Hà Nội

Vẫn nóng chuyện đất đai

30-03-2012 11:07 | Xã hội
google news

Tại hội nghị “Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam” tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 27/3 vừa qua,

Tại hội nghị “Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam” tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 27/3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cho biết, chỉ trong 4 năm từ 2008 - 2011, các tỉnh, thành phía Nam đã tiếp hơn 583 nghìn lượt người đến khiếu nại, tố cáo với trên 487 nghìn vụ việc. Điều đáng lưu ý là nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%).
 
Chỉ riêng tại Bộ Tài nguyên - Môi trường, số vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai thường chiếm trên 98% tổng số đơn thư mà Bộ nhận được hằng năm. Riêng từ năm 2008-2011, Bộ đã tiếp nhận 25.238 lượt đơn của 10.937 vụ việc, trong đó có 10.820 vụ thuộc lĩnh vực đất đai. Trong tổng số đơn thư này, có đến 16.093 lượt đơn của công dân phía Nam, chiếm 63,8% tổng số đơn thư toàn quốc. Điều đó cho thấy khiếu kiện về đất đai là lĩnh vực “nóng” tại khu vực phía Nam.

Nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu vào vấn đề đất đai như khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… Bên cạnh đó, các nội dung tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai, trong quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; trù dập người khiếu kiện, bao che cán bộ dưới quyền; cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến xét xử oan sai, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Qua các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, các cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 162 nghìn đơn khiếu nại, tố cáo; Đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước trên 300 tỷ đồng, hơn 300ha đất, khôi phục quyền lợi cho nhiều người dân. Tuy nhiên, từ kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo cũng cho thấy số vụ khiếu nại, tố cáo đúng chiếm khoảng 46%; còn lại chủ yếu là khiếu nại, tố cáo sai.

Tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai liên tục gia tăng, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn do những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân. Khi phát sinh khiếu kiện đã không chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành lại không nghiêm...
 
Ngoài ra, hiện quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Đất đai chưa thống nhất. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trước đây bị buông lỏng. Nhiều nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng quy định, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, nhưng không được kiểm tra, xử lý...
 
Bên cạnh đó, khi tiến hành thu hồi nhiều đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp… nhưng áp các quy định về giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi trong một số trường hợp thấp hơn giá thị trường nên người dân bị thu hồi không nhất trí với phương án bồi thường dẫn đến phát sinh khiếu nại. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo gia tăng.

Để từng bước giải quyết vấn đề “nóng” bức xúc trên, cần đẩy nhanh việc rà soát, tổng kết đánh giá một cách cơ bản chính sách, pháp luật về đất đai, từ đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường kiểm tra, đánh giá lại quỹ đất tránh tình trạng thất thoát, lãng phí. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhất là hậu kiểm đối với các dự án, công trình sau khi được giao, thuê đất.

Một điều mấu chốt nữa để hạn chế phát sinh khiếu kiện là trước khi tiến hành giải tỏa, thu hồi đất, cần có sự phối hợp giải quyết đồng bộ và thỏa đáng từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người bị thu hồi đất. Có như thế mới hạn chế những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, khiếu kiện vượt cấp gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.           

  Đỗ Ngọc


Ý kiến của bạn