Hà Nội

Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu - Kinh nghiệm các nước và thời điểm vàng của Việt Nam

05-12-2019 20:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 5.12, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu Việt Nam. Cuộc họp do PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ HTQT và TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến, việc tăng cường hợp tác y tế khu vực và trên toàn cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng. Thời gian vừa qua, ngành y tế đã chung tay dập tắt nhiều dịch bệnh xuyên quốc gia như SARS, H5N1, Mer-CoV. Năm nay, dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam tăng gấp 3 lần nhưng Việt Nam đã khống chế tỷ lệ tử vong ở mức 0.017%, tương đương với tỷ lệ của năm trước. Nghị quyết-TW-20 chỉ ra 9 nhiệm vụ quan trọng trong đó có tăng cường hợp tác y tế. Để đáp ứng tình hình mới, Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu Việt Nam (VGHO) ra đời để ứng phó với các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi, bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số,….

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam

Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới

Một số nước như Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan, Philippines đã thành lập Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu (Global Health Office-GHO) để kiểm soát các bệnh lý mới nổi và không lây như ung thư, đái tháo đường, bệnh do già hóa dân số,….Ở Việt Nam, Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu (VGHO) do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng ban chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân mà các quốc gia đã cam kết trong đó có Việt Nam. Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu đặt trụ sở tại Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế. Phó Trưởng Ban chỉ đạo VGHO là TS. Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO cho biết Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. Việt Nam gia  nhập WHO vào năm 1950. Năm 1951, TS. Phan Huy Kháng là Phó Chủ tịch trong cuộc họp WHO Tây Thái Bình Dương. Năm 2020 đánh dấu 70 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Gần đây nhất, Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng chấp hành của WHO 2013-2016, tham dự vào việc điều hành các hoạt động, APEC 2015 nêu bật tầm quan trọng trong việc đóng góp cho lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. TS. Kidong Park ghi nhận những thành tựu y tế Việt Nam trong hội nhập và nâng cao kỹ năng ngoại giao trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu.

TS. Kidong Park nhấn mạnh, Việt Nam với kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bao phủ y tế toàn dân,… việc khởi động VGHO xây dựng nền tảng cho các hoạt động hội nhập, như cái nôi sinh ra nhà vô địch về sức khỏe toàn cầu tại Việt Nam. WHO vui mừng vì Việt Nam đóng vai trò ngày một trọng yếu hơn.

Kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực sức khỏe toàn cầu

TS. Annie Chu (WHO) cho biết WHO có 194 thành viên, WHO Tây Thái Bình Dương gồm 27 thành viên. Hiện nay, WHO đang chuyển dịch sang sức khỏe toàn cầu, điều trị cá nhân sang can thiệp toàn dân số, phối hợp xuyên biên giới, tiếp cận đa ngành. Việt Nam hiện là một thành viên Hội đồng chấp hành của WHO (hay Ban điều hành WHO).

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy kỷ nguyên an toàn hậu SARS của Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu tại CDC. Sáng kiến một vành đai, một con đường, hợp tác Nam-Nam đã thu hút hợp tác quốc tế song phương, đa phương. Trong quá trình này, Trung Quốc đã nâng cao năng lực sức khỏe toàn cầu, Thái Lan cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Brazil cũng cũng mới phát triển năng lực sức khỏe toàn cầu, triển khai nhiều chức năng, ngay cả Tổng thống Brazil cũng coi tiếp cận chăm sóc sức khỏe như quyền con người và trở thành chính sách ưu tiên, chẳng hạn như đưa thuốc ARV vào điều trị HIV.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam

