Trên Kitco, John Butler, Giám đốc ngân quỹ tại TallyMoney và là tác giả cuốn The Golden Revolution, cho rằng, khi thế giới chuyển sang hệ thống bản vị vàng, giá vàng sẽ tăng vọt lên ngưỡng 50.000 USD/ounce (tương đương 1,4 tỷ đồng/lượng).
Theo Butler, quá trình chuyển đổi sang chế độ bản vị vàng là không thể tránh khỏi khi Mỹ mất vị thế thống về kinh tế và thế giới trở nên đa cực.
Chế độ bản vị vàng (Gold Standard) là một hệ thống tiền tệ, trong đó giá trị tiền tệ của một quốc gia được tính dựa trên một lượng vàng nhất định. Trong chế độ bản vị vàng, các quốc gia đồng ý quy đổi tiền giấy thành một lượng vàng cố định. Mỗi quốc gia sử dụng bản vị vàng đều đặt ra một mức giá cố định cho vàng và mua bán vàng ở mức giá đó. Mức giá cố định đó sẽ được dùng để xác định giá trị của tiền tệ.
Chế độ bản vị vàng còn có tên gọi khác như chế độ bản vị tiền vàng, kim bản vị.
Hiện nay, không một quốc gia nào sử dụng hệ thống bản vị vàng. Anh ngừng sử dụng chế độ bản vị vàng vào năm 1931, Mỹ cũng làm theo vào năm 1933 và từ bỏ tàn dư của hệ thống này vào năm 1973.
Bản vị vàng được thay thế hoàn toàn bằng tiền pháp định (Fiat Money) - loại tiền tệ được chính phủ của một quốc gia phát hành, quy định và công nhận hợp pháp trong quốc gia đó. Ví dụ, tiền pháp định của Việt Nam là Việt Nam đồng (VND), tiền pháp định của Mỹ là USD hay của Anh là bảng Anh (GBP)...
Có rất nhiều dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, mức dự báo lên 50.000 USD/ounce là hiếm.
Trước đó, Bloomberg Intelligence cho rằng, vàng sẽ lên ngưỡng 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay. Vàng là một trong những tài sản có thể được hưởng lợi nhiều nhất trong năm 2022.
Còn chuyên gia đến từ TD Securities nhận định, sự bất ổn địa chính trị liên quan đến Ukraine và các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga tạo ra nhu cầu lớn đối với vàng và với kỳ vọng lạm phát cao, vàng sẽ phải tăng lên 3.000 USD/ounce, tương đương hơn 80 triệu đồng/lượng.
Theo ông Stan Bharti, Giám đốc Ngân hàng Forbes & Manhattan, hiện đây mới là giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá vàng. Dưới áp lực lạm phát nên trong 4-5 năm tiếp theo, vàng hoàn toàn có thể leo lên 4.000 USD/ounce, tương đương 110 triệu đồng/lượng.
CEO U.S. Global Investors cho hay, lịch sử cho thấy vàng tăng mạnh khi có các cuộc khủng hoảng chính trị. Căng thẳng ở Ukraine có thể đẩy giá vàng lên 7.000 USD.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, trên WS, chiến lược gia đến từ Investment Management cho biết, các nhà đầu tư đang tìm kiếm một sự phòng hộ trước rủi ro địa chính trị. Và vàng đứng trước cơ hội bứt phá về giá.
Chris Vermeulen, chiến lược gia thị trường của TheTechnicalTraders thì nhận định trên Kitco, xu hướng vàng tăng giá còn rất dài và giá vàng sẽ tăng lên 7.400 USD/ounce (khoảng 210 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí).
Theo vị đại diện này, vàng vẫn đang trong chu kỳ tăng giá kỹ thuật dài hạn giống như hồi đầu năm 2008, chưa tính đến sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị.
Do đó, vàng có thể lên tới 2.700 USD/ounce (76 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí) trong vòng một năm tới và lên tới 7.400 USD trong 5 năm. Đây sẽ là một chu kỳ siêu lớn về kim loại quý và cũng là giai đoạn cuối của chứng khoán.
Nếu chứng khoán rơi vào một đợt bán tháo, vàng cũng có thể bị bán theo. Nếu thị trường chứng khoán đi ngang và giảm chậm, thì đó là kịch bản hoàn hảo cho kim loại quý. Còn với USD, đồng tiền này vẫn có thể tăng cùng chiều với vàng.
Còn Capital Economics phân tích, giá vàng về dài hạn bị chi phối bởi chính sách tiền tệ, mà xu hướng hiện tại là: các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Lạm phát cũng là yếu tố đẩy giá vàng đi lên. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng chỉ riêng lạm phát thì không đủ để đẩy giá vàng lên quá cao.
Thế giới tiếc thương người phụ nữ định hình thế kỉ Nữ hoàng Elizabeth II