Trong hai ngày 22 và 23/5/2018, tại Hàng Châu (Trung Quốc), hội nghị Bộ trưởng Liên chính phủ châu Á, châu Đại Dương lần thứ 14 về phòng chống doping trong thể thao đã đề cập đến tình trạng lạm dụng doping trong tập luyện và thi đấu thể thao ngày càng nhiều và tinh vi.
Sử dụng doping để gia tăng thành tích thể thao một cách gian lận, bất chấp hậu quả về sức khỏe và tính mạng của vận động viên, luôn là một vấn nạn nhức nhối và dành được sự quan tâm của nhiều người. Từ những vụ nổi cộm trước đây như Lance Amstrong (xe đạp), Marion Jones (điền kinh), Maradona (bóng đá)… và gần đây nhất là tình trạng sử dụng doping của các vận động viên Nga đã gióng một hồi chuông báo động về vấn nạn này.
Doping là gì?
Theo Ủy ban Olympic châu Âu: “Doping đó là việc sử dụng những chất và những phương pháp nhằm làm tăng một cách giả tạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thề chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên”.
Theo Ủy ban Olympic Mỹ: “Doping là việc uống hay dùng bất cứ chất gì lạ đối với cơ thể với ý định làm tăng một cách giả tạo và không trung thực thành tích thi đấu của vận động viên”.
Qua những nhận định trên, chúng ta có một cái nhìn khái quát về doping:
Doping là những chất hay những phương pháp bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao, do làm tăng thành tích thi đấu một cách gian lận.
Việc sử dụng doping sẽ gây ra những tác dụng phụ, đưa đến tác hại về sức khỏe, thậm chí là tính mạng người sử dụng!
Phân loại doping
Doping có 3 dạng thông dụng:
Doping máu: sử dụng các hoóc-môn sản xuất hồng cầu như erythropoietin, giúp tăng cường vận chuyển oxy qua hồng cầu.
Doping cơ: sử dụng các chất steroid đồng hóa (các steroid đồng hóa là những dẫn xuất tổng hợp của testosteron và có những tính chất tương tự như testosterone) giúp tăng cường sức mạnh của cơ do sản sinh hoóc-môn androgen.
Doping thần kinh: sử dụng các chất kích thích thần kinh như amphetamin, cocain… ngăn chặn điều khiển và phản hồi cơ bắp tới hệ thần kinh, kích thích sự hoạt dộng của cơ thể.
Các chất và các phương pháp bị cấm sử dụng
Các chất bị cấm sử dụng:
Các chất thuộc nhóm kích thích: amphetamin, ephedrin, pseudoephedrin, cocain...
Các chất thuộc nhóm giảm đau gây nghiện (morphin, methadone, heroin).
Các chất thuộc nhóm steroid đồng hóa (nandrolone, clostebol, stanizolol...).
Các chất thuộc nhóm chẹn beta (propanolol, atenolol…).
Các chất thuộc nhóm lợi tiểu (furosemide, hydrochlorothiazide, acetazolamide…)…
Các chất hạn chế sử dụng:
- Rượu (alcohol).
- Cần sa (marijuana).
- Các chất gây tê cục bộ (lidocain, procain...).
- Các corticosteroid (betamethason, triamcinolon…).
Các phương pháp doping bị cấm sử dụng:
- Doping máu (blood doping).
- Biến đổi nước tiểu về dược lý học (pharmacological), về hóa học (chemical), hoặc vật lý (physical).
Lance Amstrong
Tác hại của việc sử dụng doping
Sử dụng các chất thuộc nhóm kích thích như amphetamin làm tăng sự tỉnh táo, tập trung, hưng phấn thần kinh… Tuy nhiên, việc lạm dụng amphetamin trong thi đấu thể thao sẽ gây ra những tác hại:
- Gây nghiện thuốc.
- Mệt mỏi, xáo trộn giấc ngủ.
- Trầm cảm hay hoang tưởng.
- Tổn thương não, thận.
- Suy tim.
- Đột quỵ.
Sử dụng các chất thuộc nhóm steroid đồng hóa sẽ làm tăng khối lượng cơ bắp của vận động viên. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài các chất này sẽ gây ra các tác hại nguy hiểm: đối với phụ nữ sẽ gây ra hiện tượng nam hóa: giọng nói trầm, nổi mụn, mọc lông, râu, rối loạn kinh nguyệt… Đối với nam giới: teo tinh hoàn, suy giảm tinh dịch, liệt dương.
Khi sử dụng lâu dài các chất chẹn beta sẽ gây ra tác hại:
- Làm hạ huyết áp.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Gây suy tim.
- Liệt dương…
Khi sử dụng lâu dài các chất lợi tiểu sẽ làm mất cân bằng điện giải, hạ huyết áp, trụy tim mạch và có thể dẫn đến tử vong.
Trong phương pháp doping máu, việc truyền máu sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh viêm gan siêu vi.
Do đó, việc sử dụng doping trong thi đấu thể thao sẽ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe và tính mạng vận động viên. Ngoài ra, còn gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức của vận động viên và danh dự quốc gia khi phải chịu án phạt cấm thi đấu của Ủy ban Olympic quốc tế.