Văn minh xe buýt phải từ hai phía

20-04-2009 4:38 PM | Thời sự

Hiện nay các cơ quan chức năng cùng chính quyền luôn đau đầu với vấn nạn kẹt xe ở thành phố, loay hoay tìm giải pháp và trước mắt cũng như lâu dài

Hiện nay các cơ quan chức năng cùng chính quyền luôn đau đầu với vấn nạn kẹt xe ở thành phố, loay hoay tìm giải pháp và trước mắt cũng như lâu dài thì không thể không khuyến khích phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên khi nói đến hệ thống giao thông công cộng hiện nay ở thành phố, mà hiện chỉ có xe buýt, trừ những người bắt buộc sử dụng, còn lại mọi người không “mặn mà” với phương tiện này. Nguyên do đến từ cả hai phía: nhà xe và hành khách...

Tài xế, phụ xe “căng thẳng”?

Tôi đã có thời từng là sinh viên du học ở Mỹ, từng có dịp qua Thuỵ Sỹ, Singapore công tác, thăm người thân và bạn bè. Vì cư trú thời gian ngắn và điều kiện, tôi là khách hàng thường xuyên của các hãng xe buýt, tôi không thấy bất cứ một vấn đề gì với phương tiện này nếu không muốn nói là thoải mái và rẻ. Về Việt Nam, tôi vẫn giữ thói quen sử dụng phương tiện này nhưng đã bắt đầu gặp phải những bất tiện.

 Hành khách cũng cần nâng cao ý thức khi lên xuống xe, đi xe.

Trước tiên, tôi từng không ít lần chứng kiến phụ xe buýt có lời lẽ, cử chỉ khiếm nhã với những người sử dụng vé tháng, lý do đơn giản là họ không thể thu tiền vé trực tiếp cao hơn với những người này. Chẳng lẽ những nhân viên phục vụ trên xe buýt (lái và phụ xe) lại không nhớ rằng: vé tháng cũng mua bằng tiền, và mục đích chính hệ thống xe buýt công cộng ra đời là phục vụ cho những người có nhu cầu đi lại thường xuyên trên những tuyến đường cố định mà ở đây không ai khác là những công nhân, nhân viên, sinh viên.

Gần đây, khi thường xuyên thấy những trường hợp xe buýt gây tai nạn, đình công, bỏ bến, cư xử bất nhã, côn đồ với hành khách..., nhiều người đổ lỗi cho tài xế, lái phụ xe “căng thẳng” do phải đối đầu với những thực trạng giao thông và hành vi của khách đi xe.

Nếu nói căng thẳng, tài xế xe buýt đâu có căng thẳng, mệt mỏi hơn nếu so với các y, bác sĩ phải trực cấp cứu, phẫu thuật, hay CSGT đứng giữa ngã tư bất kể thời tiết mưa, nắng. Không lẽ bác sĩ, công an đều có quyền khó chịu và lên giọng với mọi người. Thêm nữa, khi tài xế xe buýt vin vào cớ “căng thẳng” mà đi bừa thì rất nguy hiểm tới tính mạng cho hành khách và cả những người đi đường. Rất may tuyến xe buýt tôi đi thường xuyên là tuyến 150 - Chợ Lớn - Tân Vạn, cách phục vụ của nhân viên là có thể chấp nhận được.

Trên những chuyến xe buýt mà tôi đã từng đi ở Singapore, Mỹ, tài xế lái xe buýt lớn như vậy nhưng không có phụ xe nào nữa. Mỗi xe có một hệ thống giống như chiếc hộp đựng tiền xu. Khách đi xe buýt thả tiền xu vào hộp rồi lên xe. Khách đi xe buýt phải có trách nhiệm đổi sang tiền xu hoặc tiền lẻ để đi. Khi bước lên xe, tài xế gật đầu chào, và những khách sử dụng vé tháng có thẻ chỉ việc quẹt thẻ vào máy quét.

