Hà Nội

Vẫn nóng chuyện tranh chấp chung cư

27-07-2018 07:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, câu chuyện liên quan đến việc tranh chấp sở hữu chung riêng, như: hầm để xe, hành lang, nhà sinh hoạt cộng đồng và các hạng mục khác tại các dự án nhà chung cư đang khiến dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, việc xử lý chậm trễ các vướng mắc cho cư dân của các cơ quan chức năng liên quan, khiến các vụ tranh chấp dường như không có hồi kết và hậu quả là người dân lãnh đủ.

Bộ Xây dựng mới đây đã có báo cáo Thủ tướng về tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư. Theo đó, có hàng trăm dự án tại 43 địa phương xuất hiện tình trạng tranh chấp.

Thực tế, việc tranh chấp xảy ra trên diện rộng, từ những chủ đầu tư nhỏ với các khu chung cư cao cấp... Điều đáng buồn là, có những dự án kéo dài đến cả 10 năm trời để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình mà vẫn chưa giải quyết được.

Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại gia tăng ở chung cư. Một trong các nguyên nhân phổ biến đó là chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định. Ngoài ra, nguyên nhân bùng nổ tranh chấp là do một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng… chưa đủ rõ. Quy định các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và các pháp luật khác có liên quan.

Một vấn đề nữa đặt ra là vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia về luật, trong tranh chấp, người mua nhà tuy là số đông nhưng lại yếu thế hơn so với chủ đầu tư. Do đó, người dân cần có tư vấn pháp luật đầy đủ hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cũng theo các luật sư, khi quy định pháp luật, chế tài không đủ sức răn đe thì chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm rồi thực hiện các hình thức khác nhau để sửa lỗi, tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp, với việc sai lệch một vài mét diện tích căn hộ chủ đầu tư lãi cả hàng trăm triệu đồng, nếu phạt chỉ vài chục triệu rõ ràng chủ đầu tư sẵn sàng đánh đổi. Vì thế, để giải quyết tranh chấp thì cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh kiểm tra các vi phạm, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm, trong trường hợp sai lệch thiết kế lỗi do chủ đầu tư gây ra, nếu xét thấy không vi phạm đến an ninh, trật tự thì cấp sổ đỏ cho người dân và phạt nặng chủ đầu tư để họ không dám sai phạm.


Hải Vũ
Ý kiến của bạn