Lĩnh vực sức khỏe toàn cầu còn góp phần chuyển giao công nghệ, nâng cao tri thức y học giữa các nước. Nhật Bản có chiến lược đối ngoại sức khỏe toàn cầu, tầm nhìn thúc đẩy chính sách bao phủ y tế toàn dân, trọng tâm nguồn nhân lực cho sức khỏe toàn cầu. Nhật Bản chính là đối tác chủ chốt trong lĩnh vực này trong G20. Nhiều quốc gia mong muốn chia sẻ tri thức của họ trong chiến lược sức khỏe toàn cầu và ngoại giao toàn cầu. Chẳng hạn như, Australia mong muốn nâng cao sức khỏe người dân ở Tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc có chiến lược hợp tác dưới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Tại cuộc họp, Thái Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm tìm nguồn tài trợ để đạt các mục tiêu sức khỏe toàn cầu. Chẳng hạn như tìm kiếm nguồn thay thế khi Quỹ Toàn cầu ngừng viện trợ thuốc ARV trong chương trình phòng chống HIV/AIDS. Rồi đào tạo thế hệ trẻ nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực này, những vấn đề liên quan tới sức khỏe toàn cầu như dịch bùng phát ở một quốc gia có thể lây lan ra khắp thế giới, kháng kháng sinh, gia tăng sử dụng rượu bia trong thế kỷ 21, công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu để nâng cao sức khỏe người dân. Châm ngôn của một vị vua Thái Lan “Thành công thực sự không chỉ nằm ở việc học, mà là áp dụng vào thực tiễn vì lợi ích của nhân loại” đã trở thành kim chỉ nan cho các sinh viên y khoa, thầy thuốc Thái Lan và cũng thuận theo tôn chỉ lĩnh vực sức khỏe toàn cầu.

Thời điểm vàng để Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu phát huy

Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cựu thành viên của Hội đồng chấp hành WHO cho biết Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực sức khỏe toàn cầu qua việc tham gia các kỳ họp của WHO, APEC, ASEAN. Trong 10 vấn đề sức khỏe toàn cầu đáng quan tâm nhất của WHO thì Việt Nam có thể đóng góp vào 8 lĩnh vực bao gồm sốt xuất huyết, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu,… Một trong những thế mạnh của Việt Nam là phòng chống bệnh dịch mới nổi, có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước.

Nhận định về hoạt động của Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu trong năm 2020-2021, Đại diện CDC cho hay cần thực hiện có hệ thống chức năng điều phối, nâng cao năng lực networking,… Việt Nam có thành tựu về đối ngoại, và sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao rất quan trọng. Năm 2016, với quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam trở thành tấm gương và có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO phát biểu tại cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam

Đại diện UNDP cho hay sức khỏe toàn cầu (global health) giải quyết các bệnh không biên giới, có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường, có sự tương đồng giữa các quốc gia. Việt Nam, Indonesia và Uganda đã trở thành các quốc gia đi đầu trong phương pháp tiếp cận One Health (Một Sức khỏe). Chẳng hạn như kháng kháng sinh có sự tương tác giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp. Thành tựu của Việt Nam trong nhiều năm qua về One Health đã được ghi nhận và sẽ vẫn trở thành trọng tâm trong thời gian tới.

PGS. Trần Xuân Bách từ Trường Đại học Y cho rằng Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu (VGHO) cần đóng vai trò kết nối các trường đại học trong khu vực. Sự kết nối này sẽ giúp cho việc đào tạo có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn, chia sẻ tri thức kịp thời, đẩy mạnh thành chính sách, tối đa hóa sử dụng tri thức không giới hạn biên giới cuộc gia.

TS. Kidong Park nhận định, đây là thời điểm vàng để Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu ở Việt Nam phát huy sức mạnh, và theo ông cần đưa ra tầm nhìn 2020-2025. Trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những đối tác quan trọng hơn nữa trong cộng đồng về kinh tế, ngoại giao. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong vòng 20-30 năm tới. Hiện nay, còn nhiều đối tác đóng góp cho hệ thống y tế nên tận dụng bởi ngân sách WHO sẽ giảm, tài trợ ODA cũng sẽ giảm và về mặt lâu dài, các đối tác quốc tế sẽ dần rút ra khỏi Việt Nam khi người dân có thu nhập cao. Đây là viễn cảnh không thể tránh khỏi, vừa là thách thức, vừa là cơ hội. WHO chuyển ưu tiên quốc gia sang các vấn đề mang tính toàn cầu hơn. Ở Việt Nam, thời điểm này Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu có thể phát huy tối đa sức mạnh và tạo đà cho những mục tiêu SDGs và nâng cao sức khỏe người dân trong tương lai.


Bích Vân
Ý kiến của bạn