Văn minh vật chất

23-09-2011 11:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cuối những năm 90, Đại học quốc gia Úc ở Canberra được sự tài trợ của Quỹ Ford đã thực hiện chương trình dịch và xuất bản tiếng Việt Tủ sách tham khảo cơ bản về Khoa học xã hội và nhân văn.

Cuối những năm 90, Đại học quốc gia Úc ở Canberra được sự tài trợ của Quỹ Ford đã thực hiện chương trình dịch và xuất bản tiếng Việt Tủ sách tham khảo cơ bản về Khoa học xã hội và nhân văn. Tủ sách bao gồm 10 tác phẩm siêu việt nhất trong lĩnh vực này của phương Tây. Trong 10 tác phẩm ấy, Hội đồng tư vấn và thẩm định đã chọn cuốn Những cấu trúc sinh hoạt thường ngày, tập I trong 3 tập của bộ Văn minh vật chất, nền kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ XV-XVIII, tác giả là Fernand Braudel.  

Trong lĩnh vực sử học quốc tế, Fernand Braudel (1902-1985) thuộc loại “cây đa cây đề”, đã mở những con đường mới cho khoa  lịch  sử. Ông đã bỏ ra 25 năm để viết bộ Địa Trung Hải và thế giới Địa Trung Hải vào thời vua Philippe II (1949), 20 năm để hoàn thành bộ Văn minh vật chất, nền kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ XV - XVIII (1979). Ông đã đóng góp vào việc mở rộng chân trời sử học, đưa sử học vào không gian thống nhất của các khoa học nhân văn. Ông thuộc phái Sử học mới (Nouvelle Histoire). Sử học truyền thống chỉ ghi chép sự kiện, Braudel coi những sự kiện đó chỉ là “những bọt của lịch sử” chứ chưa thực là lịch sử. Ông chủ trương một môn sử học toàn vẹn, nên thường nghiên cứu những quãng lịch sử dài trong thời gian và rộng trong không gian. Theo ông, trong nửa đầu thế kỷ XX, “nghề nghiên cứu sử đã thay đổi sâu sắc, đến mức bản thân các hình ảnh và vấn đề của dĩ vãng cũng tự thay đổi hoàn toàn”. Do đó, lịch sử các sự kiện phải đặt vào nền tảng xã hội của nó và trong khung cảnh thời gian diễn biến lâu dài. Lịch sử phải mở rộng sang những mảnh đất mới: huyền thoại, truyền thống gia đình, ăn uống, tiền tệ, nhà ở (văn minh vật chất), tư tưởng… Những phát hiện đạt được phải đem đối chất với những quan niệm và tư tưởng của lịch sử truyền thống.

Tập đầu (tiếngViệt, năm 1998) của bộ Văn minh vật chất, nền kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ XV-XVIII giới thiệu sự biến diễn của lịch sử con người trên toàn thế giới trong 400 năm có tính chất quyết định đối với nền văn minh toàn cầu, từ gia tăng dân số đến các thức ăn (phân thành các nền văn minh ăn gạo, ăn kê, ăn mì), đời sống hàng ngày: rượu, chè, cà phê, thuốc lá, đồ đạc, quần áo đến tiền tệ, các kỹ thuật…

Braudel cho là các hình thái kinh tế - xã hội có thể xuất hiện và tồn tại cùng một lúc, trong một thời điểm lịch sử nào đó, khi có một số điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Trong một số giai đoạn lịch sử thuộc dĩ vãng, kinh tế tư bản đã có thể có mặt trên thế giới, chứ không đợi đến thời kỳ hiện đại. Ông phân biệt kinh tế thị trường với kinh tế tư bản. Quan điểm của Braudel về văn minh vật chất có thể phù hợp với định nghĩa về văn minh và văn hoá được áp dụng trong cuộc họp năm 1978 của UNESCO. Ở Teheran (Iran) mà tôi có tham dự, văn minh chỉ toàn bộ những thành tựu vật chất và kỹ thuật phục vụ cho lợi ích của đời sống con người trong quan hệ với môi trường. Văn hoá là tổng thể những hệ thống ký hiệu chi phối cách ứng xử và các mối quan hệ trong một cộng đồng khiến cộng đồng ấy có những đặc thù riêng. Nói một cách đơn giản, văn hoá nhấn mạnh đến ứng xử giữa con người và con người, còn văn minh nhấn mạnh đến ứng xử giữa con người và thiên nhiên. Braudel dựa vào cơ sở văn minh (vật chất) để giải thích văn hoá nói chung và tìm hiểu lịch sử về bề sâu và bề rộng. Những đồ vật, công cụ, cử chỉ hàng ngày… đều là chìa khoá để tìm hiểu sự đa dạng của các nền văn minh và văn hoá. Chỉ cần đọc chục trang của Braudel viết về trồng lúa nước để thấy một thức ăn như gạo đã quyết định bộ mặt lịch sử, địa lý, xã hội chính trị, kinh tế, văn hoá của một vùng lớn châu Á ra sao. Xin kể qua vài nét: trồng lúa nước (lúa chiêm của Chiêm Thành rất quan trọng) đã tạo ra quang cảnh ruộng đồng chi chít như bàn cờ, do nhu cầu tưới tiêu, hình thành làng xã với đê điều, chính quyền vua quan. Lúa đòi nhiều đất (cần cấy) và công sức như làm vườn nên tập trung người ở đồng bằng, bỏ mất kinh tế vùng núi phồn thịnh như châu Âu (chăn nuôi, khai thác rừng). Người dân vùng lúa gạo ít ăn thịt hơn người châu Âu và ít biết đến sữa và bơ. Dân tập trung vùng đồng bằng, ruộng bùn không hợp với muỗi anôphen nên ít bị sốt rét, trong khi loại muỗi này hợp với suối ở miền núi.

Có hai nền văn hoá ngồi, ở châu Âu là văn hoá ngồi cao (có bàn cao, ghế tựa cao), còn các miền khác là văn hoá ngồi thấp, ngồi bệt hay ngồi xổm (các nước đạo Hồi, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Riêng Trung Quốc cũng thuộc loại thứ hai, nhưng từ thế kỷ 13 đã nhập từ châu Âu vào cái bàn và ghế tựa, nên từ đó, hai nền văn hoá ngồi song song tồn tại. Ngồi cao mới đầu chỉ dành cho vị trí cao (ngai vua, khách quý). Ở Việt Nam, văn hoá ngồi thấp có kỷ, chõng tre, chiếu. Sau mới nhập bàn và ghế (Trung Quốc), nhất là phổ biến thời Pháp đô hộ. Ở châu Âu, trước khi có bàn, chỉ có ghế đẩu và ghế dài, buộc phải kê thêm chiếc bàn hình chữ nhật hẹp. Vì vậy, cái bàn đầu tiên là bàn ăn. Từ bàn ăn sang bàn viết, bàn họp, bàn tròn… bàn thay đổi ý nghĩa.  Hội nghị Paris đàm phán về Việt Nam phải mất mấy tháng cãi nhau về cái bàn. Thế mới biết văn hoá vật chất, từ vật rất tầm thường thành gốc của nhiều sự kiện xã hội, kinh tế, chính trị, thành lịch sử…

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn
Tags: