Muốn hiến nhưng gia đình phản đối
Theo ThS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay trên thế giới có hai cách đăng ký hiến tạng. Thứ nhất, khi đến tuổi thanh niên, nếu người đó không muốn hiến tạng sau khi chết não thì sẽ đăng ký vào danh sách từ chối hiến tạng. Nếu như người đó không may bị tai nạn giao thông mà chết não thì các cơ sở y tế sẽ kiểm tra trên mạng để xem người này có tên trong danh sách người từ chối hiến tạng hay không. Nếu không có tên trong danh sách này là mặc nhiên được hiểu là người này tình nguyện hiến tạng. Cách thứ hai, nếu người đó muốn đăng ký hiến tạng sau khi chết não sẽ phải ký tên vào đơn tình nguyện hiến tạng thì sau này sẽ được cấp một thẻ đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Khi người có thẻ bị chết não, cơ sở y tế sẽ lấy tạng.
Ths Phúc kể: Khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhiều ý kiến cho rằng ở nước ta đây là một vấn đề rất mới. Chúng ta đi theo trường phái phương Đông, do đó mọi cái đều phải thể hiện tâm nguyện rất nhiều. Vì thế Quốc hội đã chọn phương án nếu như tình nguyện hiến thì phải thể hiện bằng đơn để thể hiện ý chí mạnh mẽ nhất về việc hiến tạng.
Các bác sỹ mặc niệm, cúi đầu bày tỏ trân trọng trước tấm lòng của người hiến tạng (Ảnh bác sỹ cung cấp)
Nước ta quy định người đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi có quyền hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết. Đấy là quyền nhân thân, không ai có quyền xâm phạm. Cụ thể trong mẫu đơn đăng ký hiến tạng, không có mục nào yêu cầu phải có ý kiến của gia đình đồng ý và ký nhận.
Tuy nhiên trên thực tế, nếu gia đình phản đối thì các cơ sở y tế thường không lấy tạng. Trong trường hợp, nếu trong đơn không có ý kiến của gia đình chúng tôi vẫn thường tư vấn, nên chia sẻ với gia đình biết tâm nguyện của mình để trong trường hợp nếu người đăng ký hiến tạng không may ra đi thì gia đình sẽ thông báo cho cơ sở y tế biết. Do đó, chúng tôi luôn khuyến cáo những người muốn hiến tạng hãy chia sẻ với gia đình để tâm nguyện cao đẹp đó được viên mãn, trọn vẹn.
GS.TS. Nguyễn Quốc Kính - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, hiện nay không có giới hạn nào về tuổi của người hiến tạng, vấn đề ở đây chủ yếu là vấn đề pháp lý. Theo quy định một người đủ 18 tuổi sẽ có đủ nhận thức về các mặt xã hội trong đó có cả ý nguyện về hiến tạng. Ở nước ngoài, nếu bệnh nhân chết não là trẻ em, thường các em không có thẻ hiến tạng, khi qua đời muốn lấy tạng phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc gia đình. Còn đối với những công dân từ 18 tuổi, khi qua đời nếu có thẻ hiến tạng thì không cần sự cho phép của gia đình. Còn ở Việt Nam dù có thẻ hay không có thẻ hiến tạng, khi lấy tạng của người chết não bắt buộc phải có ý kiến của gia đình.
5 năm mới có 25 người chết não hiến tạng
Theo thống kê tại Việt Nam hiện nay có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Mỗi ngày tại BV Hữu nghị Việt Đức có 2-3 bệnh nhân chết não và mỗi năm hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Trên thực tế số người bị tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm rất lớn, khoảng 10.000 người. Nếu như 10% trong số người này tình nguyện hiến tạng thì chúng ta đã có 1.000 tạng được hiến có thể cứu được rất nhiều người bệnh.
Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Tuy nhiên, 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng khi chết não. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, những thành tựu đạt được trong ghép tạng ở Việt Nam chưa thể nói là sánh ngang thế giới nhưng có những cái ngang tầm thế giới, ví dụ như ghép nhiều tạng cùng lúc, không phải trung tâm nào trên thế giới cũng làm được. Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng. Chỉ riêng BV Việt Đức đã tiến hành 25 ca ghép gan (trong đó 3 trường hợp được ghép từ người cho sống), 11 ca ghép tim và hơn 250 ca ghép thận. Chúng ta đã làm tốt 3 bước chuẩn bị cho ghép, chỉ còn bước khó nhất là người hiến, tập trung vào người cho chết não.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ, một người khi còn sống nếu hiến tạng sẽ được chăm sóc và phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi hiến. Họ sẽ được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tặng thẻ BHYT và được chăm sóc sức khoẻ định kỳ, miễn phí suốt đời
Với những người hiến mô tạng sau khi chết não được truy tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đây là thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của nhà nước của xã hội với những tâm nguyện đáng trân trọng.