Thời gian vừa qua, thông tin về “sữa Trung Quốc nhiễm độc chất melamin gây sạn thận” đã gây nhiều hoang mang cho các bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ. Nhiều phụ huynh đã hạn chế dùng sữa và các sản phẩm từ sữa. Một số trường mầm non cũng cắt khẩu phần sữa của trẻ để “đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Trao đổi với phóng viên sức khỏe&Đời sống, BS. Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa ra những khuyến cáo về vấn đề này.
PV: Thưa bác sĩ, việc cắt giảm khẩu phần sữa của trẻ trong thời gian này để tránh nhiễm độc melamine có đúng hay không?
BS. Nguyễn Thị Hoa: Theo tôi, việc cắt hẳn khẩu phần sữa của trẻ là hoàn toàn không đúng và không nên. Bởi vì trong giai đoạn trẻ đang phát triển, sữa là một loại thực phẩm vô cùng cần thiết. Tại các trường mầm non, chủ yếu là các cháu ở lứa tuổi từ 3 - 5 tuổi, vẫn ăn rất ít trong khi nhu cầu chất dinh dưỡng lại rất cao. Các thức ăn thêm (ngoài sữa) thường không cung cấp đủ chất đạm và các chất bổ sung cần thiết cho dinh dưỡng của trẻ. Việc cắt hẳn khẩu phần sữa là một phản ứng có phần cực đoan, trước các thông tin quá dày đặc của các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua.
PV: Hiện nay, để thay thế sữa, nhiều trường mầm non và ngay cả các bậc cha mẹ chăm sóc con tại nhà có xu hướng sử dụng các thực phẩm thay thế sữa, thậm chí là sản phẩm dinh dưỡng chức năng nhằm mục đích bù lại phần dinh dưỡng cho trẻ từ sữa. Theo BS, các loại thực phẩm này có đáp ứng hoàn toàn được sự thay thế này không?
BS. Nguyễn Thị Hoa: Như tôi đã nói ở trên, các trẻ lứa tuổi mầm non khả năng ăn kém, sức ăn không cao vì dạ dày của các em còn rất nhỏ. Các thực phẩm như cháo hầm xương, nước ép trái cây, cháo rau hay bột dinh dưỡng có nguồn gốc động - thực vật… là thức ăn bổ sung có nhiều chất dinh dưỡng nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho sữa vì lượng thức ăn các em ăn được vào cơ thể rất ít, mà lượng không đủ thì chất cũng sẽ không đủ. Còn với các loại thực phẩm chức năng, nếu muốn dùng để thay thế sữa thì yêu cầu đầu tiên và cao nhất là phải hội đủ được các tính chất, thành phần dinh dưỡng giống như sữa, đặc biệt là protein và canxi. Trong các bệnh viện chưa dùng các sản phẩm đó bao giờ, nhưng nếu các trường mầm non và các bà mẹ muốn sử dụng thay sữa thì phải xem có kết quả kiểm định, giấy chứng nhận của cơ quan chức năng là Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm về các thành phần của loại thực phẩm đó hay không. Mà hiện nay trên thị trường, theo tôi biết thì chưa có loại thực phẩm nào có đầy đủ thành phần dinh dưỡng như sữa được công bố và công nhận.
PV: Vậy theo bác sĩ, nên chăm sóc trẻ như thế nào để vừa đảm bảo chế độ dinh dưỡng mà vẫn an toàn cho sức khỏe của trẻ?
BS. Nguyễn Thị Hoa: Chúng tôi vẫn khẳng định không nên và không đúng nếu cắt giảm sữa của trẻ. Các bà mẹ nếu còn trong giai đoạn cho con bú thì nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Còn nếu trẻ đã qua giai đoạn bú mẹ thì trong tình hình sữa nhiễm Melamine như hiện nay, các bà mẹ và các trường mầm non nên chọn mua các sản phẩm sữa của các thương hiệu có uy tín, đã được kiểm định chất lượng. Trong hàng trăm loại sữa Bộ Y tế vừa công bố không có chất Melamine, các bà mẹ và các trường hoàn toàn có thể chọn được những loại phù hợp để tiếp tục sử dụng cho trẻ. Nhưng một vấn đề cũng không kém phần quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong việc sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa (như bánh plan, yaourt…) là phải chú ý đến nguồn gốc sản phẩm, điều kiện bảo quản, vệ sinh… của các loại sản phẩm đó.
PV: Cám ơn bác sĩ đã dành cho báo cuộc trao đổi này.
Tuân Nguyễn (thực hiện)