Hà Nội

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh

30-12-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ Y tế, hiện nay, bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong nước, một số loại dịch bệnh luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh viêm não Nhật Bản...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi

Ngoài nước, một số dịch bệnh truyền nhiễm mang tính chất nguy hiểm có thể sẵn sang “tràn vào” bất cứ lúc nào…

Vì thế, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh là một trong những hoạt động ưu tiên trong hệ thống y tế…

Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch bệnh

Về công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế luôn chú trọng giám sát 56 bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành y tế tập trung giám sát một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan như Ebola, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não Nhật Bản, dịch Mers-Cov... Đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho rằng số ca tử vong do dịch bệnh giảm hẳn so với năm ngoái nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp. Nếu không phòng chống tốt rất dễ bùng phát các ổ dịch.

Do đó, trong các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh đến việc các cấp, các ngành liên quan, các đơn vị cần quyết liệt trong công tác kiểm soát dịch bệnh không để xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Với quan điểm trong phòng chống dịch bệnh, yêu cầu công tác truyền thông phải theo hướng chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, truyền hình) hoặc tại các buổi tọa đàm để thông tin đến với người dân một cách đa dạng, thường xuyên và liên tục. Do đó, Bộ Y tế chỉ đạo các cấp, ngành cần tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bện, đặc biệt lưu ý các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như cúm A, sởi, tay chân miệng. Chú trọng triển khai tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế, các khu vực thường biến độc về dân cư và các khu vực có ổ dịch cũ.

Đồng thời Bộ Y tế cũng đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiêm chủng: Lơ là sẽ khiến dịch bệnh bùng phát

Trong phòng chống dịch bệnh, việc triển khai công tác tiêm chủng đóng vai trò hết sức quan trọng, thực tế đã cho thấy, khi chúng ta lơ là trong công tác tiêm chủng thì chính bản thân chúng ta, con em chúng ta sẽ gánh chịu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời hậu quả của những năm sau là dịch bệnh sẽ bùng phát. Thực tế của công  tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua cho thấy một số dịch bệnh sau thời gian tạm lắng đã tái bùng phát. Nguyên nhân bùng phát có rất nhiều yếu tố, tuy nhiên trong đó có liên quan đến việc nhiều gia đình đã lơ là, tự ý bỏ tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh cho con, em mình.

Điển hình như vụ dịch sởi bùng phát vừa qua tại nhiều địa phương cho thấy, nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 - 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phía Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Hay như dịch bệnh viêm não Nhật Bản B đợt vừa qua cũng do nhiều gia đình có tâm lý chủ quan, tâm lý “sợ” tiêm chủng nên đã khiến cho dịch bệnh này bùng phát tại nhiều địa phương.

Về công tác tiêm chủng các chuyên gia y tế đã nhấn mạnh, đối với một số bệnh như sởi- rubella, viêm não Nhật Bản… hiện đã có vắc xin phòng chống các bệnh này. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho con em mình, các gia đình cần chủ động theo dõi các lịch tiêm chủng, thời điểm tiêm chủng phù hợp với từng độ tuổi để đưa con, em mình đi tiêm chủng nhằm bảo vệ sức khỏe cho các cháu.

Nguyễn Hà

 

 

 


Ý kiến của bạn