Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón nhận niềm vui kép

26-02-2013 10:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tối 25/2, di tích Văn Miếu– Quốc Tử Giám đã vinh dự đón nhận niềm vui kép, khi đón bằng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và bằng công nhận di sản tư liệu thế giới cho 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc.

Tối 25/2, di tích Văn Miếu– Quốc Tử Giám đã vinh dự đón nhận niềm vui kép, khi đón bằng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và bằng công nhận di sản tư liệu thế giới cho 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc.
 
Gần một ngàn năm qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt , bởi thế việc đón nhận di tích văn hóa quốc gia đặc biệt càng làm tôn lên và khẳng định những nét đẹp văn hóa, giáo dục trường tồn của dân tộc ta. Di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập từ Thế kỉ XI, nơi đây luôn giữ vai trò thờ tự, giáo dục, nho học lớn nhất, nơi đào tạo ra hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước trong suốt thời kì phong kiến độc lập, đặc biệt có 3 vị vua của nước ta.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón nhận niềm vui kép 1
Bà Katherine Marin trao bằng công nhận cho 82 bia đá tiến sĩ là di sản tư liệu thế giới.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón nhận niềm vui kép 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng công nhận Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.

82 bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779) mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế. Các bài văn bia còn ghi rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản và duy nhất của tư liệu. Các văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước biên soạn nên về cơ bản chúng là những tác phẩm văn học vô giá. Những văn bia này được viết bằng chữ Hán với cách viết khác nhau khiến cho mỗi tấm bia như một bức tranh chữ, một tác phẩm thư pháp. Mỗi dòng chữ trên 82 tấm bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng...

Buổi lễ đón nhận được bắt đầu bằng lễ dâng hương lên các vị tiền nhân, thánh hiền dân tộc, của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành ủy Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại VN, bà Katherine – Marin đã lần lượt trao hai bằng công nhận cho di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc (1442 – 1779).
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón nhận niềm vui kép 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong đó có 82 tấm bia đá Tiến sĩ triều Lê Mạc ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng đặc biệt, đây cũng là nơi phản ánh những đặc trưng rõ nét nhất nền văn hóa VN, với nguyên lý “Hiền tài là nguyên khí của uốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”, cho đến tận ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay đã trở thành một khu di tích đặc biệt quan trọng, một địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, cũng là điểm văn hóa du lịch được đón các đoàn khách quốc tế và Nguyên thủ quốc gia các nước đến tham quan nhiều nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã viết: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, tượng trưng của truyền thống văn hiến nước nhà”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám là 1 trong gần 5000 di sản của Hà Nội và là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi đây mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc VN. Quá trình hình thành và phát triển gắn liền với các bậc hiền tài và đặc biệt là 3 vị vua, 82 bia đá tại Văn Miếu là những tấm bia duy nhất trên Thế giới còn lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm của lịch sử các khoa thi và là triết lý của thời đại về nền giáo dục và đào tạo sử dụng nhân tài”.
 
Theo Dân trí

Ý kiến của bạn