trị ung thư đường mật nhưng tỉ lệ đáp ứng còn thấp, nhất là các bệnh nhân đã quá chỉ định phẫu thuật, không còn cắt được u. Trong một số nghiên cứu hồi cứu, điều trị bằng hóa trị các bệnh nhân sau phẫu thuật tạm bợ (chỉ đặt ống dẫn lưu) đã giúp cải thiện thời gian sống trung bình của bệnh nhân lên 28 tháng so với 8 tháng.
Phòng bệnh ung thư đường mật
Không thể dự phòng hoàn toàn bệnh ung thư đường mật, chúng ta chỉ có thể tránh các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật: tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, điều trị các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bệnh ký sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, các bệnh đường mật khác (nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa…), bệnh viêm loét đại tràng.
Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt những người trên 50 tuổi, lứa tuổi thường gặp của bệnh ung thư đường mật.
Trong các trường hợp có đau vùng bụng trên bên phải, tiểu vàng sậm, vàng da, vàng mắt nên đến ngay các trung tâm y tế để phát hiện bệnh sớm trong giai đoạn còn phẫu thuật triệt để.