Vấn vương mùi bồ kết

07-10-2019 14:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có lẽ cho đến bây giờ, tôi nằm trong số không nhiều phụ nữ vẫn còn theo đúng nếp xưa của bà, của mẹ; vẫn mua bồ kết trái về tự nướng và nấu lấy nước để gội đầu, cốt là giữ cho tóc ngoài sạch ra, còn mượt và mềm mại hơn.

Đây cũng chính là cách để tôi giữ cái “gốc con người” như dân gian đã đúc kết “cái răng cái tóc...”.

Chúng ta thường có chung quan niệm, dầu gội nào gội cho tóc càng mượt thì càng được người tiêu dùng tín nhiệm. Thực tế, những loại dầu gội đó, mới thật sự có kết hợp nhiều hóa chất hơn các loại dầu gội thông thường khác. Đây cũng có thể xem là lý do chính cho căn bệnh rụng tóc ngày càng nhiều, không chỉ riêng ở nam giới. Tôi ý thức được điều đó, cho nên, tôi vẫn giữ cho mình nếp sinh hoạt xưa cũ, dù bận bịu thế nào đi nữa, tôi vẫn tranh thủ ngày một ngày hai, tự mình nướng nhẹ dăm bảy trái bồ kết rồi cho vào nồi đun lửa liu riu để cho bồ kết ra hết chất. Chính những công đoạn thầm lặng này, tôi mới phát hiện ra mình như nhẫn hơn, tĩnh hơn trong cuộc sống quá vội vàng như hiện tại; mà điều này thì hết sức cần thiết để giúp tôi cân bằng sau công việc và những nghĩ suy bừa bộn khác.

Cách đây hơn một năm, khi tôi đưa hình ảnh nồi bồ kết đang nấu kèm mái tóc óng mượt, suông mềm của mình lên trang cá nhân, một bạn là Giám đốc công ty sản xuất bồ kết nguyên chất (bạn đã đưa được sản phẩm dầu gội bồ kết nguyên chất của mình đến thị trường có người tiêu dùng khó tính bậc nhất là Nhật Bản), đã vào kết nối, xin hình ảnh mái tóc tôi để như một cách quảng bá sản phẩm, kèm theo là dịch vụ cung cấp sản phẩm dầu gội bồ kết nguyên chất miễn phí cho tôi dùng hàng ngày. Dưới góc nhỏ bài viết này, tôi không có ý truyền thông cho sản phẩm dầu gội bồ kết nguyên chất của bạn ấy, nên tôi không nêu tên sản phẩm; tôi chỉ muốn nhắn với những người ít thời gian hoặc quá bận bịu rằng có thể dùng sản phẩm tiện lợi đó, vì không tốn công nướng và nấu bồ kết như tôi.

Riêng tôi, mỗi lần nướng và nấu bồ kết, là một lần tôi miên man trong mùi thơm vấn vương của nó.

Bồ kết còn có các tên gọi khác là tạo giác, man khét hay tạo giáp. Cây bồ kết bắt đầu cho trái là cây bồ kết trưởng thành, cao trên dưới 10 mét, thân cây có nhiều gai. Lá cây bồ kết có dạng kép lông chim. Bồ kết cho hoa màu trắng, trái dài từ 2 đến 12cm, bề ngang của trái bồ kết chỉ khoảng 20mm; hình dạng của trái bồ kết thẳng hoặc cong như lưỡi liềm mùa gặt. Trong mỗi trái bồ kết thường có 10 đến 12 hạt nhỏ, màu nâu nhạt.

Xuất thân của cây bồ kết là mọc hoang; tuy nhiên, với giá trị kinh tế cao, gần đây, cây bồ kết được trồng nhiều ở một số tỉnh phía Bắc của nước ta, tập trung nhiều nhất ở Cát Bà - Hải Phòng.

Hàng năm, tầm từ tháng 9 đến tháng 11, là khoảng thời gian bồ kết chín; lúc này người trồng bồ kết sẽ thu hoạch. Trái bồ kết sau khi thu hoạch, được phơi khô tự nhiên hoặc sấy. Từ màu xanh vàng lúc mới hái, sau khi được phơi khô và để lâu ngày, trái bồ kết sẽ có màu đen bóng với mùi thơm đặc trưng rất quyến luyến. Ngoài tác dụng ngăn chặn rụng tóc, phục hồi, kích thích mọc tóc nhanh, cũng như tạo sự óng mượt, suông mềm, hết gàu cho tóc ra; trong một số tài liệu khoa học cho biết thêm thông tin, trái bồ kết còn có một số công dụng trị các bệnh khác như điều trị ho, viêm xoang hay hỗ trợ giảm đường huyết...

Quay lại nồi nước bồ kết đang sôi với lửa liu riu ngọn trên bếp nhà tôi, ngoài bồ kết trái tôi nướng ra, tôi còn đập dập vài tép sả, lấy luôn cả lá sả cho vào nấu chung. Riêng điều này thì không phải ai cũng biết, chính bạn là giám đốc công ty dầu gội bồ kết nguyên chất trên đã hướng dẫn cho tôi, bạn dặn đi dặn lại: Vỏ bưởi chỉ được bỏ vào nồi khi đã tắt bếp đi, thì mới giữ được tinh dầu bưởi cho tóc đẹp thăng hoa thêm...

Mỗi ngày đi qua trong cuộc sống của mỗi chúng ta, là một sự sắp xếp trật tự đến nguyên tắc, từ việc này trước, đến việc kia sau; ngày nối ngày cứ luôn đi qua như một cái máy... Cho nên, nếu có chút “dư dả” về mặt thời gian và có thể được, không riêng gì phụ nữ, những anh chàng hay “đảm việc nhà” thay vợ, vẫn có thể nướng và nấu cho mình cũng như cho người phụ nữ yêu thương bên cạnh mình và con gái nồi nước bồ kết đượm tình, mà trong đó nhớ bỏ thêm tép và lá sả, vỏ bưởi, thêm cỏ mần trầu càng tốt và nên nhớ, vỏ bưởi phải được bỏ vào sau khi tắt lửa, để lưu giữ được nguyên vẹn tinh dầu bưởi, cho suối tóc mượt mà và thơm dịu nhẹ hơn, thăng hoa hơn.

Một mái tóc khỏe, óng dài, suông mềm, mượt bàn tay “ai đó” vừa đan xõa... Thơ mộng làm sao buổi ban mai dậy hương bồ kết. Mỗi bình minh dịu dàng của ngày mới, sau khi kỳ công nướng, nấu và gội đầu, lan tỏa từ trong gian bếp đến tận ngõ nhỏ nhà mình, là mùi thơm đó, vừa như quyến luyến nửa không muốn rời xa, vừa như níu kéo để ta muốn quay về... Cuối cùng rồi ai cũng kịp nhận ra, những yêu thương lan tỏa đó, đang hiện hữu trong mỗi hơi thở của chính mình, miên man trong từng suy nghĩ... Chỉ có thể là vấn vương bởi mùi thơm của bồ kết...


Huỳnh Thúy Kiều
Ý kiến của bạn