Vẫn sống khoẻ mạnh 30 năm dù bị chẩn đoán ung thư

28-05-2014 20:00 | Thời sự
google news

Sau vài ngày cưới vợ, chàng trai trẻ được phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng. Thế nhưng, suốt 30 năm qua, người đàn ông ấy vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên vợ và hai con….

Sau vài ngày cưới vợ, chàng trai trẻ được phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng. Thế nhưng, suốt 30 năm qua, người đàn ông ấy vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên vợ và hai con….

Ngày định mệnh 30 năm trước

Ung thư vòm họng lâu nay vẫn được ví như “án tử” đối với bệnh nhân, nhưng riêng với ông Đào Văn Bảo (53 tuổi, thôn Đào Xá, Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội) thì căn bệnh quái ác gieo rắc cái chết ấy chẳng thể làm ông nao núng. Suốt 30 năm bị ung thư vòm họng, ông Bảo vẫn sống khỏe mạnh như một kỳ tích, thậm chí, ông còn sinh những đứa con khỏe mạnh và nuôi dạy các con nên người.

"Bản án tử" mà ông Bảo đã lĩnh 30 năm về trước.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo ngoại thành Hà Nội, ông Bảo cũng lam lũ, vất vả như nhiều người dân nơi đây. Khó khăn nên ông Bảo chẳng có cơ hội đi khám bệnh, cho đến một ngày khoảng 30 năm trước, ông Bảo đã tìm đến cơ sở y tế và đau đớn đón nhận hung tin. “Tôi lấy vợ tôi là bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi) vào năm 1984. Tôi vẫn nhớ như in, bữa cơm đầu tiên có vợ bên cạnh, tôi bỗng nhiên cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ, nuốt không trôi…” – ông Bảo kể.

Vốn là người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh nên ông Bảo chẳng để tâm đến bất thường của cơ thể mình. Rồi những ngày đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, ông Bảo chẳng thể hạnh phúc trọn vẹn bởi bữa cơm dần trở thành cực hình với ông, mỗi lúc miếng cơm càng làm cổ họng ông Bảo nghẹn cứng, khó thở. Hai tháng sau ngày cưới, thấy chồng ngày một khổ sở khi ăn uống, bà Phúc nhất mực ép ông Bảo đi khám. Hai vợ chồng ông Bảo khăn gói lên tận Hà Nội khám bệnh.

Tại Bệnh viện K ở Hà Nội, các bác sĩ khi đó đã kết luận ông Bảo bị ung thư vòm họng. Vợ của ông Bảo kể lại: “Nhận kết quả, vợ chồng tôi cảm thấy bình thường vì thời kỳ đấy bệnh ung thư còn mới mẻ, không áp lực như bây giờ nên không hoang mang…”. Sau khi thăm khám, hai vợ chồng ông Bảo lại dắt díu nhau về quê để cùng bàn bạc hướng chữa bệnh.

Một thời gian sau, ông Bảo được vợ đưa lên viện K ở Hà Nội để nhận xạ trị trong 3 tháng. Hết phác đồ xạ trị, bác sĩ hỏi ý kiến vợ chồng ông Bảo về việc tiếp tục phác đồ truyền hóa chất nhưng bệnh nhân từ chối. “Khi đó gia đình tôi mới tìm hiểu và được biết truyền hóa chất sẽ không có con nên quyết định không truyền” – ông Bảo nhớ lại.

Trở về quê nhà sau đợt điều trị ung thư, ông Bảo “quên” mình là người bệnh, lao vào cùng vợ bươn chải cuộc sống trên những mảnh ruộng. Rồi vợ chồng ông Bảo lần lượt sinh hai người con trai vào các năm 1986 và 1989. Nhà thêm miệng ăn là lúc ông Bảo thêm những bận bịu, vất vả lo toan. “Từ sau ngày xạ trị vào năm 1984, tôi không hề dùng thêm bất cứ loại thuốc gì, cứ lao động sản xuất bình thường. Tôi chả nghĩ gì đến bệnh tật, chỉ lo làm việc để nuôi vợ con thôi” - ông Bảo khẳng định.

15 năm sau ngày ông Bảo được các bác sĩ bệnh viện K Hà Nội xạ trị, gia đình ông Bảo đột nhiên nhận được lá thư của bệnh viện K gửi về. Nội dung thì ông Bảo chẳng còn nhớ, nhưng chủ yếu là hỏi thăm về tình trạng sức khỏe và yêu cầu ông Bảo điền vào phiếu thăm dò sức khỏe. Gia đình ông Bảo đã viết thư trả lời, gửi lại kết quả.

Cuộc chiến mới

Tôi gặp người đàn ông sống khỏe mạnh suốt 30 năm phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội vào những ngày tháng 4/2014. Ông Bảo tìm đến viện này thăm khám và mới đây các bác sĩ đã phát hiện ở cuống lưỡi của ông Bảo có những khối u nhỏ, bên trong chứa tế bào K.

Lần thứ 2 nhập viện vì bị ung thư cuống lưỡi, ông Bảo vẫn giữ tinh thần lạc quan.

Trong cuộc chiến mới này, dường như ông Bảo mệt hơn, thi thoảng phải tạm ngưng câu nói để dưỡng sức nhưng ông Bảo vẫn rất lạc quan, ông hóm hỉnh nói: “Ung thư không thể đánh gục tôi từ 30 năm trước, tôi vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ bên vợ con. Giờ nó quay trở lại cũng chẳng có gì là ghê gớm…”.

Ít ngày sau tôi trở lại viện tìm ông Bảo, nhưng các bác sĩ cho biết ông Bảo đã lĩnh thuốc và được người thân đưa về quê điều trị, vì hiện tại bệnh nhân này không thể xạ trị được nữa, vết xạ trị cũ từ 30 năm trước đã rất mỏng.

Có thể, lần thứ hai trở thành bệnh nhân ung thư, ông Bảo sẽ chẳng còn nhiều sức khỏe như lần trước, nhưng tinh thần lạc quan của ông Bảo sẽ vẫn mãi là liều thuốc thần tiên trong quá trình chống chọi với bệnh tật.

 

 


Ý kiến của bạn