Ở Thụy Sĩ, xe buýt có sàn xe thấp, luôn đóng mở hai cửa, kiểu như xe buýt phục vụ vận chuyển hành khách từ nhà chờ ra máy bay. Khi dừng tại trạm, tài xế sử dụng thiết bị điều chỉnh cho thân xe thấp xuống để hành khách lên xe dễ dàng, ngay cả những phụ nữ có con nhỏ sử dụng xe đẩy, hoặc người tàn tật, xe lăn cũng được tài xế xuống xe phụ giúp đưa xe đẩy lên nếu không có hành khách giúp đỡ.

Điểm chung là các tài xế luôn vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ khách. Đối với người tàn tật, xe buýt có hẳn một hệ thống giúp đỡ để họ lên được xe buýt và có chỗ ưu tiên cho họ ngồi. Trên xe buýt, dọc hai bên chỗ ngồi là sợi dây. Nếu khách muốn xuống trạm kế tiếp, chỉ việc kéo dây, tài xế sẽ nhận được tín hiệu ở phía trên và đến trạm tiếp theo họ tự biết dừng lại cho hành khách xuống xe.

Tôi để ý thấy mỗi khi xuống xe, hành khách đều cảm ơn bác tài, và khi khách lên xe, tài xế đều chào khách. Tuy tài xế xe buýt ở Việt Nam do điều kiện đặc thù đất chật, người đông, đường hẹp nên chỉ tập trung lái xe, khó có thể quay lại mỉm cười chào khách được. Nhưng chỉ cần họ không cáu gắt, văng tục, miệt thị... cũng đủ khiến nhiều người hài lòng.

Hành khách “hành” nhau

Xây dựng môi trường văn minh trên xe buýt tôi nghĩ không chỉ riêng cho tài xế hay phụ xe, mà cả khách đi xe buýt cũng phải học hỏi.

Qua những chuyến xe buýt ở TP.HCM, tôi nhiều lần chứng kiến hành khách đi xe có khi không chịu trả tiền, cứ lên là lủi vào trong đám đông đứng, đến lúc phụ xe “mò ra” mới chịu trả tiền. Có khách lấy cớ không có tiền lẻ cứ giơ tờ tiền 200.000đ hoặc 500.000đ để làm khó, nhưng sau khi bị phụ xe yêu cầu họ đón xe sau thì họ lại lôi tiền lẻ ra.

Có những hành khách “vô tâm”, thấy phụ nữ và người già không nhường ghế, lại giả vờ ngủ. Một ghế 2 người ngồi, nhưng có khách ngồi banh chân ra không muốn cho người khác ngồi chung hoặc để ba lô lên chiếm hẳn một ghế.

Thêm vào đó là chuyện xếp hàng ở trạm xe buýt, điều đó như đã được “mặc định” trong ý thức mỗi người khách đi xe ở nước ngoài. Khi lên xe, họ rất từ tốn, hết chỗ thì sẽ đứng. Nếu xe quá đông, những người khác sẽ phải chờ chuyến tiếp theo. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh hỗn độn trên xe cũng như ở trạm xe buýt, dù hàng chờ có dài đến mấy thì khách vẫn lịch sự. Trong chuyến xe xuống Thủ Đức vào làng đại học thăm em gái tôi đã gặp nhiều cảnh sinh viên chen lấn, dẫm đạp lên nhau để có chỗ ngồi, hay nhiều khách đi xe buýt vừa ăn uống nhồm nhoàm rồi ném rác xuống đường.

Sẽ hơi khập khiễng khi so sánh xe buýt giữa những nước phát triển cao với Việt Nam, tuy nhiên, những thứ tạm gọi là “cao”, là văn minh đó, thực ra luôn sẵn có trong mỗi con người, có điều là nhiều người chưa được “hướng dẫn sử dụng”, hoặc mắc thói quen xấu “không sử dụng” nó mà thôi.    

Thanh Lan


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH